Ông Đỗ Cao Bảo: "Gia công, làm thuê có gì đáng xấu hổ mà chê bai?"

Trung Sơn |

FDI đang tạo công ăn việc làm cho hàng chục triệu lao động. Sản xuất gia công và sản xuất FDI đã và đang tạo ra công nghệ nền tảng, sản phẩm lõi cũng như nguồn lực quản trị sản xuất, thương mại quốc tế cho chính lĩnh vực make in Việt Nam.

Giữa tháng 12/2018, lần đầu tiên, Bộ Thông tin và truyền thông Việt Nam chia sẻ cụm từ "Make in Vietnam" tại Diễn đàn CNTT-TT Việt Nam – Myanmar khi những sản phẩm, giải pháp công nghệ được các doanh nghiệp ICT Việt Nam giới thiệu.

Sau đó, tại Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam ngày 09/05/2019, Cụm từ "Make in Vietnam" được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhắc đi nhắc lại nhiều lần.

Sau 2 năm, "Make in Viet Nam" trở thành cụm từ quen thuộc, nói lên sự khao khát của người Việt trong việc làm chủ công nghệ, tự tạo ra sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam.

Gần đây nhất, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại lễ Phát động Giải thưởng "Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam" năm 2020 và khẳng định: "Nếu không Make in Vietnam thì nước ta khó có thể thành nước phát triển, nếu không Make in Vietnam thì chúng ta cũng không thể đi ra nước ngoài, không thể có những đóng góp cho sự phát triển của nhân loại".

Không ai có thể phủ nhận tính đúng đắn của một chiến lược phát triển quốc gia như vậy đối với Việt Nam. Tuy nhiên, song song với tinh thần kích thích sáng tạo, tìm tòi ứng dụng công nghệ mới đang sôi sục trong lòng cộng đồng khởi nghiệp thì một số suy nghĩ cũng xuất hiện, đó là sự kỳ thị đối với hoạt động gia công.

"Có lẽ khát vọng có những sản phẩm “make in Việt Nam”, sản phẩm của người Việt, do người Việt sở hữu, thiết kế và chế tạo, khát vọng làm chủ công nghệ quá lớn. Điều này đã lấn át cả ý chí, cả sự sáng suốt khiến nhiều người Việt Nam đi vào thái cực bỉ bôi chê bai việc thu hút đầu tư FDI, chê bai sản xuất gia công và cho rằng đấy là đi làm thuê, đấy là việc không vinh quang" - Ông Đỗ Cao Bảo, thành viên HĐQT tập đoàn FPT chia sẻ ý kiến trên trang cá nhân.

Thực tế từng có những ví dụ "kinh điển" để báo động về sự thiệt thòi của Việt Nam khi gia công cho doanh nghiệp FDI. Một thống kê từng cho biết, một đôi giày Nike bán được 100 USD, Việt Nam - nơi gia công và ráp nối các bộ phận, thu về khoảng 5% lợi nhuận trên mỗi đôi giày.

Trong khi đó, các nhà bán lẻ Mỹ thu về 45% lợi nhuận và Nike thu về 45% lợi nhuận còn lại. Tức là, một đôi giày 100 USD, Nike thu về 20 USD, và lợi nhuận của Việt Nam chỉ ở mức 0,6 USD.

Thế nhưng, cần nhìn nhận 2 vấn đề "gia công" và "Make in Vietnam" như thế nào?

Ông Đỗ Cao Bảo nêu quan điểm: “Thực ra, đầu tư FDI sản xuất sản phẩm và linh phụ kiện, sản xuất gia công không phủ định việc đầu tư vào công nghệ, vào R&D, vào việc tạo ra các sản phẩm make in Việt Nam".

FDI đang làm đúng trọng trách: Tạo công ăn việc làm cho hàng chục triệu lao động chuyển từ lĩnh vực nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ. Chưa kể là chính sản xuất gia công và sản xuất FDI đã và đang tạo ra công nghệ nền tảng, tạo ra sản phẩm lõi cũng như nguồn lực quản trị sản xuất, thương mại quốc tế cho chính lĩnh vực make in Việt Nam".

Ông Đỗ Cao Bảo cho rằng giai đoạn hiện tại, Việt Nam cần làm song song hai việc:

1. Đầu tư cho công nghệ, cho R&D, cho các sản phẩm Make in Việt Nam.

2. Thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa cho lĩnh vực sản xuất gia công, công nghiệp phụ trợ, thu hút đầu tư FDI. Bởi chính FDI đang lĩnh trọng trách có ý nghĩa kinh tế, xã hội rất lớn là chuyển đổi cho 18,6 triệu lao động từ lĩnh vực nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ.

Hai việc cần làm song song, mỗi việc có sứ mạng riêng, ý nghĩa kinh tế xã hội riêng. Thế nên không thể và không nên chê sản xuất FDI, sản xuất gia công là không sang, là thấp kém, là không yêu nước.

"Nên nhớ rằng Việt Nam chúng ta vẫn là quốc gia nông nghiệp, có đến hơn 63 triệu người đang sống ở nông thôn (chiếm 65,5%). Nên nhớ rằng chỉ có 39,1% lực lương lao động tốt nghiệp THPT, trong đó chỉ có 23,1% lao động có bằng cấp, chứng chỉ từ sơ cấp trở lên.

Nên nhớ rằng 30-40 triệu lao động chưa có kỹ năng, kiến thức và 18,6 triệu lao động nông nghiệp, họ không biết, không quan tâm công nghệ, R&D, make in Việt Nam là gì. Cái họ quan tâm nhất là công ăn việc làm trong nhà máy với mức thu nhập 12 triệu đồng một tháng. Ai giải quyết mối lo, mối quan tâm của 30-40 triệu người lao động ấy?" - Vị doanh nhân viết.

Theo ông Bảo, Make in Việt Nam là chiến lược của quốc gia. Điều này cần được thể hiện thông qua các chính sách khuyến khích, ưu đãi, đầu tư vào R&D, vào giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực của Chính phủ, là chiến lược của từng doanh nghiệp.

"Cuối cùng tôi muốn nói rằng đừng quên rằng trong bất kỳ xã hội nào thì có đến 98% người lao động đều là người làm thuê cả, ngay cả CEO TGĐ cũng chỉ là người đi làm thuê mà thôi. Thế nên làm thuê có gì đáng xấu hổ mà chê bai nhỉ?” - ông Đỗ Cao Bảo kết luận.

Ông Nguyễn Tử Quảng - CEO của BKAV cũng cho rằng: "Không nên cực đoan về bất kỳ phía nào. Chúng tôi là doanh nghiệp giương lá cờ đầu về Make in Vietnam nhưng tôi không cực đoan vì cả 2 mảng Gia công và Make in Vietnam đều tốt."

Theo ông Quảng, ví dụ nếu Apple đặt cơ sở sản xuất tại Việt Nam, họ có thể kéo theo cả chuỗi cung ứng vào và những doanh nghiệp Việt đã làm chủ công nghệ có thể lựa chọn đơn vị gia công cho mình trong chuỗi cung ứng đó và tạo ra sản phẩm thương hiệu Việt.

"Nếu chúng ta suốt đời đi gia công mà không tiến tới và nắm được công nghệ lõi thì rất đáng lo ngại. Nhưng hiện giờ đã có những doanh nghiệp Việt làm chủ công nghệ lõi rồi thì thu hút FDI, làm gia công là điều tốt" - ông Quảng ý kiến.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại