Tổng thống Mỹ Joe Biden
Tổng thống Biden ra "tối hậu thư"
Hãng tin Reuters (Anh) cho biết, Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 4/4 đã đưa ra tối hậu thư cho Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu: hãy bảo vệ thường dân Palestine và nhân viên cứu trợ nước ngoài ở Gaza nếu không Washington có thể hạn chế hỗ trợ cho Israel trong cuộc chiến chống lại lực lượng Hamas.
Thông điệp này được đưa ra sau nhiều tháng Mỹ kêu gọi Israel thay đổi chiến thuật quân sự đã lấy đi mạng sống nhiều người dân thường Palestine. Đặc biệt, hôm 1/4, Israel đã thực hiện một cuộc tấn công khiến 7 nhân viên cứu trợ của World Central Kitchen (WCK) thiệt mạng. Sự việc này gây ra phẫn nộ trên toàn cầu.
Israel thừa nhận cuộc tấn công là một sai lầm.
“Thật không may, đã xảy ra một sự kiện bi thảm, trong đó lực lượng của chúng tôi vô tình làm hại những người không tham chiến ở dải Gaza”, ông Netanyahu xác nhận trong một tuyên bố.
Ông nói thêm: "Chúng tôi đang tiến hành một cuộc điều tra kỹ lưỡng và đang liên hệ với các chính phủ. Chúng tôi sẽ làm mọi cách để ngăn chặn tái diễn".
Mỹ không công bố cụ thể yêu cầu với Israel
Theo Reuters, Nhà Trắng không tiết lộ chính xác các hành động mà họ muốn ông Netanyahu thực hiện cũng như hậu quả mà Israel phải chịu nếu không thực hiện theo mong muốn của Washington. Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định, Mỹ có thể làm chậm quá trình chuyển giao vũ khí hoặc giảm sự hỗ trợ tại Liên Hợp Quốc cho Israel.
Căng thẳng Israel - Hamas bắt đầu sau cuộc tấn công ngày 7/10/2023 của Hamas vào Israel khiến khoảng 1.200 người thiệt mạng. Israel sau đó đã tấn công ác liệt để đáp trả.
Nhà Trắng cho biết, ông Biden kêu gọi Israel "công bố và thực hiện một loạt các hành động cụ thể để giải quyết tổn hại dân sự và bảo vệ sự an toàn của các nhân viên cứu trợ".
"Tổng thống nói rõ rằng chính sách của Mỹ đối với Gaza sẽ được xác định dựa trên đánh giá của chúng tôi về hành động ngay lập tức của Israel đối với những động thái này," Nhà Trắng cho biết thêm trong một tuyên bố.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thẳng thừng: "Nếu chúng tôi không thấy những thay đổi cần thiết thì chúng tôi sẽ thay đổi chính sách của mình."
Tại cuộc họp ngắn sau cuộc điện đàm của lãnh đạo Mỹ-Israel, người phát ngôn Nhà Trắng John Kirby từ chối nêu chi tiết về bất kỳ thay đổi cụ thể nào mà Mỹ sẽ thực hiện trong chính sách của mình đối với Israel và Gaza. Ông cho biết Washington hy vọng sẽ thấy thông báo về các hành động của Israel trong những ngày tới.
Israel hành động khẩn sau cuộc gọi của Nhà Trắng
Vào tối hôm 4/4, chỉ vài giờ sau cuộc điện đàm, chính phủ Israel đã công bố một số bước nhằm tăng cường dòng viện trợ đến Gaza, bao gồm mở cảng Ashdod và cửa khẩu Erez vào phía Bắc Gaza cũng như tăng cường chuyển hàng viện trợ từ Jordan. Reuters đánh giá, không rõ liệu các bước này có đủ để đáp ứng yêu cầu của Mỹ hay không.
Một nguồn thạo tin nói với Reuters rằng, cuộc điện đàm của ông Biden và ông Netanyahu kéo dài 30 phút và đôi lúc rất căng thẳng. Tại đây ông Biden đã nêu ra những lo ngại của mình còn ông Netanyahu bảo vệ cách tiếp cận của Israel đối với Gaza.
Tổng thống Biden vào tháng trước đã bày tỏ quan điểm rằng cuộc tấn công của Israel vào thành phố Rafah ở phía nam Dải Gaza sẽ là "lằn ranh đỏ" đối với Mỹ.
Tuy nhiên, cựu phó sĩ quan tình báo quốc gia Mỹ ở Trung Đông Jonathan Panikoff cho biết, ông Biden khó có thể thực hiện hành động quyết liệt nào nhằm đảo ngược mối quan hệ Mỹ - Israel. Mỹ có lẽ sẽ chỉ đặt ra các điều kiện đối với các hạng mục quân sự nhỏ.
Dù vậy, ông Panikoff cho hay: "Sự thất vọng của ông Biden với cách tiến hành cuộc chiến của Thủ tướng Netanyahu đã lên tới đỉnh điểm."
Washington là nhà cung cấp vũ khí hàng đầu cho Israel và cũng cung cấp cho nước này "lá chắn ngoại giao" tại Liên Hợp Quốc.