Tối 29/9, Đại tá Nguyễn Duy Ngọc, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội đã trả lời về kết luận vụ việc xô xát giữa một số cán bộ công an Đông Anh và phóng viên Trần Quang Thế (PV báo Tuổi Trẻ) trên cầu Nhật Tân.
Trao đổi với chúng tôi, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cho rằng, các thông tin chi tiết về sự việc trên đều đã được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng nên khó có thể nói một cách cụ thể.
"Tuy nhiên, trước hết, để xảy ra sự việc xô xát giữa công an Đông Anh với phóng viên là điều hết sức đáng tiếc và về kết luận của công an Hà Nội tôi thấy lại càng tiếc hơn.
Bởi nó làm mất cảm tình nhiều hơn là có được sự chia sẻ mà công an là lực lượng được gọi là "đứng mũi chịu sào" nên rất cần sự chia sẻ của xã hội.
Tôi có quan niệm "tiên trách kỷ hậu trách nhân" tức là thấy lỗi của ngành mình là trước hết. Ở đây, gọi là đấm hay gọi là gạt tay thì cũng chỉ là cách nói, nhưng rõ ràng cách nói đó tôi nói thẳng là bảo vệ cán bộ không phải lối.
Có nhiều cách bảo vệ cán bộ nhưng nếu anh nhìn thẳng vào sự thật rồi xử lý thì người ta có thể chia sẻ được. Tuy nhiên, từ hiện tượng này nói sang hiện tượng khác thì người ta nói anh không thể hiện thiện chí mà ngành công an rất cần sự nghiêm túc", ông Quốc nói.
Vị ĐBQH tỉnh Đồng Nai cũng bày tỏ, việc xử phạt đối với phóng viên báo Tuổi trẻ với từng chi tiết được liệt kê ra không có vấn đề gì.
"Nhưng tôi chỉ thắc mắc thế nào là bí mật Quốc gia, đó là băn khoăn nhất, vì nếu không sẽ có sự lạm dụng. Phản ánh một vụ án như vậy đã gọi là bí mật Quốc gia mà không có chỉ báo gì cho mọi người về việc không được chụp ảnh, tiếp cận vào khu vực đó, không có biển báo...
Rõ ràng ở đây cũng có lỗi của cơ quan công an. Cho nên chuyện này tôi cho rằng thật đáng tiếc, lẽ ra, sau chuyện này cả hai bên là cơ quan báo chí cũng chấn chỉnh lại cán bộ của mình và bên công an cũng chấn chỉnh lực lượng của mình sao cho hợp tác tốt hơn.
Còn việc xử lý như thế này thì người ta vẫn cho là dường như bao che cán bộ và... cho biết tay", ông Quốc nêu.
Nhà sử học này cũng nhìn nhận, việc xử lý như vậy không phải là vận dụng luật pháp.
"Vận dụng luật pháp phải đạt được mục tiêu mình sai phải nhận ra lỗi của mình và cần nhất là giữa hai lực lượng báo chí, công an có sự hợp tác với nhau chứ xử lý như vậy là chưa được", ông Quốc chia sẻ.
Trước ý kiến của ông Trần Đăng Tuấn, nguyên Phó Tổng Giám đốc VTV cho rằng, nếu cán bộ công an hình sự của huyện Đông Anh chỉ "gạt tay" hay vung tay trúng má của phóng viên thì Công an Hà Nội không cần phải xử lý kỷ luật hai công an đó như vậy, ông Quốc nêu quan điểm:
"Hình ảnh đã cho thấy rõ chuyện đó, mọi cái bị gọi tên khác nhau nhưng rõ ràng hành vi đó là không thân thiện, không đáng có của người công an đối với người dân nói chung chứ chưa nói nhà báo.
Như tôi đã nói, bảo vệ cán bộ có nhiều cách, ta cứ nghiêm khắc với anh em thì tốt hơn còn cứ dung túng thì sau này có thể lặp lại.
Tôi không trực tiếp có mặt nhưng quan sát rất khách quan, lẽ ra đây là cơ hội để rút kinh nghiệm thì cuối cùng lại là sự quy kết trách nhiệm. Cách nói của anh Trần Đăng Tuấn cũng là một cách nói, nếu quả thực chỉ là vô tình làm chuyện đó thì không đáng kỷ luật, khiển trách".
Từ sự việc này, theo ông Quốc, báo Tuổi trẻ, đơn vị quản lý trực tiếp phóng viên cần vào cuộc kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét, tiếp đó, Hội Nhà báo Việt Nam phải có ý kiến và đương nhiên, lãnh đạo thành phố, công an Hà Nội cần vào cuộc.
"Tôi thấy phải có cơ quan khách quan hơn giám sát xem thực hư ra sao. Sau sự việc này, thì chính anh em nhà báo cũng phải tự rút kinh nghiệm, ứng xử thế nào để tránh xung đột.
Sự việc tưởng là nhỏ nhưng nếu không cẩn thận sẽ thành chuyện lớn, hình ảnh công an sẽ không còn đẹp trong lòng nhân dân...", ông Quốc nói thêm.
Trước đó, Đại tá Nguyễn Duy Ngọc cho biết, cảnh sát hình sự huyện Đông Anh chỉ có hành vi "giơ tay gạt trúng má" và "giơ chân đá nhưng không trúng" vào người phóng viên Quang Thế.
"Căn cứ vào quy tắc ứng xử của lực lượng CAND, chúng tôi đã giao Ban Chỉ huy Công an huyện Đông Anh và Phòng Tổ chức cán bộ căn cứ vào các quy định cụ thể tổ chức kiểm điểm.
Đến nay đã xử lý kỷ luật hình thức khiển trách đồng chí Hưng, còn đồng chí Thuyên chưa có hành động cụ thể gây ra các tác hại cụ thể chúng tôi đã yêu cầu kiểm điểm, rút kinh nghiệm.
Đối với nhà báo Trần Quang Thế, căn cứ vào Nghị định 67 xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi đi vào khu vực hiện trường khi chưa được phép, tác nghiệp chụp ảnh tại hiện trường vụ án không được phép", Đại tá Ngọc thông tin.
Trong khi đó, chiều tối 29/9, Công an quận Tây Hồ đã thông báo, gửi quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với nhà báo Quang Thế. Quyết định xử phạt vi phạm hành chính nêu:
Vào khu vực cấm nơi tiến hành các hoạt động có nội dung thuộc phạm vi bí mật nhà nước mà không được phép với mức phạt 2.000.000 đồng; Chụp ảnh tại khu vực cấm với mức phạt 2.000.000 đồng; Có lời nói lăng mạ người thi hành công vụ với mức phạt 2.500.000 đồng.
Lợi dụng tư cách nhà báo, phóng viên can thiệp cản trở hoạt động đúng phát luật của tổ chức cá nhân với mức phạt 7.500.000 đồng; Đỗ xe mô tô trên cầu với mức phạt 350.000 đồng; Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông mức phạt 55.000 đồng.
Tổng mức tiền phạt với các lỗi mà Công an quận Tây Hồ cho rằng nhà báo Quang Thế vi phạm là 14.405.000 đồng.
Nhà báo Quang Thế cho biết ông không đồng ý với nhiều nội dung trong quyết định xử phạt của Công an Hà Nội.