Ông Hùng lần đầu lên tiếng vụ "quan chức tranh chỗ đi Olympic"

Đoàn Dự |

Giám đốc Nguyễn Mạnh Hùng đang chịu rất nhiều sự chỉ trích, đặc biệt hướng về chuyện thường xuyên tham dự các giải đấu lớn, trong khi VĐV thiếu chuyên gia và HLV.

Chuyện "tranh" chỗ của HLV, bác sĩ, chuyên gia?

Trong khi đoàn Thể thao Việt Nam thi đấu tại Olympic 2016, đã có nhiều chỉ trích về vấn đề nhân sự, rằng quá nhiều cán bộ đi theo mà thiếu HLV, chuyên gia cho VĐV.

Đem chuyện này hỏi ông Nguyễn Mạnh Hùng - Giám đốc Trung tâm Huấn luyện Thể dục Thể thao Quốc gia (TT HL TDTT Quốc gia), người phải nhận nhiều lời chỉ trích nhất trong vụ việc, ông tỏ ra rất buồn và lập tức trút bầu tâm sự:

"TT HL TDTT Quốc gia là lớn nhất cả nước, kì đại hội nào, từ 15 năm trước, các đời giám đốc ở đây đều là phó đoàn tham dự, từ SEA Games, ASIAD đến Olympic. Vì hàng ngày tập luyện cùng VĐV thì đi cùng có tác dụng tâm lý khá lớn.

Tôi thường làm phó đoàn phụ trách các môn võ. Không có giải nào tôi đi chơi, hay ngồi trên khán đài như quan chức. Tôi là nhà chuyên môn, xuất phát từ một VĐV, nhà giáo rồi làm chuyên môn, trưởng bộ môn các môn thể thao cũ.

Tôi về đây 11 năm, hàng ngày theo dõi VĐV tập luyện thì giờ theo VĐV, góp phần nho nhỏ cho họ nhất là khi phải thi đấu.

Tôi rất buồn khi đoàn thể thao đang ra quân thì lại có điều tiếng. Các nước khác họ không như vậy, vì giàu mạnh nên có hàng đoàn tùy tùng đi. Đất nước mình còn nghèo nên không thể đi như vậy.

Lần này đi là do Ủy ban Olympic tài trợ. Trung tâm có 13 VĐV, mình được tổ chức phân công đi, chứ không phải đi với vai trò Trưởng đoàn Judo. Mình chính là người đưa Tú (Văn Ngọc Tú, VĐV Judo dự Olympic 2016) vào đây tập huấn từ khi mới 16 tuổi, có HCĐ toàn quốc".

Ông Hùng lần đầu lên tiếng vụ quan chức tranh chỗ đi Olympic - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện Thể dục Thể thao còn có bằng Thạc sĩ tâm lý.

Theo ông Hùng, khi chọn thành phần đoàn đi, Tổng cục TDTT đã định hướng sẽ dồn cho những môn giàu khả năng đoạt huy chương, nhưng lại không công bố điều này cũng như danh sách từ trước giải, dễ dẫn tới hiểu nhầm.

"Tổng cục TDTT đáng lẽ phải tuyên bố công khai, có danh sách để tránh hiểu lầm. Tú đã thi đấu ở kì Olympic trước, vì trình độ so với châu Á là rất khó, kiếm HCĐ châu Á còn khó, ASIAD còn chưa có cửa. Nhật, Hàn, Mông Cổ là rất mạnh chứ chưa nói tới Olympic. Kì trước chúng ta thua rất chóng vánh.

Lần này chúng ta thắng 1 trận, rồi đánh với VĐV đoạt HCB là rất đáng mừng. Tuy nhiên, ở đây là sự hiểu lầm, giữa các nhà chuyên môn, phóng viên báo đài rồi xã hội, cho rằng quan chức hay tranh giành chuyện đi".

Chia sẻ thêm, ông Hùng tiết lộ ngay trước khi lên đường làm nhiệm vụ chưa đầy tháng, mình còn tiến hành mổ mắt và mổ trĩ, nhưng vẫn phải sang Brazil tác nghiệp.

"Có rủi ro nào chăng nữa cũng phải chấp hành nhiệm vụ. Tôi là thạc sĩ tâm lý TDTT nên cũng gần gũi với VĐV. Nhưng đó là việc làm âm thầm.

Với họ thắng thua đều cần người bên cạnh. Tuấn và Toàn đợt vừa rồi 3 ngày ở trong nhà không đi đâu, ăn uống trong phòng. Họ thường sốc sau khi thất bại, có thể về bỏ cuộc luôn.

Còn nhiều môn khác như xe đạp, đấm bốc thi đấu rất xa trung tâm như ở Quảng Châu trước đây hơn 100km, nếu các phóng viên đi cùng mới hiểu sự vất vả. Họ đi cùng thấy vất vả".

Chia sẻ về những khó khăn bên Rio, Brazil, ông Hùng tiếp:

"Khó khăn là các đoàn khác hơn chúng ta về chuyên môn, sự đảm bảo về cơ sở vật chất, tiền bạc, chế độ đãi ngộ hậu VĐV nên của họ là chuyên nghiệp. Rào cản lớn nhất là thành tích VĐV đối phương.

