Ông Nguyễn Văn Bình: Xử lý nợ xấu ngân hàng như chữa "bệnh tăng xông"

Hoàng Đan |

"Cơ chế xử lý nợ xấu hệt như xử lý bệnh tăng xông, làm sao đừng để tích tụ. Xử lý liên tục thì mạch máu lưu thông, nền kinh tế sẽ tốt", Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho biết.

Ngân hàng không "ăn hụt" vào tiền của dân

Nêu ý kiến tại buổi thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho biết, việc ban hành dự thảo Nghị quyết này đã được báo cáo Bộ Chính trị, nên ông đã có điều kiện tham gia góp ý.

"Đại biểu Quốc hội khoá trước nói nợ xấu như cục máu đông, hình ảnh đó rất chính xác, con người càng cao tuổi mỡ máu càng nhiều, tích tụ dần làm đường ống dẫn máu hẹp, huyết áp lên, mạch máu tắc thì tăng xông, nhẹ thì còn chữa được chứ nặng thì đi luôn", ông ví von.

Hình ảnh này, theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương, thì rất giống xử lý nợ xấu, vì hệ thống ngân hàng cũng chính là huyết mạch của nền kinh tế.

"Vì thế, cơ chế xử lý nợ xấu hệt như xử lý bệnh tăng xông, làm sao đừng để tích tụ. Xử lý liên tục thì mạch máu lưu thông, nền kinh tế sẽ tốt, đó là lý do lớn nhất để ban hành nghị quyết", cựu Thống đốc Ngân hành Nhà nước phát biểu.

Ông phân tích thêm" "Nợ xấu nào chả là nợ xấu? Hôm qua, hôm nay hay ngày mai có phát sinh thì vẫn là nợ xấu, phải chăng nợ xấu hôm trước có gì đặc biệt, quy định như thế phải chăng có gì ưu ái với các khoản nợ xấu cũ?".

Đồng thời, ông khẳng định, nợ xấu có thể do nguyên nhân khách quan hoặc chủ quan nhưng phải khẳng định là xấu.

"Giả sử có ông đi móc ngoặc với ngân hàng để vay một khoản, cuối cùng ông ngân hàng đi tù, người đi vay cũng đi tù, tài sản thu hết nhưng khoản nợ đó vẫn là nợ xấu.

Vì vậy trách nhiệm của cơ quan liên quan đến nợ xấu vẫn phải xử lý nghiêm, theo pháp luật, không phải có Nghị quyết mà các cá nhân kia thoát tội.

Và dù, ông đó có đi tù, chúng ta đã xử lý hết các vấn đề thì còn lại vẫn là nợ xấu phải xử lý. Nghị quyết này không bao dung cho những ai làm ăn sai trái", ông Bình nói.

Theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương, giả sử nợ xấu không được xử lý thì trách nhiệm của tổ chức tín dụng ở đây rất cao.

Đồng thời, các tổ chức tín dụng phải bằng lợi nhuận của mình trích lập dự phòng rủi ro cho đến khi đủ xử lý hết khoản nợ xấu mới thôi.

Ông Nguyễn Văn Bình: Xử lý nợ xấu ngân hàng như chữa bệnh tăng xông - Ảnh 1.

Các đại biểu thảo luận tại tổ.

"Vì sao phải trích lập như vậy? Vì đây là tiền của dân, nên dù ông doanh nghiệp làm mất tiền thì ngân hàng vẫn phải đền bằng chính lợi nhuận của mình. Nên khách quan không ngân hàng nào muốn nợ xấu", ông Bình nêu.

Lý giải về quy định bán đấu giá tài sản thấp hơn so với giá trị ghi nợ, ông Bình khẳng định, ngân hàng không ăn hụt vào tiền của dân.

"Ngân hàng bán giá thấp nhưng không ảnh hưởng gì cả, ngân hàng cũng không ăn hụt vào tiền của dân", Trưởng ban Kinh tế Trung ương nói rõ.

Nợ xấu ngân hàng là điều không tránh khỏi

Cũng liên quan đến việc này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, nếu đã hoạt động tín dụng thì nợ xấu là việc không tránh khỏi đối với các quốc gia không phải riêng nước ta.

"Nợ xấu bình thường phải dưới 3% tổng dư nợ cho vay. Thực ra nội bảng dưới 3%, nhưng treo ở Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) thì nhiều.

Hiện đã là 10,8% là một chuyện không bình thường. Cho nên phải ra nghị quyết của Quốc hội, cho áp dụng trong một thời điểm nhất định", bà Ngân nói.

Chủ tịch Quốc hội gợi ý ban hành Nghị quyết xử lý nợ xấu là cần thiết vì không thể kéo dài.

"Nghị quyết này ban hành không phải hợp thức hóa cho các tổ chức vi phạm pháp luật. Do đó, chúng ta ra Nghị quyết này không chỉ bảo đảm lợi ích của các tổ chức tín dụng mà còn bảo đảm lợi ích của người gửi tiền", bà Ngân nói.

Theo Chủ tịch Quốc hội, Nghị quyết này chỉ giải quyết có thời hạn, chốt 31/12/2016 trở về trước là có cơ sở. Nợ xấu không chỉ bây giờ mới phát sinh thì làm sao lại "với" đề xuất đến tháng 7 khi Nghị quyết này có thời hạn và thời hạn áp dụng là 5 năm.

Nghị quyết này không chỉ áp dụng với ngân hàng Việt Nam mà còn cả với các chi nhánh của ngân hàng nước ngoài vì Hiến pháp quy định không phân biệt các thành phần kinh tế.

"Nguyên tắc quan trọng là không sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu. Khái niệm, tiêu chí nợ xấu rất quan trọng.

Quyền thu giữ tài sản là linh hồn của nghị quyết, khái niệm nợ xấu là gốc. Nếu chỉ nội bảng thì không cần ra nghị quyết vì nội bảng dưới 3%, còn thực tế tổng là 10,8%", bà Ngân nhấn mạnh.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP. HCM rất băn khoăn với tính khả thi của dự thảo Nghị quyết này, nhất là quy định về việc mua bán nợ xấu "theo giá thị trường".

Lý do vì ngay tài sản thế chấp cho các khoản nợ xấu liệu có còn hay không, giá trị thực sự còn bao nhiêu... là cả một vấn đề. Đây cũng là vướng mắc lớn nhất khiến việc thu hồi nợ xấu rất khó khăn.

Bà cũng bày tỏ, nếu không làm tốt việc này thì rất có thể sẽ bị lợi dụng, đem lại lợi ích cho một nhóm nào đó, không khéo còn hợp thức hóa các sai phạm và khoản nợ xấu đó không ai chịu trách nhiệm. Như vậy, sẽ làm méo mó mục đích mà dự thảo Nghị quyết đề ra.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại