Có lẽ tuyên bố gây sốc nhất của nhà lãnh đạo Ukraine cho đến nay là tuyên bố được đưa ra vào tối 20/11 trong cuộc phỏng vấn với Fox News, khi ông cho rằng Kiev có thể không cần giành lại Crimea bằng vũ lực. Hồi năm 2014, bán đảo này đã được sáp nhập vào Nga sau một cuộc trưng cầu dân ý.
"Ukraine không thể thừa nhận về mặt pháp lý đối với bất kỳ lãnh thổ nào Nga chiếm của chúng tôi, trong đó có những phần lãnh thổ bị chiếm giữ từ năm 2014. Tuy nhiên, chúng tôi không thể tiếp tục chiến đấu cho đến khi Crimea được trả lại. Chúng tôi hiểu rằng Crimea có thể được trả lại bằng ngoại giao", ông Zelensky nói.
Điều này dường như đang thể hiện thái độ "xuống thang" của nhà lãnh đạo Ukraine trong cuộc xung đột hiện tại với Nga.
Trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào tháng 9, Tổng thống Zelensky cho rằng: "Xung đột không thể dễ dàng chấm dứt. Đó là lý do tại sao cuộc chiến này không thể được xoa dịu bằng các cuộc đàm phán". Một tháng sau đó, một thông điệp tương tự cũng được nhà lãnh đạo Kiev đưa ra trước Quốc hội Ukraine khi ông khẳng định Nga “phải thua trong cuộc chiến này" và từ chối “trao đổi bất kỳ phần lãnh thổ nào của Ukraine để đổi lấy hòa bình”.
Đây không phải lần đầu tiên ông Zelensky thay đổi giọng điệu khi nói về cuộc xung đột với Nga, đặc biệt sau khi có kết quả bầu cử Mỹ. Tuần trước, ông Zelensky ám chỉ rằng thời gian thực hiện mục tiêu đánh bại Nga trên chiến trường đang dần cạn kiệt vì Tổng thống đắc cử Mỹ đang nghiêng về phía một giải pháp hòa bình.
“Chắc chắn rằng xung đột sẽ kết thúc sớm hơn nhờ các chính sách hiện nay của các nhóm hiện đang lãnh đạo Nhà Trắng”, ông Zelensky nói.
Tổng thống đắc cử Donald Trump nhiều lần tuyên bố sẽ nhanh chóng chấm dứt xung đột Nga-Ukraine bằng một thỏa thuận hòa bình, đồng thời bày tỏ hoài nghi về chính sách viện trợ cho Kiev mà chính quyền đương nhiệm đang theo đuổi. Theo CNN, 43% nguồn viện trợ nước ngoài dành cho Ukraine đến từ ngân khố của Mỹ. Điều này cũng có nghĩa là tổng thống Ukraine có khả năng mất đi nhà tài trợ quân sự lớn nhất của mình trong bối cảnh Nga đang chiếm ưu thế trên chiến trường. Không gian để ông huy động nguồn lực đã bị thu hẹp đáng kể.
Ông John Foreman, cựu tùy viên quốc phòng Anh tại Kiev và Moscow, lập luận rằng nhà lãnh đạo Ukraine đang thích nghi với thực tế mới.
“Tình hình Ukraine đang bấp bênh. Sau chiến thắng của ông Trump, ông Zelensky phải thay đổi chiến thuật để bảo vệ lợi ích của Ukraine trong trường hợp một cuộc đàm phán có thể xảy ra trong tương lai”, ông Foreman chia sẻ với The Telegraph.
Chuyên gia này cũng cho biết thêm, sự thay đổi trong các tuyên bố của ông Zelensky dường như cũng phản ánh nguyện vọng của hầu hết người dân Ukraine. Theo một cuộc thăm dò mới nhất của The Economist, 52% số người được hỏi cho biết họ muốn đàm phán để chấm dứt giao tranh, gấp gần đôi tỷ lệ 27% năm ngoái.
Tổng thống Putin hồi tháng 2 đã ký sắc lệnh cơ cấu lại quân đội nước này và đưa 4 vùng sáp nhập từ Ukraine (Kherson, Zaporizhia, Lugansk, Donetsk) vào Quân khu phía Nam của Nga. Tuy nhiên, Kiev và các đồng minh phương Tây không công nhận quyền kiểm soát của Moscow đối với những khu vực này. Kiev nêu rõ, một trong những điều kiện tiên quyết để nối lại hòa đàm là Nga phải rút hết quân khỏi các vùng lãnh thổ của Ukraine, khôi phục đường biên giới Ukraine được quốc tế công nhận năm 1991, trong đó có bán đảo Crimea.