Lập luận chính cho việc sử dụng ống hút giấy thay ống hút nhựa là giấy có khả năng phân hủy sinh học, nghĩa là chúng có thể phân hủy một cách tự nhiên thay vì trôi nổi trên biển và bị những con rùa nuốt phải. Tuy nhiên, cách khắc phục không đơn giản chỉ là thay nhựa bằng giấy.
Chung Shan-shan, giám đốc khoa học về quản lý sức khỏe cộng đồng và môi trường tại Đại học Baptist Hong Kong, giải thích khác với nhựa, ống hút giấy sẽ tự phân hủy thành những mảnh nhỏ hơn nhưng vẫn có khả năng động vật nhỏ có thể nuốt những mẩu giấy này.
Hơn nữa, thuật ngữ “phân hủy sinh học” có thể gây nhầm lẫn, Chung nói.
Bài kiểm tra mức độ phân hủy của Phòng Bảo vệ Môi trường Hong Kong thử nghiệm khả năng phân hủy sinh học của các vật liệu khác nhau bằng cách giữ chúng ở nhiệt độ không đổi trong khoảng từ 56 đến 60 độ C trong 180 ngày. Nếu mật độ carbon của vật liệu giảm khoảng 60% thì có thể coi đó là phân hủy sinh học. Trên thực tế, điều này có nghĩa là các “vật liệu phân hủy sinh học” có thể tồn tại rất lâu sau 180 ngày mà vẫn chưa phân hủy hoàn toàn.
“Dù có khả năng phân hủy sinh học, giấy sẽ mất rất nhiều thời gian để phân hủy nếu chứa nhiều bột giấy”, Chung nói. “Bạn có thể tìm thấy những tờ báo ở bãi rác mà thậm chí sau 10, 20 năm, chữ trên đó vẫn còn đọc được”.
Ống hút giấy dần thay thế cho ống hút nhựa. Ảnh: SCMP.
Hơn nữa, vật liệu có thể tự phân hủy hay không cũng không có ý nghĩa mấy với những thành phố như Hong Kong. Tất cả rác của thành phố đều được đổ ra các bãi rác, không phải môi trường tự nhiên hay biển. Đồng nghĩa với việc trong thực tế, ống hút giấy ở Hong Kong cũng chung số phận với ống hút nhựa, bà nói.
“Tôi muốn nhấn mạnh rằng khả năng phân hủy tại bãi rác không mang lại lợi ích hay tác hại với môi trường – đó không phải vấn đề quá quan trọng”, Chung nói. Bà cho biết thêm rằng việc chất thải phân hủy trong các bãi chôn lấp, nếu có, sẽ không chỉ thải khí metan có hại vào khí quyển mà còn làm cho đống rác phía trên không ổn định, khiến các vật lớn và nặng rơi xuống hoặc sụp đổ vào bên trong.
Khi được hỏi về sự thay đổi gần đây của nhiều người từ ống hút nhựa sang giấy, Chung nói rằng mọi người muốn hạn chế sự dụng nhựa mà không phải đánh đổi sự tiện lợi. Tuy nhiên, bà cho biết, ống hút giấy vẫn là vật liệu dùng một lần.
“Trừ khi bạn loại bỏ hoàn toàn những vật dụng dùng một lần trong môi trường tự nhiên, sử dụng ống hút giấy thay vì nhựa không có ý nghĩa gì với thành phố như Hong Kong”.
Cách duy nhất có thể tạo ra sự khác biệt với môi trường, Chung nói, là mọi người ngừng sử dụng tất cả ống hút dùng một lần.
“Có rất nhiều biện pháp có sẵn thay thế được chức năng của ống hút. Tại sao chúng ta không chỉ đơn giản uống từ cốc của mình?” Chung thậm chí còn đề xuất dùng đũa hoặc thìa để ăn trân châu trong trà sữa.
Cuối cùng, Chung nói, chúng ta cần thay đổi lối sống của mình để sử dụng các vật dụng có thể tái sử dụng nhiều lần.
“Ngay cả khi chúng ta tạo ra sản phẩm từ vật liệu thân thiện với môi trường nhất có thể, chừng nào đó còn là đồ dùng một lần, Trái đất sẽ vẫn bị ảnh hưởng”.