Ông Dương Trung Quốc nói về điều đặc biệt nhất ở người hiến 5.000 lượng vàng cho Nhà nước

Hoàng Đan |

"Đặc biệt nhất ở cụ Hoàng Thị Minh Hồ chính là giữ chữ tín, một phẩm chất tốt đẹp nhất của nhà công thương xưa", ông Dương Trung Quốc nêu.

Nếp sống cổ điển nhưng chân thành

Bà Hoàng Thị Minh Hồ, vợ nhà tư sản Trịnh Văn Bô, người từng hiến 5.000 lượng vàng cho Nhà nước trong "Tuần lễ vàng" năm 1945 đã qua đời hồi 23h15 ngày 5/11, hưởng thọ 104 tuổi.

Sáng 8/11, nhà sử học, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc đã bày tỏ niềm tiếc thương sâu sắc trước sự ra đi của cụ Hoàng Thị Minh Hồ.

Ông Quốc chia sẻ thêm, cá nhân ông là người có nhiều thời gian được gần gũi với cụ Hoàng Thị Minh Hồ bởi hai gia đình trước đây cùng ở trên tuyến phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Đường mà trước đây ai cũng đều biết.

"Mẹ tôi thua cụ Hồ khoảng 10 tuổi và gần đây, do tuổi tác cao, di chuyển khó chứ trước đây, hai cụ vẫn đi lại với nhau.

Cách đây 2 năm, tôi vẫn đưa mẹ đến gặp cụ và các cụ vẫn giữ được nếp sống ngày xưa là cổ điển nhưng chân thành. Đặc biệt nhất ở cụ Hoàng Thị Minh Hồ chính là giữ chữ tín, một phẩm chất tốt đẹp nhất của nhà công thương xưa", ông Quốc chia sẻ.

Theo ông Quốc, việc đóng góp 5.000 lượng vàng của vợ chồng cụ Trịnh Văn Bô, Hoàng Thị Minh Hồ là điển hình của thời kỳ lịch sử mà Nhà nước và người dân tạo được lòng tin với nhau.

Lòng tin này không phải ở một chiều mà đây là lòng tin hai chiều và quan trọng hơn như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói là phải có tín tâm.

Câu này, theo ông Quốc, bắt đầu từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đi giám sát công tác chuẩn bị chiến đấu của Hà Nội vào năm 1946.

Khi đó, Bác hỏi chúng ta có giữ được Hà Nội không thì mọi người đều thể hiện quyết tâm nhưng Bác nói quyết tâm không đủ mà phải tín tâm. Tín tâm là phải có lòng tin chứ không phải quyết tâm là quyết định làm mà không có lòng tin.

"Không phải ngẫu nhiên khi lần đầu tiên từ chiến khu về Hà Nội, Bác lại chọn nhà giàu nhất, ở phố giàu nhất là căn nhà 48 Hàng Ngang của gia đình ông bà Trịnh Văn Bô để làm căn cứ địa cho mình, chỗ làm việc và viết bản Tuyên ngôn độc lập.

Rõ ràng, cụ Hồ đã có lòng tin vào người dân, dù người dân đó là tư sản và cụ rất tế nhị không gọi là tư sản mà gọi là nhà công thương, tức là những người hoạt động trên lĩnh vực kinh tế nào đó. 

Từ niềm tin của cụ Hồ thì người dân, nhà tư sản đã đáp lại bằng niềm tin, sẵn sàng đóng góp cho đất nước", ông Quốc nói.

Ông Dương Trung Quốc nói về điều đặc biệt nhất ở người hiến 5.000 lượng vàng cho Nhà nước - Ảnh 1.

Cụ Hoàng Thị Minh Hồ, người hiến 5.000 lượng vàng cho nhà nước vừa qua đời đêm 5/11, hưởng thọ 104 tuổi.

Nên đặt tên đường ông bà Trịnh Văn Bô

Ông Quốc nhấn mạnh thêm, vợ chồng cụ Trịnh Văn Bô, Hoàng Thị Minh Hồ là một điển hình trong việc sẵn sàng đóng góp, hy sinh tất cả để bảo vệ nền độc lập của nước nhà trong thời điểm khó khăn nhất.

"Không chỉ đóng góp số vật chất rất lớn, hai cụ còn dành nhà ở của mình tại 48 Hàng Ngang để Bác Hồ và các nhà lãnh đạo cách mạng làm việc, rồi nuôi giấu họ. Điều này rất đáng ghi nhận.

Khi biểu dương cụ Trịnh Văn Bô, Hoàng Thị Minh Hồ, chúng ta cần biểu dương các nhà công thương và biểu dương đường lối của Bác lúc đó khi biết tin vào dân, dựa vào dân, được dân tin. Chúng ta phải xác lập điều đó để khi khó khăn nhất vẫn có được lòng tin của dân", ông Quốc nhấn mạnh.

Nhà sử học Dương Trung Quốc khẳng định, cùng nhiều nhà tư sản khác, vợ chồng cụ Trịnh Văn Bô và Hoàng Thị Minh Hồ là những người đã đi đến cùng trong cuộc cách mạng.

"Mặc dù sau này, chúng ta có một số chính sách chưa thực sự đúng và vẫn còn một số điều bức xúc về nhà cửa... nhưng cụ Bô, cụ Minh Hồ vẫn giữ vững niềm tin, tư cách, không bất mãn, không có vấn đề gì cả.

Điều này khác hẳn so với một số người khác khi động chạm vào lợi ích là sẵn sàng có những hành vi không hay...", ông Quốc nhìn nhận.

Về việc tôn vinh đối với vợ chồng cụ Bô, cụ Minh Hồ, ông Quốc cho rằng, việc tôn vinh đó là tôn vinh cả một thế hệ các nhà công thương đã đóng góp cho cách mạng.

"Đối với việc đặt tên hai cụ cho tên đường phố theo tôi là cần thiết và nên đặt một tên đường ông bà Trịnh Văn Bô thay vì chỉ để là Trịnh Văn Bô không.

Bởi sự đóng góp đó là của cả hai vợ chồng nhưng người ta vẫn quen cách đọc ngày xưa là chỉ nói đến tên chồng", ông Quốc chia sẻ thêm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại