Bất bình vụ việc ông Trịnh Xuân Thanh
Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa 14 sáng nay, Chủ tịch Ủy ban TƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho hay, cử tri và nhân dân bất bình trước việc ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam.
"Mặc dù làm thua lỗ hàng ngàn tỷ đồng của Nhà nước nhưng vẫn được bổ nhiệm giữ các chức vụ quan trọng tại Bộ Công thương, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang. Vừa qua, ông Thanh đã bị khởi tố bị can.
Cử tri và nhân dân đề nghị Đảng và Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, có những giải pháp quyết liệt, mạnh tay hơn nữa trong đấu tranh chống tham nhũng, nhất là những vụ tham nhũng lớn, có biểu hiện "lợi ích nhóm", gây hậu quả nghiêm trọng, làm suy giảm niềm tin của nhân dân", ông Nhấn nhấn mạnh.
Liên quan đến sự cố Formosa, theo ông Nhân, cử tri tiếp tục kiến nghị việc đền bù cần kịp thời, chính xác và minh bạch, các cơ quan chức năng sớm kết luận cụ thể về mức độ an toàn của nước biển, hải sản, tiếp tục khắc phục ô nhiễm môi trường biển.
Giám sát chặt chẽ hoạt động của công ty đã vi phạm; thực hiện hỗ trợ khám, chữa bệnh cho người dân bị ảnh hưởng; có chính sách hỗ trợ ngư dân, doanh nghiệp bị thiệt hại và có giải pháp phù hợp giải quyết việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp để ổn định cuộc sống cho người dân bị ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, cử tri bức xúc và lo ngại về tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở nhiều nơi diễn biến phức tạp, một số vụ giết người man rợ, nghiêm trọng ở một số địa phương gây tâm lý bất an trong nhân dân.
Tệ nạn ma túy, đặc biệt là mua bán, sử dụng các chất ma túy, việc xuất hiện nhiều loại ma túy mới đang diễn ra phức tạp, ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự, an toàn xã hội.
"Việc bố trí, quản lý và hoạt động của các trạm thu phí dự án BOT còn nhiều bất cập như: khoảng cách thu phí chưa hợp lý, phí chồng phí khiến người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn, nhất là đối với bà con sinh sống và doanh nghiệp ở gần các trạm thu phí.
Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng rà roát việc đầu tư, tổ chức thu phí BOT giao thông, quản lý chặt về mức phí và quy định khoảng cách thu phí hợp lý", ông Nhân cho hay.
Ngoài ra, cử tri và nhân dân tiếp tục phản ánh, kiến nghị về một số vấn đề bức xúc như: Trung Quốc tiếp tục gia tăng các hoạt động bồi đắp, xây dựng nhiều sân bay, cảng, bố trí vũ khí tại các bãi đá, đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông được ký giữa các nước ASEAN và Trung Quốc (DOC).
Đề nghị chấm dứt tình trạng phá hoại môi trường gây hậu quả nghiêm trọng
Tại phiên khai mạc, Chủ tịch Ủy ban TƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân.
Theo ông Nhân, đã 2.986 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội.
Trong đó, có 1.174 ý kiến, kiến nghị của cử tri được phản ánh qua Đoàn đại biểu Quốc hội của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 1.812 ý kiến, kiến nghị của nhân dân qua hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp.
Cụ thể, cử tri còn những băn khoăn, lo lắng về một số vấn đề như: Nền kinh tế đất nước phát triển chưa thực sự bền vững , năng suất lao động còn thấp và tăng chậm.
Việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế còn chậm; tình trạng ô nhiễm môi trường chưa có nhiều chuyển biến tích cực; tội phạm, tệ nạn xã hội, tham nhũng, lãng phí chưa được đẩy lùi.
"Ùn tắc giao thông và ngập úng nặng khi có mưa lớn tại thành phố Hà Nội, mưa lớn và triều cường tại thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố khác có xu hướng gia tăng ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất và đời sống của người dân", ông Nhân nói.
Ảnh: Quochoi.vn
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế tăng lên 30% kể từ ngày 1/3/2016 là chưa phù hợp với chất lượng dịch vụ y tế hiện nay; việc tổ chức khám, chữa bệnh ở một số bệnh viện còn chưa thật hợp lý.
Còn một số sai sót rất đáng tiếc về chuyên môn trong ngành y tế dẫn đến hậu quả chết người đã gây bức xúc trong nhân dân.
"Cử tri và nhân dân vẫn rất lo lắng về tình trạng sản xuất, chế biến, tiêu thụ thực phẩm chưa bảo đảm an toàn, việc sử dụng chất tạo nạc, phụ gia, hoá chất công nghiệp trong chế biến thực phẩm chưa được kiểm soát chặt chẽ, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân", ông Nhân nêu.
Một vấn đề khác cũng được cử tri nêu ra, đó là việc chặt phá, hủy hoại rừng có tổ chức và chống người thi hành công vụ vẫn diễn ra thường xuyên và ngày càng phức tạp.
Theo ông Nhân, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã từng báo cáo trước Quốc hội về tình trạng này, nhân dân ở xã biết, chính quyền ở xã, huyện, tỉnh biết, người dân khốn đốn, tài nguyên Quốc gia bị cướp phá, môi trường bị hủy hoại nghiêm trọng.
"Nhưng chủ tịch xã, bí thư Đảng ủy xã, chủ tịch huyện, bí thư huyện ủy, chủ tịch tỉnh, bí thư tỉnh ủy đã chỉ đạo như thế nào, tác dụng thực tế đến đâu để chấn chỉnh tình trạng trên?
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã 2 lần kiến nghị với Chính phủ vào năm 2013, 2014 và 3 lần báo cáo trước Quốc hội vào năm 2015, 2016.
Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần trực tiếp chỉ đạo các bộ, ngành và chính quyền địa phương, thế nhưng các vi phạm pháp luật của lực lượng khai thác cát và chặt phá rừng không phép, trái pháp luật vẫn tiếp tục một cách công khai", Chủ tịch UB TƯ MTTQ Việt Nam chỉ rõ.
Cũng theo ông Nhân, cử tri và nhân dân cho rằng, nạn "cát tặc", "lâm tặc" xảy ra công khai trong thời gian dài mà không bị xử lý chính là biểu hiện, là địa chỉ của "lợi ích nhóm".
"Đề nghị Chính phủ quyết liệt chỉ đạo và có biện pháp triệt để chấm dứt tình trạng một số ít người công khai vi phạm pháp luật, cướp phá tài nguyên Quốc gia, phá hoại môi trường gây hậu quả nghiêm trọng lại không sợ hàng triệu người dân sẵn sàng bảo vệ luật pháp, không sợ chính quyền nhân dân, không sợ Đảng", ông đề nghị.