Ông Gorbachev nhắn nhủ gì người thắng trong cuộc đua tổng thống Mỹ?

Thanh Bình |

Mới đây, cựu lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev trong một cuộc phỏng vấn với tờ Times đã kêu gọi người chiến thắng trong cuộc đua tổng thống Mỹ ngay lập tức đến gặp mặt Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Ngoài ra, ông Gorbachev cũng bày tỏ lo ngại cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân có thể vượt khỏi tầm kiểm soát. “Tình hình đang rất đáng báo động. Dù kết quả bầu cử thế nào, chúng ta phải nối lại đối thoại để thoát khỏi tình trạng đóng băng như hiện nay. Chúng ta cần sự thúc đẩy mạnh mẽ từ tổng thống của cả hai nước’, ông Gorbachev cho biết.

Nhà lãnh đạo Liên Xô tin rằng Nga và Mỹ nên tổ chức một hội nghị “Reykjavik thứ hai”, như cuộc gặp năm 1986 của Liên Xô với Ronald Reagan tại Iceland về cắt giảm vũ khí hạt nhân.

“Quan hệ giữa Liên Xô và Mỹ vào giữa những năm 1980 phức tạp hơn nhiều so với hiện tại. Tuy nhiên, sau đó chúng tôi đã tìm ra lối thoát với sự giúp đỡ của sự tin tưởng, hiểu thấu và xây dựng mối quan hệ với nhau”, cựu Tổng thống Liên Xô nhấn mạnh.

Đồng thời, ông Gorbachev cho biết ông đặc biệt lo ngại về kế hoạch phát triển vũ khí hạt nhân mới của Mỹ.

Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START - phía Nga gọi là START-3) được ký kết vào ngày 8/4/2010 tại Prague (Cộng hòa Czech) thay thế các hiệp ước về giảm trừ vũ khí hạt nhân chiến lược đã ký kết trước đó. Hiệp ước có hiệu lực ngày 5/2/2011, dự kiến sau 10 năm (tức đến tháng 2/2021) sẽ hết hiệu lực và có thể kéo dài đến năm 2026 nếu hai bên đồng ý.

Tổng thống Putin trước đó đã đề xuất gia hạn thỏa thuận thêm 5 năm mà không có điều kiện tiên quyết. Trong khi đó, Nhà Trắng ở nhiều cấp khác nhau đang nhấn mạnh sự cần thiết phải đưa Trung Quốc vào các cuộc đàm phán để đàm phán một thỏa thuận hạt nhân ba bên giữa Moscow, Bắc Kinh và Washington. Tuy nhiên, Trung Quốc bác bỏ ý tưởng này.

Các nhà chức trách Nga lưu ý rằng Moscow vẫn chưa nhận thấy một quyết định rõ ràng của Mỹ trong việc gia hạn Hiệp ước New START. Bộ trưởng Ngoại giao Sergei Lavrov trước đó nhấn mạnh Nga sẽ không đáp ứng những yêu cầu không thể thực hiện được của các đối tác Mỹ, bao gồm cả liên quan đến sự tham gia của Trung Quốc.

Hiệp ước START mới quy định Mỹ và Nga phải cắt giảm 50% số đầu đạn hạt nhân chiến lược, hạn chế mỗi bên chỉ được triển khai 1.550 đầu đạn hạt nhân chiến lược và 700 tên lửa gồm tên lửa liên lục địa, tên lửa đạn đạo bắn từ tàu ngầm và từ máy bay ném bom hạng nặng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại