Việc ông Đoàn Ngọc Hải xin từ chức đặt trong bối cảnh xã hội quan tâm
Bên lề kỳ họp Quốc hội, sáng 6/6, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc (Đồng Nai) đã có những trao đổi xung quanh việc ông Đoàn Ngọc Hải (nguyên Phó Chủ tịch UBND quận 1, TPHCM) xin từ chức Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn TNHH Một Thành viên chỉ sau vài giờ được trao quyết định điều chuyển công tác.
Ông Đoàn Ngọc Hải đã lần thứ 2 xin từ chức và lần này, việc xin từ chức diễn ra chỉ sau vài giờ khi được lãnh đạo TP Hồ Chí Minh trao quyết định điều chuyển công tác về cơ quan khác. Ông có bình luận gì về việc này?
Ông Dương Trung Quốc: Có lẽ sự việc của ông Đoàn Ngọc Hải xin từ chức đặt trong bối cảnh mà xã hội quan tâm.
Thứ nhất, vấn đề thường gọi là văn hóa từ chức còn rất hiếm hoi. Thứ hai, chúng ta đang bàn về Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi.
Việc liên quan đến ông Hải cũng cho thấy cơ chế của chúng ta trong việc sắp đặt cán bộ có vấn đề. Chúng ta vẫn nói nhiều đến quy trình nhưng không nói đến việc đánh giá đối tượng đó như thế nào để sử dụng tốt nhất.
Một cán bộ phải có kỷ luật mà quan niệm đơn giản là điều động phải thực hiện theo quy định của tổ chức nhưng ngược lại, không thể bỏ qua nguyện vọng của mọi người được. Tính tự nguyện của một con người là rất quan trọng trong việc thực thi công việc của mình.
Chúng ta rất tôn trọng ông Hải nhưng rõ ràng trong cơ chế hiện nay, hành vi xin từ chức tưởng như vi phạm một nguyên tắc bất di bất dịch là cán bộ, đảng viên phải phục tùng tổ chức, chưa nói, đây là tổ chức đảng, chính quyền.
Nhưng điều đó cũng phản ánh chúng ta phải nhìn nhận cán bộ trên nhiều phương diện, không thể không nói việc sử dụng nhân tài phải trên cơ sở rất tôn trọng đối tượng đó.
Bản thân tôi không có thông tin đầy đủ về nguyện vọng của ông Đoàn Ngọc Hải như thế nào, cách điều động như thế nào. Bởi có khi, người ta nói điều động lên trên là một cách xử lý và không có nghĩa cứ chức vụ, bậc lương coi như chuẩn mực duy nhất.
Theo tôi, chuẩn mực duy nhất với một con người là làm sao cho họ phát huy được mặt tốt đẹp, sở trường, chuyên môn của họ.
Với trường hợp ông Đoàn Ngọc Hải, chúng ta nên hiểu theo nghĩa văn hóa từ chức hay không phục tùng tổ chức?
Ông Dương Trung Quốc: Tôi vẫn nói đây là câu chuyện khó vì chúng ta chưa đưa ra những chuẩn mực. Nếu theo bình thường, ông Đoàn Ngọc Hải không phục tùng tổ chức.
Còn nói đến văn hóa từ chức đó là quyền cá nhân. Nhưng đến nay, chúng ta vẫn chưa coi như quyền được thể hiện trong luật pháp mà chỉ coi đây là sự từ bỏ, né tránh nhiệm vụ.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, việc này sẽ góp cho chúng ta cần có sự quan tâm đến cán bộ. Tôi tin việc từ chức sẽ xảy ra nhiều trong thời gian tới nếu chúng ta đưa điều này vào Luật.
Ông Đoàn Ngọc Hải.
Động cơ từ chức của ông Đoàn Ngọc Hải không ai biết được
Theo dõi các thông tin trên báo chí, cá nhân ông nhìn nhận ông Đoàn Ngọc Hải là người như thế nào?
Ông Dương Trung Quốc: Trước hết, ông Đoàn Ngọc Hải là người có cá tính, bản lĩnh và tự tin về mình. Còn động cơ từ chức như thế nào không ai biết được.
Xã hội rất phức tạp nhưng việc ông Đoàn Ngọc Hải dám từ chối chức vụ mà khách quan khi nhìn vào nhiều người sẽ nói đó là cái ghế không phải dễ ngồi vào.
Tuy nhiên, như tôi đã nói, cụ thể thế nào không ai dám bình luận, bởi như tôi đã nói hiện tượng xã hội không đơn giản, có khi lên mà thành xuống, xuống thành lên.
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho rằng, với ông Hải nếu không chấp nhận điều động của tổ chức có thể bị xem xét kỷ luật theo quy định?
Ông Dương Trung Quốc: Có lẽ trong quy định, quy chế hiện nay là như vậy nhưng khi có vấn đề tưởng như vậy mà có vấn đề nên xem xét để thấy những thay đổi của đời sống như thế nào.
Bởi, nếu không xem xét, có thể sẽ không giữ được những người giỏi, tốt cho bộ máy. Tuy nhiên, chúng ta, cũng không dung dưỡng cho thái độ vô kỷ luật.
Trả lời báo chí, ông Đoàn Ngọc Hải cho rằng, bản thân đã chấp hành quy định của tổ chức, cụ thể, có nhận quyết định và chiều mới gửi đơn từ chức chứ không phản đối quyết định. Ông nhận xét thế nào về việc này?
Ông Dương Trung Quốc: Tôi cho đó là một hiện tượng, cách ứng xử. Chúng ta phải nhìn nhận qua sự việc cụ thể để điều chỉnh.
Trước đây, mọi người coi ở biên chế là thiêng liêng, ghê gớm nhưng giờ họ chọn nơi nào để phát huy đúng năng lực, kể cả hưởng thụ thành quả của họ. Đó là quyền chính đáng.
Tôi cũng muốn nói thêm, nguyện vọng của cán bộ quan trọng nhưng không phải tất cả các nguyện vọng đều được chấp nhận bởi, đó là, sự cân nhắc. Còn quan trọng nhất cần bàn là dùng người như thế nào.