Dạo gần đây trên mạng xã hội TikTok lan truyền đoạn clip về ông Đoàn Đạt Long (71 tuổi, quê gốc Đà Nẵng) với một bên chân gỗ, một bên chân đã cụt cần mẫn khắc chữ trên tấm móc khóa mica. Nét chữ uốn lượn, kiểu cách của người đàn ông đã hơn 70 tuổi khiến mọi người đều vừa thấy thương, vừa thấy phục.
Người đàn ông cả một đời cơ cực
Nếu như quay về những năm 2000, không ai là không biết trào lưu khắc chữ trên móc khóa mica. Nhưng dạo gần đây, người ta hiếm gặp những người thợ khắc như vậy bởi vì mẫu mã của những chiếc móc khoá đã đa dạng, đẹp đẽ hơn hẳn so những mẫu khắc tay thủ công. Dù vậy, ở đâu đó đất Sài Thành, vẫn còn một ông cụ cần mẫn, run run bám trụ với nghề.
Không khó để tìm ông Long bởi sạp hàng nhỏ của ông giờ đây lúc nào cũng chật kín những vị khách hàng trẻ tuổi. Thứ Hai đến thứ Bảy, từ 7 giờ đến 12 giờ, ông Long sẽ dọn sạp hàng “khắc chữ” của mình ở cổng sau trường Đại học Công nghiệp Thực Phẩm TP. HCM (số 140 Lê Trọng Tấn,Quận Tân Phú Thành phố Hồ Chí Minh)
Ông Long cho biết, mình đã gắn bó với nghề này được hơn 15 năm. Mấy tháng trước ông bán ở các trường cấp 2, cấp 3, nhưng bây giờ học sinh đều nghỉ hết nên ông chọn các trường đại học, đợi sau này học sinh quay lại ông sẽ quay lại nơi cũ. “Tụi học sinh cấp 2, cấp 3 chuộng mấy cái móc khoá này hơn”, ông Long tâm sự.
Ông kể, ngày trước ông theo nghề “mỹ thuật”, tức là vẽ bảng hiệu, vẽ tranh. Nhưng nghề đó bạc lắm, sống không đủ ăn. Dù vậy, ông cũng đã theo cái nghề “mỹ thuật” mươi năm trước khi chuyển sang nghề “khắc chữ” trên móc khóa như bây giờ.
Dù có cải thiện hơn so với nghề “mỹ thuật” nhưng công việc này cũng chẳng lời lãi là bao khi mỗi cái móc khóa ông chỉ lời từ 2.000 - 3.000 đồng. Một cái móc khoá mica nếu không khắc chữ sẽ bán với giá 7.000-8.000 nghìn đồng, còn khắc thêm tên tùy ý và đánh màu bằng phấn sơn dầu sẽ có giá 10.000 nghìn đồng.
Những sản phẩm do ông Long thực hiện.
Ông Long kể:“Ở đây thì đồ tôi tự làm cũng có, mua đi bán lại cũng có. Giống như những món đơn giản như ngôi sao, trái tim, thước kẻ thì tôi lấy thước ‘cự’ để đo rồi tự làm. Còn mấy cái dây chuyền thì đi mua. Mua 7000 bán 10.000 đồng, mấy cái dây thì 2.500 đồng bán 5000 đồng. Bán giá đắt quá thì sao người ta mua."
Mỗi ngày ông Long chỉ làm buổi sáng, kiếm được 100.000 -200.000 đồng, chỉ đủ để trang trải sinh hoạt phí. “Nếu người ta thương, tiền hàng của họ là 30.000 đồng thì họ cũng sẵn sàng trả 50.000 đồng. Hôm bán được nhiều nhất thì được 300.000 đồng” - ông Long chia sẻ.
Số tiền nhỏ, phần ông để chi trả tiền trọ, tiền sinh hoạt, phần gửi con gái để chị chăm lo cho việc ăn uống. Dù bị cụt cả hai chân nhưng ông Long vẫn sống một mình trong căn trọ nhỏ chứ không ở cùng con gái vì lý do “nhà nó chật lắm, nó cũng khổ nữa”. Được biết, con gái ông cũng không khá giả gì, hằng ngày chị vẫn phải mưu sinh bằng cách nhặt ve chai để nuôi sống gia đình.
