Ông Lưu Bình Nhưỡng khai nhận hành vi phạm tội
Theo đó, ngày 25/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình đã ra Quyết định bổ sung Quyết định khởi tố vụ án hình sự và Quyết định bổ sung Quyết định khởi tố bị can đối với ông Lưu Bình Nhưỡng về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” theo khoản 4 Điều 358 Bộ luật Hình sự.
Các Quyết định đã được Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình phê chuẩn.
Tài liệu điều tra xác định: Năm 2021, liên quan một dự án, ông Lưu Bình Nhưỡng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm hưởng 300.000 USD.
Tại Cơ quan điều tra, ông Nhưỡng thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội và đã thông qua luật sư ủy quyền cho người thân nộp lại số tiền 7 tỉ đồng (tương đương 300.000 USD) để khắc phục hậu quả.
Thêm một số bị hại làm đơn trình báo đến Công an Thái Bình
Theo thông tin trên báo Công an nhân dân, ngay sau khi ông Nhưỡng bị khởi tố, vợ ông Nhưỡng đã mang 500 triệu đồng đến xin nộp, khắc phục hậu quả cho chồng.
Lần 2, vợ ông Nhưỡng đã nộp khoảng 3,8 tỉ đồng.
Đến ngày 5/1, vợ ông Nhưỡng đã cùng luật sư đến Cục thi hành án dân sự tỉnh Thái Bình nộp số tiền khắc phục lần 3, đưa tổng cộng số tiền đã nộp khắc phục hậu quả cho chồng là hơn 7 tỷ đồng (tương đương 300 ngàn USD).
Cũng theo nguồn tin của báo trên, hiện đã có thêm một số bị hại làm đơn trình báo gửi đến cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình.
Đồng thời, sau khi Công an tỉnh Thái Bình có công văn đề nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp rà soát, cung cấp thông tin liên quan đến các văn bản kiến nghị, phiếu chuyển đơn hoặc các văn bản khác do ông Lưu Bình Nhưỡng ký gửi các địa phương hoặc sở, ngành, một số địa phương đã có công văn trả lời cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình.
Ông Lưu Bình Nhưỡng bị khởi tố 2 tội danh
Liên quan việc khởi tố, bắt giam ông Lưu Bình Nhưỡng, chiều 7/12 vừa qua, ông Lại Hợp Mạnh - viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình đã thông tin chi tiết tới các đại biểu tại kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh Thái Bình khóa XVII.
Báo Tuổi trẻ dẫn lời ông Mạnh cho biết, việc khởi tố, bắt tạm giam ông Lưu Bình Nhưỡng căn cứ theo kết quả điều tra mở rộng vụ án Phạm Minh Cường (37 tuổi, giang hồ cộm cán với biệt danh Cường "Quắt" và có 3 tiền án) cưỡng đoạt tài sản của doanh nghiệp.
Cụ thể, trong giai đoạn từ 2020 - 2022, Cường cùng đồng bọn cưỡng đoạt số tiền gần 5 tỉ đồng của một số doanh nghiệp được UBND tỉnh Thái Bình cấp phép khai thác cát ven biển thuộc xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy.
Để gây sức ép với doanh nghiệp, Cường cùng đồng bọn tự ý cắm cọc lập vây, lập chòi tại các bãi triều có diện tích khoảng 180 ha hòng xác lập quyền sở hữu trái phép để gây sức ép, buộc các doanh nghiệp phải trả tiền theo khối lượng cát khai thác được với giá 1.500 đồng/m³.
Quá trình gây khó dễ cho doanh nghiệp, Cường bị một số nhóm xã hội cản trở dẫn tới việc chiếm đoạt tiền bị giảm sút.
Lợi dụng việc ông Nhưỡng từng nhận Cường là cháu và Cường cho biết ông Nhưỡng là "bố nuôi" nên đã nhờ ông Lưu Bình Nhưỡng can thiệp, tác động với cơ quan chức năng của tỉnh Thái Bình để các nhóm xã hội không gây sự với Cường. Nhờ đó, Cường có thể tiếp tục thực hiện việc cưỡng đoạt tiền của doanh nghiệp.
Theo ông Mạnh, hành vi phạm tội của bị can Lưu Bình Nhưỡng là đồng phạm, với vai trò giúp sức để Phạm Minh Cường cưỡng đoạt tài sản, theo khoản 4, điều 170 Bộ luật Hình sự.
Ngoài hành vi cưỡng đoạt tài sản, trong thời gian là đại biểu Quốc hội, Phó Trưởng ban Dân nguyện, ông Lưu Bình Nhưỡng còn bị cáo buộc có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi và bị khởi tố thêm tội danh thứ 2.
Ông Lưu Bình Nhưỡng là tiến sĩ Luật kinh tế, từng là đại biểu Quốc hội khóa 14 (2016-2021) thuộc đoàn đại biểu tỉnh Bến Tre, ủy viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội. Hồi tháng 9/2018, ông Nhưỡng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều động, bổ nhiệm giữ chức Phó trưởng Ban dân nguyện cho đến nay.