Ông lớn ngân hàng lại kêu thiếu tiền

Khánh Mai |

Lãnh đạo các ngân hàng đề xuất cho phép được giữ lại cổ tức để tăng vốn, thay vì nộp ngân sách nhà nước.

Để đảm bảo tỉ lệ hệ số an toàn vốn (CAR), là thước đo quan trọng để đo mức độ an toàn hoạt động của ngân hàng (NH) theo tiêu chuẩn Basel II , nhu cầu tăng vốn của các tổ chức tín dụng là rất lớn, đặc biệt đối với các NH thương mại nhà nước.

Nếu không khẩn trương tăng vốn, khả năng tăng trưởng của các ông lớn NH sẽ chững lại, rất khó khăn đối với việc tăng trưởng tín dụng để phục vụ nền kinh tế.

“Thiếu vốn là vấn đề rất cấp bách”

Bốn NH thương mại nhà nước gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank liên tục kêu thiếu vốn. Mới đây nhất, tại hội nghị liên quan tới xử lý nợ xấu, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank, cho hay: Đối với các NH thương mại nhà nước, việc tăng vốn là cấp bách hơn bao giờ hết.

Lý do là hiện nay, hệ số an toàn vốn dù chưa áp dụng theo Basel II nhưng đã chạm ngưỡng thiếu an toàn. Nếu áp dụng theo tiêu chuẩn trên, tỉ lệ này đã vi phạm ngưỡng an toàn.

“Tăng vốn là một trong những nhiệm vụ cấp bách của các tổ chức tín dụng, do đó kiến nghị Chính phủ cho phép bổ sung vốn điều lệ cho các NH thương mại nhà nước thông qua việc cho phép được giữ lại cổ tức hằng năm để tăng vốn.

Đồng thời đề nghị Chính phủ rà soát cơ chế vừa tuân thủ pháp luật để vừa đảm bảo quyền lợi cổ đông, vừa triển khai được hiện hữu trong thực tế” - ông Thành đề nghị.

Không chỉ Vietcombank mà ba ông lớn khác là Agribank, VietinBank và BIDV cũng cần tăng vốn. Theo ông Trịnh Ngọc Khánh, Chủ tịch HĐQT Agribank, hiện Agribank là NH thương mại 100% vốn nhà nước, do đó việc tăng vốn điều lệ dựa vào ngân sách nhà nước là chính. Vốn điều lệ hiện nay của NH là 30.000 tỉ đồng.

“Đây là mức thấp nhất trong nhóm bốn NH thương mại nhà nước. Điều này dẫn tới năng lực tài chính hạn chế, tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu thấp làm ảnh hưởng việc triển khai hoạt động kinh doanh, đặc biệt là đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn” - ông Khánh cảnh báo.

Để khắc phục tình trạng trên, các ngân hàng đều cho biết đã tìm nhiều cách như bán bớt phần vốn nhà nước, cấu trúc lại danh mục tài sản có… nhưng vẫn thiếu vốn.

Đề cập đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Du, Phó Chánh Thanh tra, giám sát NH thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát NH Nhà nước, khẳng định: Các NH thương mại quốc doanh đang gặp nhiều khó khăn trong việc nâng vốn điều lệ.

“Nguyên nhân là do nghị quyết của Quốc hội không cho phép sử dụng ngân sách để cấp vốn cho NH thương mại. Nguồn ngân sách để tăng vốn cho các NH này cũng không có trong danh sách đầu tư trung hạn” - ông Du cho hay.

Ông lớn ngân hàng lại kêu thiếu tiền - Ảnh 1.

Việc tăng vốn cho các ngân hàng quốc doanh đang cấp thiết hơn bao giờ hết. Ảnh: TL

Sẽ có ngay 6.000 tỉ đồng nếu…

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH, cho rằng việc hướng đến các chuẩn mực an toàn theo Basel II là cần thiết đối với hệ thống NH Việt Nam. Có điều là để đạt được chuẩn Basel II như mục tiêu đề ra, vấn đề mấu chốt là Nhà nước phải chấp thuận cho các NH thuộc khối quốc doanh được giữ lại lợi nhuận để tăng vốn điều lệ.

Nghĩa là thay vì chia cổ tức tiền mặt thì cho phép các ngân hàng chia cổ tức bằng cổ phiếu. Theo tính toán, nếu phương án giữ lại lợi nhuận để tăng vốn điều lệ được Nhà nước thông qua, riêng ba NH gồm VietinBank, Vietcombank và BIDV sẽ có thêm khoảng 6.000 tỉ đồng để tăng vốn ngay lập tức.

Ngoài ra, để tăng thêm vốn chủ sở hữu, các NH quốc doanh có thể phát hành các chứng chỉ tiền gửi với kỳ hạn trên năm năm. Bên cạnh đó, cần phải giảm tỉ lệ sở hữu vốn nhà nước tại các NH quốc doanh này xuống mức 51%.

“Bởi chừng nào Nhà nước vẫn nắm giữ vốn với tỉ lệ đủ để chi phối các hoạt động nhưng lại không thể bơm vốn vào cho những NH này thì họ sẽ khó có khả năng đáp ứng được hệ số an toàn vốn theo Basel II. Điều này giống như vòng bế tắc, không có lối thoát” - ông Hiếu phân tích.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Du, Phó Chánh Cơ quan Thanh tra, giám sát NH Nhà nước, cho biết NH Nhà nước đã kiến nghị Chính phủ nâng cao năng lực tài chính cho các NH quốc doanh, đáp ứng được yêu cầu vốn tối thiểu theo Basel II.

Đồng thời NH Nhà nước kiến nghị Chính phủ chấp thuận về chủ trương, kế hoạch vốn và phương án tăng vốn cho các NH thương mại nhà nước của từng năm tài chính giai đoạn 2018-2020 và cơ chế tăng vốn để bù đắp mức thiếu hụt vốn dự kiến theo từng năm tài chính của các NH theo các thứ tự ưu tiên.

Mới đây, tại hội nghị liên quan đến xử lý nợ xấu, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cũng nhìn nhận việc tăng vốn với các NH quốc doanh là cấp bách và cần thực hiện ngay. Chính phủ cũng đang tìm giải pháp để tăng vốn cho bốn NH.

Cũng theo Phó Thủ tướng, ngoài Agribank đang chuẩn bị cho quá trình chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng, việc tăng vốn thông qua phát hành riêng lẻ của Vietcombank và BIDV cần được triển khai ngay trong năm nay.

Nhu cầu tăng vốn đang hết sức bức thiết

Theo báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, vấn đề đáp ứng đủ mức vốn pháp định của nhóm NH thương mại nhà nước hiện hết sức bức thiết. Theo số liệu từ cơ quan này, hệ thống NH Việt Nam cần tăng vốn gấp 1,8-2 lần so với hiện tại để đảm bảo tỉ lệ an toàn vốn theo quy định.

Chuyên gia tài chính NH Nguyễn Trí Hiếu cũng nhận định: Nếu các NH thương mại nhà nước trên không tăng được vốn sẽ làm hạn chế hoạt động cấp tín dụng cho cả hệ thống NH, kéo theo nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng.

"Giả sử nếu có NH vẫn cố tình vượt rào để cấp tín dụng khi đã chạm giới hạn đỏ của hệ số an toàn cũng sẽ đặt cả hệ thống vào rủi ro. Vì tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng không được vượt quá 15% vốn tự có của NH và tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 25% vốn tự có của NH" - ông Hiếu phân tích.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại