Thông tin được chia sẻ bởi Tân Tổng giám đốc SGDCK TP.HCM ( HoSE ), ông Lê Hải Trà về việc Sở này đang tham khảo thông lệ quốc tế và lấy ý kiến các chuyên gia, báo cáo các cơ quan liên quan để đánh giá tác động cũng như hiệu quả của việc nâng lô giao dịch tối thiểu từ 100 cổ phiếu lên 1.000 cổ phiếu đang gây nhiều băn khoăn, tranh luận với nhà đầu tư chứng khoán.
Ông Lê Hải Trà cho biết, theo tính toán của HoSE, việc tăng lô lên 1.000 có thể giảm 40-50% tổng số lượng lệnh giao dịch. Việc tăng lên lô 1.000 có thể mở đường cho những tầm cao mới của thanh khoản thị trường. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng được bảo vệ tốt hơn thông qua việc đầu tư vào chứng chỉ quỹ phát hành bởi các công ty quản lý quỹ chuyên nghiệp.
"Tôi muốn nhấn mạnh rằng, đây có thể chỉ là giải pháp tạm thời để giải quyết tình trạng nghẽn lệnh hiện nay. Trong tương lai, khi hệ thống giao dịch mới đi vào hoạt động, sẽ có bảng giao dịch lô lẻ, và chúng ta cũng hoàn toàn có thể quay trở lại lô 100 như hiện nay", ông Trà cho biết thêm.
Đồng tình quan điểm của ông Lê Hải Trà, mới đây trên trang Facebook, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Chứng khoán SSI cho rằng giải pháp xử lý sự cố tắc nghẽn hệ thống kiểu gì cũng có mặt trái, nhưng nếu không có giải pháp thì hệ thống sụp đổ thị trường sẽ dừng hoạt động.
"Trong hai cái dở phải chọn cái ít dở hơn thôi! Giải pháp tăng lô lên 1.000 là lựa chọn khả dĩ nhất lúc này để duy trì hệ thống, khi hệ thống mới được đưa vào sử dụng thì sẽ giảm trở lại lô 10. Các công ty chứng khoán cần tổ chức mua lô lẻ cho nhà đầu tư", chủ tịch SSI cho biết.
Cũng theo ông Nguyễn Duy Hưng, giống như cần trị bệnh phải uống thuốc thì mục tiêu chính là giảm bệnh và phải chấp nhận các phản ứng phụ của thuốc!
Đây là hệ quả của thị trường đã tăng trưởng nhanh hơn nhiều so với khả năng phát triển cùa hệ thống trong nhiều năm qua, cho nên để giải quyết triệt để không thể chỉ là những giải pháp một sớm một chiều.
Thiệt thòi cho nhà đầu tư "nhỏ lẻ", gia tăng "cơ hội" tiếp cận các cổ phiếu chất lượng kém
Thông tin việc nâng lô lên 1.000 (nếu có) đã gặp phải sự phản đối mạnh mẽ từ giới đầu tư bởi điều này sẽ gây ra không ít khó khăn cho việc tiếp cận thị trường chứng khoán, đặc biệt với các nhà đầu tư "nhỏ lẻ" với số vốn rất ít bởi họ sẽ phải bỏ ra số tiền gấp 10 lần như hiện nay để mua cổ phiếu trên sàn HOSE.
Nhà đầu tư phản đối quan điểm của ông Nguyễn Duy Hưng
Thống kê tính đến hết ngày 2/3 cho thấy, trên HoSE có tới 12 cổ phiếu có thị giá trên 100.000 đồng/cổ phiếu trong đó có những Bluechips quen thuộc với nhà đầu tư như VIC, VHM, VNM, SAB, MWG, VJC,...
Như vậy, nếu việc nâng lô tối thiểu lên 1.000 cổ phiếu được thông qua, một lệnh mua các cổ phiếu trên có thể lên đến hàng trăm triệu đồng. Để dễ hình dung về sự đắt đỏ này, số tiền tối thiểu nhà đầu tư phải chi để thực hiện một lệnh mua các cổ phiếu này tương đương với 2 cây vàng, thậm chí 4 cây vàng nếu muốn mua VCF và RAL.
Thấp hơn đôi chút, một loạt "tên tuổi" như VCB, GAS, MSN, PNJ, FPT, CTD, NVL, REE, BCM, PLX, BVH, PHR, BHN,... cũng đều có thị giá từ 50.000 đồng/cổ phiếu trở lên tức là số tiền nhà đầu tư cần có để tham gia giao dịch các cổ phiếu này cũng trên dưới 1 cây vàng.
Đây đều là những cổ phiếu quen mặt, được nhà đầu tư ưa thích và có tiềm năng tăng giá khi thị trường tiếp tục đi lên chinh phục mức đỉnh cao mới. Do đó, việc nâng lô tối thiểu trên HoSE lên 1.000 cổ phiếu sẽ đưa những cổ phiếu chất lượng ngày càng ra xa tầm tay với của nhà đầu tư, gián tiếp thu hẹp lựa chọn của họ khi tham gia thị trường.
Thay vì tiếp cận tới các cổ phiếu chất lượng, nhà đầu tư với số vốn ít ỏi chỉ có thể lựa chọn những cổ phiếu "trà đá", qua đó gián tiếp đẩy họ tới rủi ro thua lỗ, gây mất niềm tin trên thị trường.