Ông Lý Hiển Long, Thủ tướng Singapore tại Đối thoại Shangri-la và trên trang cá nhân ngày 31/5 vừa qua phát biểu có nội dung cho rằng Việt Nam đã “xâm lược”, “chiếm đóng” Campuchia.
Đây hiển nhiên là một phát biểu hồ đồ, sai sự thật, xuyên tạc lịch sử, chạm vào nỗi đau của người dân Campuchia, của nhân dân Việt Nam về một giai đoạn khổ đau và đen tối nhất trong lịch sử.
Ông Lý Hiển Long đã viết những lời hồ đồ, xuyên tạc, bóp méo lịch sử thế này trên trang cá nhân của mình. Đáng chú ý, những lời lẽ khiến dư luận dậy sóng phản đối này vẫn còn nguyên trên trang cá nhân của ông ta
Phát biểu của ông Lý Hiển Long lập tức nhận được những phản ứng gay gắt từ báo chí và chính giới Campuchia.
Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh khẳng định các nhận xét của ông Lý Hiển Long cho rằng “Việt Nam xâm lược và chiếm đóng Campuchia là không đúng sự thật và coi thường lịch sử”. Ông Tea Banh yêu cầu Thủ tướng Singapore phải sớm cải chính về lời nói của mình.
Thưa ông Thủ tướng Singapore. Có thể ông đã quên nhưng lịch sử đã là những điều rõ ràng.
Sau khi Mỹ rút hết quân khỏi miền Nam Việt Nam năm 1973, Khmer Đỏ lật đổ chính quyền Lon Nol vào ngày 17/4/1975, tiến hành xây dựng “nước Cộng hòa Dân chủ Campuchia”.
Ngày 20/5/1975, Thường vụ Trung ương Đảng do Pol Pot chủ trì họp và nuôi tham vọng xây dựng xã hội mới ở Campuchia. Đó là một “nhà nước quái dị”: không chợ, không tiền, không trường học, không đô thị, không trí thức, không tôn giáo…
Xương người chất đống sau những cuộc tàn sát của Khmer Đỏ khát máu. (Ảnh tư liệu)
Tham vọng của tên đồ tể sát nhân Pol Pot gây ra thảm cảnh khủng khiếp trên đất nước Campuchia. Hắn và chính quyền quái gở của mình đã sát hại chính những người đồng bào vô tội của mình bằng cách man rợ và vô nhân tính nhất.
Chúng đã gây ra tội ác tàn bạo tương tự đối với hàng ngàn người dân vô tội Việt Nam dọc các tỉnh biên giới với Campuchia.
Trong các công trường lao động khổ sai ở các vùng nông thôn chẳng khác mấy những nhà tù khổng lồ. Người dân bị xử tử bất cứ lúc nào nếu bị nghi là phản động hay gián điệp. Nhiều hình thức tra tấn cực hình cũng được áp dụng trong khi rất nhiều người chết vì không có thuốc men chạy chữa khi ốm đau…
Người dân Campuchia dưới thời Pol Pot khát máu cầm quyền. (Ảnh tư liệu).
Pol Pot và bè lũ là những tên đồ tể ác hơn cả loài dã thú. Chúng sử dụng các loại vũ khí từ đao, búa, chỉa đến các loại súng, lựu đạn… để tàn sát chính những đồng bào của mình.
Hành động của chúng vô cùng man rợ như: chặt đầu, chặt tay chân, chặt người ra nhiều khúc, mổ bụng, moi gan, xé xác trẻ em ném vào lửa, đập đầu hãm hiếp phụ nữ, mổ bụng phụ nữ có thai, cắt cổ lấy máu, rạch miệng, ném xác người xuống giếng, chôn sống, tàn sát tập thể nhiều gia đình.
Tội ác man rợ đó không bao giờ có thể gột rửa được.
Đứng trước họa diệt chủng cả dân tộc, người Campuchia cầu cứu và cầu nguyện rằng không quan trọng đó là ai và sự giúp đỡ đến từ đâu, chỉ cần họ được cứu khỏi chế độ diệt chủng của Khmer Đỏ.
Người dân Campuchia đã cầu cứu. Nhưng không có tiếng đáp lại, ngoại trừ Việt Nam.
