Ông Donald Trump có thêm đồng minh chặn bước tiến của F-35

Tuấn Hưng |

Cùng với Tổng thống đắc cử Trump, nhiều quan chức quốc phòng Mỹ tiếp tục phản đối F-35 khiến tương lai máy bay này trở nên mờ mịt ngay tại nước Mỹ.

Tương lai của F-35

Tạp chí Business Insider dẫn tuyên bố của cựu chỉ huy Hải quân Mỹ, ông Chris Harmer cho biết, dù một số phiên bản của tiêm kích F-35 đã được đưa vào hoạt động nhưng đáng lẽ ra, chiến đấu cơ này không được phép tồn tại.

Theo lý giải của vị cựu quan chức này, F-35 chỉ có một lợi thế duy nhất so với các máy bay chiến đấu của thời Chiến tranh Lạnh mà nó sẽ thay thế, đó là khả năng hoạt động tàng hình. Tuy nhiên, tính năng này cũng đã từng bị phàn nàn rất nhiều.

Chris Harmer cho rằng, Mỹ nên nâng cấp các phi cơ F-15, F-16 và F-18 thay vì đốt tiền với chương trình F-35, bởi những loại máy bay này hoàn toàn có thể được lắp đặt các hệ thống tiên tiến như ca bin điều khiển của F-35.

 Ông Donald Trump có thêm đồng minh chặn bước tiến của F-35  - Ảnh 1.

Tiêm kích F-35C.

Ông Harmer dẫn chứng, F/A-18 đã trải qua nhiều lần nâng cấp, và phiên bản mới nhất là F/A-18 Super Hornet có tiết diện radar tương đối nhỏ, khiến nó khó bị phát hiện. Chi phí của nó cũng rẻ và vẫn còn có thể được nâng cấp thêm nhiều tính năng mới nữa.

Ông Harmer cho biết, lợi thế của F-35 "được phát huy khi hoạt động trong các vùng không phận có hệ thống phòng không dày đặc, nhưng cho đến nay điều này vẫn chưa được kiểm chứng".

"Có rất nhiều cách không tốn nhiều chi phí để đối phó với hệ thống phòng không của đối phương, bao gồm tên lửa hành trình, hệ thống gây nhiễu radar", ông Harmer nói và cho biết thêm rằng, đáng lẽ ra chương trình F-35 siêu tốn kém này không được phép tồn tại.

Ông Chris Harmer được cho là người đồng thuận với Tổng thống đắc cử Donald Trump về việc phản đối việc mua sắm thêm F-35 cho lực lượng vũ trang nước này.

Tuyên bố của Chris Harmer đưa ra gần như đồng thời với thông điệp được Tổng thống Mỹ mới Donald Trump chỉ trích F-35 trên trang Twitter cá nhân của mình: "Chi phí của chương trình F-35 là quá đắt đỏ. Hàng tỉ USD ngân sách để mua về các thiết bị quân sự sẽ được giảm bớt sau ngày 20/1 tới".

Lý do của tuyên bố trên theo lý giải của Tổng thống đắc cử Donald Trump là F-35 vì loại vũ khí này quá đắt tiền nhưng lại không mang lại hiệu quả chiến đấu như kỳ vọng. Máy bay F-35, sản phẩm Lockheed Martin là một chương trình vũ khí "tốn kém", dù ông này ủng hộ việc tăng chi tiêu quốc phòng.

Khi còn trong giai đoạn vận động tranh cử, ông Trump khi trả lời phỏng vấn với chương trình radio Hugh Hewitt từng chỉ trích chi phí chế tạo chiếc F-35: "Nó không phải rất tốt. Tôi nghe nói rằng nhiều loại máy bay hiện có của chúng ta còn tốt hơn".

Mỹ không thể dừng

Dù máy bay F-35 gặp vô số lỗi nhưng Mỹ không thể dừng chương trình này do đã đốt quá nhiều tiền. Máy bay F-35 hiện đã trải qua 10 năm bay thử nghiệm tuy nhiên, trong thời gian này, các chuyên gia đã phát hiện những thiếu sót nghiêm trọng trong máy bay mà cho đến nay vẫn chưa được loại bỏ.

Theo phân tích của chuyên gia hàng không Pierre Spray của Tạp chí National Interest, trong thiết kế tổng thể, F-35 sẽ được bổ sung thêm mũ đặc biệt dành cho phi công: “Độ chính xác cao và việc phát nhanh chóng các hình ảnh trên màn hình trên mũ phi công F-35 là điều rất quan trọng”.

Nhưng quá trình thử nghiệm đã phát hiện một loạt vấn đề. Mũ bảo hiểm này có trọng lượng khá nặng và khi bật dù khỏi máy bay, phi công có thể bị gãy cổ. Trong cuộc trả lời kênh truyền hình “Russia Today”, Pierre Spray (người được coi là cha đẻ của F-16) đã nhận xét:

“Tiêm kích đa năng F-35 được thiết kế, chế tạo dựa trên những lầm tưởng cơ bản. Không thể nào chế tạo một máy bay đa năng mà vẫn có thể đảm bảo hiệu quả trong môi trường tác chiến. Nếu như các bạn muốn F-35 có thể thực hiện được 3, 4 hoặc 5 nhiệm vụ khác nhau thì các bạn cần chấp nhận mất đi một số đặc tính kỹ thuật khác".

Ngoài ra, trang Breaking Defense dẫn nguồn tin quân sự Mỹ còn chỉ ra điểm yếu tiếp theo của F-35 khiến dòng tiêm kích này không mạnh mẽ như nhà sản xuất công bố ban đầu khi nó không thể nhận diện chuẩn xác mối nguy hiểm.

"Các cảm biến điện tử trên F-35 có nhiệm vụ phát hiện ra các mối đe doạ tiềm tàng như tên lửa, máy bay tấn công, đang thường xuyên đánh giá sai mức độ nguy hiểm của vật thể nó dò tìm được và từ đó cảnh báo sai cho phi công", Breaking Defense cho biết.

Ngoài ra, nhà sản xuất Mỹ vẫn chưa thể trang bị được cho máy bay một cơ sở dữ liệu về những “mối đe doạ” vào phần mềm cài đặt tại trung tâm điều khiển. Theo Breaking Defense, cơ sở dữ liệu này trên thực tế là thông tin về các loại vũ khí có thể gây nguy hiểm cho máy bay và được tập hợp lại từ nhiều nguồn thông tin tình báo khác nhau.

Dù còn tồn tại những điểm yếu chết người nhưng theo Tạp chí Fiscal Times, chương trình phát triển máy bay F-35 không có nguy cơ bị đình trệ vì Mỹ đã đầu tư vào đó quá nhiều tiền và cho rằng con số tiền đã bỏ ra "quá lớn để có thể hủy dự án".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại