Gần đây, trong đại hội VSMCamp 2023, ông Hoàng Nam Tiến, Phó Chủ tịch Hội đồng của Trường ĐH FPT đã chia sẻ rằng, trước sự phát triển không ngừng của trí tuệ nhân tạo, trong tương lai sẽ xuất hiện những “tầng lớp vô dụng”. Đó là những người bị thay thế bởi robot như công nhân nhà máy, nhân viên văn phòng, lập trình viên, dân marketing...
Vậy, câu hỏi đặt ra rằng tương lai của ngành marketing sẽ ra sao trong thời đại AI? Liệu rằng toàn bộ nhân viên Marketing có bị thay thế bởi những robot hay cỗ máy.
Chia sẻ về vấn đề này, mới đây, trong tọa đàm "Marketing 'vượt gió rẽ sóng' trong thời kỳ khủng hoảng" do Hiệp Hội Marketing Việt Nam - Vietnam Marketing Group (VMG) và Khoa Quản trị Kinh doanh - Học viện Ngân hàng tổ chức, ông Cao Thế Anh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Alo Media, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ HN, bày tỏ: “AI mang lại nhiều công dụng tuyệt vời. Nhưng AI cũng có thể khiến nhiều người trở nên “vô dụng” như sếp Hoàng Nam Tiến chia sẻ. Do đó, chúng ta phải biết “sống chung với lũ”. Chúng ta phải biết sợ lũ và phải biết cách làm nhà để chống lũ”.
Nêu ví dụ về ngành Marketing trước những thách thức do AI mang lại, ông Cao Thế Anh nhấn mạnh: “Đối với doanh nghiệp, bây giờ cái gì chi phí thấp, hiệu quả cao thì sẽ sử dụng. Vậy, với tác động của AI, mỗi ngày, nếu chúng ta là con thú hoang thì cần phải xác định chạy nhanh hơn con sư tử thì mới sống sót được. Tương tự, mỗi người nói chung và mỗi người làm marketing nói riêng, nếu chúng ta không thay đổi, không học hỏi hay rèn luyện cho bản thân mình thì tôi nghĩ rằng chắc chắn chúng ta sẽ trở nên vô dụng”.
Ông Cao Thế Anh chia sẻ thêm, các ngành nghề hiện nay đang thay đổi rất nhiều. Chúng ta chưa tưởng tượng được AI sẽ thay đổi như thế nào. Nó chắc chắn giỏi hơn chúng ta. Do đó, mỗi người cần biết sợ, biết học hỏi để thích ứng, tận dụng chúng một cách hiệu quả và đặc biệt để không bị loại ra khỏi cuộc chơi.
Một thứ giúp giới trẻ không trở thành “tầng lớp vô dụng” trong tương lai
Ông Cao Thế Anh đánh giá, ở thời điểm hiện tại và trong tương lai, công nghệ phát triển nhanh như vũ bão và không chờ ai cả. Có những thứ chúng ta không thể tưởng tượng được vì hiện nay AI tự học và phát triển rất nhanh. Những gì con người học, đặc biệt là các bạn trẻ, sẽ không thể kịp và nhanh như AI. Vậy, làm sao để con người cạnh tranh được với AI? Đó là cần phải có sự khác biệt.
Trên thực tế, dù rất thông minh và học hỏi rất nhanh, nhưng AI không thể bằng con người vì thiếu trí tuệ cảm xúc. Do đó, theo ông Cao Thế Anh, bên cạnh việc không ngừng học hỏi và cập nhật những cái mới từ AI, các bạn trẻ, đặc biệt là các bạn sinh viên, cần phải rèn luyện và trau dồi hai thứ, bao gồm tư duy sáng tạo và tư duy phản biện. Trong đó, tư duy phản biện được coi là đặc biệt quan trọng giúp các bạn trẻ có thể cạnh tranh và vượt trội so với AI.
“AI có thể giúp các bạn nghĩ ra hàng trăm ý tưởng chỉ trong thời gian tính bằng giây. Nhưng nó chưa biết cái đó có đúng hay không hoặc làm gì để tốt hơn. Do đó, việc các bạn trẻ có tư duy phản biện và rèn luyện kỹ năng này là rất quan trọng cả trong cuộc sống và công việc. Nếu các bạn có tư duy phản biện tốt thì không sợ gì cả”, ông Cao Thế Anh cho biết.
Đồng quan điểm với ông Cao Tiến Anh, ông Nguyễn Trung Hiếu, Chủ tịch kiêm nhà sáng lập VMG Co Founder TWS Media, thành viên HĐQT – Phó tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư sản xuất Bảo Ngọc, chúng ta phải học cách “sống chung với lũ”, không thể ra ngoài xu thế phát triển của thời đại, đặc biệt là AI.
“Các bạn trẻ cần phải trau dồi, cập nhật thường xuyên, nhưng không nên sợ về AI. Có những công việc có thể bị AI thay thế trong tương lai. Tuy nhiên, chúng ta cần phải biết công việc của mình lợi thế ở đâu để từ đó trau dồi và dùng AI để trở thành công cụ giúp công việc của mình tốt hơn”, ông Nguyễn Trung Hiếu nhấn mạnh.