Cũng vào những ngày tháng 6 nắng như đổ lửa 40 năm về trước, chàng sĩ quan trẻ mới 25 tuổi đời Hun Sen (nay là đương kim Thủ tướng Campuchia Hun Sen), sang Việt Nam để tìm kiếm sự ủng hộ cách mạng.
“Tôi tới đây để tìm kiếm sự giúp đỡ từ Việt Nam để cứu đất nước khỏi nạn diệt chủng”.
Đáp lại lời kêu gọi khẩn thiết trước sự nguy vong hiển hiện, đồng thời cũng là để thực hiện quyền tự vệ chính đáng bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng, các chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam đã sát cánh cùng Mặt trận Đoàn kết Dân tộc Cứu nước Campuchia tiến hành cuộc chiến tranh tự vệ thần tốc.
Xương máu, sự hy sinh của các chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam trên đất Campuchia đã không uổng phí khi Cách mạng Campuchia thắng lợi, chế độ diệt chủng bị lật đổ vào ngày 7/1/1979, mở ra thời kỳ mới cho đất nước, nhân dân Campuchia.
Thủ tướng Hun Sen đã nhiều lần nhắc đến “ơn tái sinh” của “Bộ đội nhà Phật” và lần nào ông cũng không nén nổi cảm xúc:
“Trên thế giới này có đất nước nào đã giúp nhân dân Campuchia, đặc biệt là giải phóng khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot và ngăn cản sự quay lại của chúng? Câu trả lời chính là nhân dân và quân đội Việt Nam!
Nhân dân Campuchia có niềm tin chỉ có tiên có Phật mới cứu giúp được những phận người khi gặp khó khăn khốn cùng".
Ông Lý Hiển Long, nếu ông hay ai đó đã quên những tội ác của những tên đồ tể, mời ông đến tham quan bảo tàng chứng tích nhà tù diệt chủng Toul Sleng hay các ngôi mộ tập thể Cheung Ek và cánh đồng chết nếu ông hay ai đó vẫn còn nghĩ rằng tội ác diệt chủng là sự bịa đặt.
Ông có thể gặp những nhân chứng lịch sử, những người dân Campuchia hay những người dân Việt Nam dọc biên giới, những người lính tình nguyện Việt Nam may mắn thoát nạn diệt chủng, trở về đất nước, để nghe họ kể về những tội ác man rợ của Khmer Đỏ mà cả nhân loại tiến bộ trên thế giới lên án, ghê tởm.
Ông có thể nhầm lẫn, nhiều người có thể không muốn nhớ, thế giới có thể muốn quên, nhưng nhân dân Campuchia, những người đã trải qua 3 năm 8 tháng 20 ngày tận cùng đen tối ấy, và cả thế hệ sau này, sẽ mãi không quên. Thưa ông Thủ tướng Singapore!
Ông Lý Hiển Long, ông có thể muốn quên nhưng không được chạm vào nỗi đau của người dân Campuchia, nỗi đau của hàng ngàn người dân Việt Nam vô tội bị sát hại ở các tỉnh dọc biên giới với Campuchia, nỗi đau của những người lính tình nguyện mãi mãi nằm lại hoặc bỏ một phần xương máu của mình vì nghĩa vụ cao cả, vì lương tâm con người.
Chỉ trong 3 năm 8 tháng và 20 ngày (từ 1975 -1978), chế độ Khmer Đỏ đã giết hại gần 3 triệu người dân Campuchia vô tội. Bằng một phần tư dân số Campuchia thời đó.
Ông có thể đã quên nhưng người dân Campuchia, nhân dân Việt Nam không bao giờ quên.
Và nếu ông đã quên mà trót chạm đến nỗi đau của người dân Campuchia, chạm đến lòng tự trọng và phủ nhận sự hy sinh máu xương của hàng chục ngàn người lính quân tình nguyện Việt Nam để cứu nhân dân Campuchia và các tỉnh biên giới Việt Nam khỏi nạn diệt chủng man rợ, ông nợ nhân dân Việt Nam, nhân dân Campuchia và các chiến sỹ quân tình nguyện Việt Nam một lời xin lỗi, thưa ông Thủ tướng Singapore!