Tuyên bố trên được Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov nói trong cuộc phỏng vấn với tờ Rossiyskaya Gazeta.
Được biết, Hiệp ước START mới được ký kết vào ngày 8/4/2010 tại Prague (Cộng hòa Czech) thay thế các hiệp ước về giảm trừ vũ khí hạt nhân chiến lược đã ký kết trước đó. Hiệp ước có hiệu lực ngày 5/2/2011, dự kiến sau 10 năm (tức đến tháng 2/2021) sẽ hết hiệu lực và có thể kéo dài đến năm 2026 nếu hai bên đồng ý.
Hiệp ước START mới quy định Mỹ và Nga phải cắt giảm 50% số đầu đạn hạt nhân chiến lược, hạn chế mỗi bên chỉ được triển khai 1.550 đầu đạn hạt nhân chiến lược và 700 tên lửa gồm tên lửa liên lục địa, tên lửa đạn đạo bắn từ tàu ngầm và từ máy bay ném bom hạng nặng.
Theo ông Lavrov, Hiệp ước sắp hết hiệu lực nhưng hiện nay hai nước chưa có bất cứ động thái nào của các cuộc thảo luận, phía Mỹ tiếp tục “bỏ ngoài tai” những lời kêu gọi đối thoại.
“Mỹ luôn quan tâm đến những loại vũ khí của Nga. Chúng tôi sẵn sàng cho Hiệp ước START mới, một phần những loại vũ khí mới sẽ được Nga đưa vào, ít nhất là Avangard và Sarmat”, ông Lavrov nói.
Ngoại trưởng Lavrov nói thêm: "Mọi thứ khác dù không thuộc phạm vi hạn chế trong hiệp ước (START-3) năm 2010, nhưng chúng tôi cũng sẵn sàng thảo luận về chủ đề này".
Đồng thời, ông Lavrov giải thích rằng, những trường hợp đó trước hết liên quan đến việc Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo (Hiệp ước ABM) đã bị phá vỡ (vào năm 2002, sau khi Mỹ rút khỏi hiệp ước) và giờ đây, bất kỳ những vấn đề nào liên quan đến các loại vũ khí mới cũng cần được thảo luận trong phạm vi tất cả những yếu tố làm ảnh hưởng đến sự ổn định chiến lược.
Theo Ngoại trưởng Lavrov, bên cạnh phòng thủ tên lửa đây còn là khái niệm “tấn công nhanh toàn cầu”, một chiến lược đang trên đà phát triển của Mỹ, cho phép sử dụng vũ khí chiến lược phi hạt nhân. “Ở đây bao gồm việc Mỹ chính thức từ chối tham gia Hiệp ước cấm thử nghiệm hạt nhân toàn diện (CTBT) và các kế hoạch triển khai vũ khí trên vũ trụ”, ông Lavrov nói.
“Nga công bố điều này không chỉ dành có người Mỹ, mà còn có cả người Pháp. Họ đang thực hiện việc này một cách “không rõ ràng”, nhưng chúng tôi đang cố gắng thông qua đối thoại để tìm hiểu “học thuyết không gian mới” của Pháp thực chất là gì”, ông Lavrov lưu ý.
Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng khẳng định sẵn sàng gia hạn Hiệp ước START mới không kèm theo điều kiện:
“Nga đã đưa ra đề xuất. Phía Nga tuyên bố sẵn sàng gia hạn Hiệp ước START mới. Tuy nhiên Nga chưa nhận được bất cứ câu trả lời đối với đề xuất của mình. Nếu không có START mới sẽ không còn bất cứ thỏa thuận chính nào trên thế giới để kiểm soát vũ khí hạt nhân”.
Hôm 22/12, Nga tuyên bố sẵn sàng đưa tên lửa đạn đạo nhiệt hạch hạng nặng RS-28 Sarmat và tên lửa siêu thanh Avangarg vào hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới với Mỹ, nếu hiệp ước này được gia hạn. Đây là 2 trong 6 loại “siêu tên lửa” mà Tổng thống Vladimir Putin luôn tự hào nhắc đến trong hệ thống vũ khí của Nga.