Có lẽ vì vậy mà ông Long lựa chọn sống một mình để đỡ đần phần nào gánh nặng cho con. Mỗi tháng, ông sẽ đưa một phần tiền cho chị để chị lo cơm nước, còn lại, sinh hoạt ông tự lo. Hỏi ông có gặp bất tiện gì trong sinh hoạt không, ông đều bảo không sao. Người đàn ông này chắc hẳn đã sống một mình đủ lâu để có thể tự chăm sóc bản thân dù tuổi đã cao, đôi chân đã không còn lành lặn.
Ông Long kể lại, chân ông như thế này là hậu quả của chiến tranh, vào khoảng năm 1973. Lúc đó ông Long còn ở Đà Nẵng để chạy chữa cho chân trái, còn chân phải - sau một thời gian bị những mảnh đạn găm vào, dần hoại tử. Ông quyết định vào Sài Gòn chạy chữa nhưng số tiền chi trả cho cái chân này là quá lớn, nên rốt cuộc, ông chỉ có một chân cụt, một chân gỗ. Từ đó ông không về Đà Nẵng được nữa mà bám trụ với đất Sài Gòn và mưu sinh với nghề này.
Ngoài cái chân, đôi mắt của ông Long cũng không lành lặn. Ông chia sẻ bản thân vừa trải qua một lần mổ do bị đục thuỷ tinh thể. May mắn là phẫu thuật thành công, bây giờ mắt ông đã đủ sáng để có thể tiếp tục với nghề.
Tài hoa từ đôi bàn tay, lạc quan từ trong đêm tối
Khách đến với sạp ông rất thoải mái, tự do lựa chọn những mẫu móc khóa mica để sẵn, rồi xếp chúng vào cái bản gỗ để ông định hình và bắt đầu khắc tên. Ông di từng nét dao khắc trên tấm mica với những dòng chữ cách điệu. Kể ra thì ông Long cũng tự hào lắm vì những chữ này đều là do ông tự học, tự vẽ.
Sau khi đã khắc xong, ông cẩn thận lau bụi, mài lại đường viền rồi mới bôi phấn dầu để tạo hiệu ứng lấp lánh, màu sắc cho chiếc móc khóa. Thành phẩm đến với tay khách hàng chỉ trong vòng vài phút nhưng lúc nào cũng chỉn chu. Thậm chí, đối với những mẫu to, không chỉ khắc tên, ông còn “khuyến mãi” thêm những dòng chữ kỷ niệm. Khi khắc tên cặp đôi, ông Long còn cẩn thận khắc thêm chữ “my love”.
Sau khi hoàn thành, lúc nào ông cũng nói với những vị khách hàng: “Cái này ông bảo hành 80 năm cho con. Tại vì móc khoá mica rất là bền, nên con cứ yên tâm.” khiến nhiều bạn trẻ thích thú vì dịch vụ hậu mãi đặc biệt này.
Đối với chuyện khắc nhầm tên do không nghe kỹ tên từ khách, ông Long cũng sẵn sàng khắc lại cho họ. Người đàn ông làm nghề thủ công chia sẻ: “Nhầm thì bỏ đi, sửa lại thì người ta không thích. Người ta bỏ tiền ra, mà mình sửa lại thì không được. Mình cũng vậy, mình thấy mình cũng không chịu huống chi họ.”
Sau khi đoạn clip Tik Tok của bạn học sinh được chia sẻ rầm rộ, nhiều bạn học sinh, sinh viên đã đến ủng hộ ông Long. Theo chúng tôi quan sát, từ lúc mở hàng đến lúc dọn hàng, chú Long chưa lúc nào vắng khách. Những bạn học sinh, sinh viên đến khắc không chỉ cho bản thân mà còn cho bạn bè, gia đình.
Khi tìm được bạn học sinh đã đăng tải đoạn clip, ông Long cảm ơn rối rít. Nhờ nó mà cuộc sống ông Long đỡ đần phần nào. Có người biết đến hoàn cảnh của ông cũng tặng áo, mua quà. Nhiều bạn ở xa, cũng gửi nhờ để được ông khắc tên. Sạp hàng khắc tên nhỏ đó có lẽ vì vậy mà không ngớt khách.
Mỗi ngày như vậy, ông Đạt Long lại một mình lọc cọc trên chiếc xe ba bánh, tự dọn hàng, tự xếp hàng, sống một cuộc đời bình lặng như cũ. Nhưng giờ đây, khi hoàn cảnh của ông được biết đến, ngày sẽ càng có nhiều hơn những khách hàng đến mua và ủng hộ cho sự nghị lực của người đàn ông tài hoa này.