Đồ ăn có thể rất nhiều nhưng không hợp, toàn bơ, bánh mỳ, cơm nhưng cho đạo Hồi. Đỗ như luộc nhưng rất mặn.

Đi lại thường các đại hội khác chúng tôi có xe, tiện đi để động viên. Nhưng đây đang tập trung cử tạ, lại chạy sang judo bằng xe bus.

Các nước giàu có tùy tùng đi cùng. Mỹ họ có thể ở nhiều khách sạn khác nhau, một số VĐV có vệ sĩ bảo vệ. Người ta mang theo cả bác sĩ, người nấu ăn…"

Cũng theo ông Hùng, Rio lần này có rất nhiều cướp giật, nhưng vì đã được tuyên truyền tốt, cũng như chỉ đi để tập trung công việc, không phải dạo chơi, du lịch nên ông và những cán bộ khác theo đoàn không gặp vấn đề gì.

Ì xèo về tiền ăn tại TT HL TDTT Quốc gia

Chia sẻ vấn đề này, ông Hùng nói:

"Với chế độ ăn 200k/ngày, cho VĐV ăn 180k, 20k uống nước. 180 chia 3 bữa, sáng 30k, còn lại chia đều 2 bữa.

Bữa sáng có 2 quả trứng, 1 bát phở hoặc mỳ cùng 1 hộp sửa… Các bữa khác đều làm chu đáo. Chúng tôi cũng cố gắng làm hết sức trong thời bão giá. Tất nhiên các nước ăn 50, 100 USD, chúng ta ăn chỉ có mấy USD thì đó cũng là điều hạn chế.

Nhưng ở đây còn khó thì những chỗ khác còn khó hơn nhiều".

Ông Hùng lần đầu lên tiếng vụ quan chức tranh chỗ đi Olympic - Ảnh 2.

Ông Hùng đang trong tâm bão vì rất nhiều sự công kích.

Cuối cùng, ông Hùng trút những lời tâm sự, tâm nguyện về thể thao Việt Nam:

"Mong các cấp lãnh đạo quan tâm TTDT, thế hệ trẻ tập luyện, xây dựng bảo vệ tổ quốc và giảm tệ nạn xã hội. Nhưng kinh phí cho TT ngày càng hạn hẹp. Kinh phí như bộ trưởng đã nói là không bằng 1 đội bóng đá.

1 năm của trung tâm có 50 đội tuyển mà có gần chục tỷ. Bắn súng là 3 tỷ rưỡi. Đạn dược do 1 nhà cung cấp, họ không làm được thì phải đi vay của các đơn vị, nhất là quân đội mà vẫn chưa đủ.

Ước mong cải thiện tiền ăn, tiền công. Tiền công chỉ 3 triệu, dưới 3 triệu/tháng rất ít. Cần có bảo hiểm cho VĐV. Khi hào nhoáng thì không nói, nhưng khi gặp chấn thương… 1 năm khám chữa bệnh rất nhiều.

Em Lụa trước khi đi Olympic cũng phải 1h đêm đưa đi cấp cứu. Các VĐV cuối năm về có thể tai nạn, rồi tập luyện, thi đấu chấn thương rất nhiều.

Như 2 VĐV Đỗ Xuân Tâm và Trần Thanh Ngời bị chấn thương, nằm viện hàng chục ngày trước khi ra đi, chúng tôi cũng đều ngày ngày vào thăm hỏi... chúng tôi cũng lo tang lễ, xin tài trợ chứ chế độ nhà nước không có.

Tôi rất mong sự ủng hộ của phóng viên báo đài cho các VĐV, cán bộ khác…

Vinh đã thắng với thành tích xuất sắc. Bên cạnh hạn chế cần rút kinh nghiệm chứ không phải dè bỉu, mang tính định hướng không tốt làm khổ những người đi. Chúng tôi nhắc lại mình không phải quan chức mà chỉ là những người thầy, người quản lý.

Việc học hỏi các nước cũng quan trọng, phong cách tổ chức, thi đấu, chỉ đạo thậm chí là chụp hình ảnh, tài liệu cho những trang tin. Nếu không đi thì không bao giờ biết.

1 trung tâm đáng lẽ 1 năm phải đi nhiều trung tâm khác học hỏi sự tiên tiến, người ta đi rất nhiều nhưng chúng tôi không có nên chỉ đi được các đại hội lớn. Đôi khi tiền mang đi, gia đình cho thêm đều để tặng VĐV hết, chứ chẳng mang được gì về cả!"

Gần đây, giới truyền thông tiếp tục nhắm vào ông Nguyễn Mạnh Hùng, thậm chí còn nhắc lại các sai phạm của TT HL TDTT Quốc gia dưới thời ông giám đốc này. Vì thế vào chiều nay, ông Hùng sẽ tổ chức cuộc họp báo, để phản hồi về những ì xèo quanh mình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại