Ngày 3/7, lãnh đạo Thành ủy và UBND TP.HCM đã có buổi làm việc với các doanh nghiệp trên địa bàn để đóng góp vào Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Đinh La Thăng – Bí thư Thành ủy TP.HCM cho biết, TP “hết sức chân thành, cầu thị lắng nghe” và muốn doanh nghiệp, doanh nhân góp ý trực tiếp vào chương trình hành động của TP để thực hiện Nghị quyết 35.
Theo ông Thăng, mục tiêu của TP là để chương trình hành động về triển khai Nghị quyết 35 phải thực sự phục vụ cho doanh nghiệp, chứ không phải vì Chính phủ yêu cầu mà các địa phương phải làm.
“Nếu chương trình hành động đó không phải xuất phát từ nguyện vọng, ý chí của doanh nghiệp thì không có tác dụng vì không đi vào cuộc sống” – ông Thăng nói.
Đề cập đến tình hình kinh tế hiện tại, ông Thăng nhìn nhận mục tiêu tăng trưởng của TP.HCM nói riêng và của cả nước năm 2016 là “rất xa vời”, vì 6 tháng đầu năm TP.HCM chỉ tăng trưởng 7,47% (so với mục tiêu từ 8 đến 8,5%), trong khi cả nước chỉ đạt 5,52% (so với 6,7%).
“Chính vì vậy Chính phủ xác định được vai trò hết sức quan trọng của doanh nghiệp, doanh nhân nên mới ra Nghị quyết 35 nhằm mục đích tháo gỡ, hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển, với mục tiêu đến năm 2020 chúng ta phải có 1 triệu doanh nghiệp” – ông Thăng cho hay.
Đáp lại ý kiến cho rằng TP đặt mục tiêu đến năm 2020 phải có 500.000 doanh nghiệp là hết sức mơ hồ, ông Thăng khẳng định mục tiêu đó không hề mơ hồ, viển vông mà hoàn toàn có thể thực hiện được.
Ông cũng nhấn mạnh rằng TP cần phải đưa ra mục tiêu để phấn đấu.
“Nếu không có khát vọng độc lập dân tộc thì chúng ta không thể có thắng lợi của Cách mạng Tháng 8 chỉ với 5.000 đảng viên.
Nếu không có khát vọng thống nhất đất nước thì không thể có chiến thắng trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Bây giờ trong xây dựng kinh tế chúng ta cũng phải có khát vọng, trách nhiệm thuộc về chúng ta” – ông Thăng cho hay.
Tuy vậy theo ông đây phải là khát vọng của tất cả người dân, doanh nghiệp, bởi nếu chỉ là khát vọng của lãnh đạo TP thì không bao giờ thành công.
Để làm được điều này, ông Thăng yêu cầu các bộ phận tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và TP phân cấp triệt để cho các sở, quận huyện với tinh thần “rõ thủ tục, rõ người, rõ việc, rõ thời gian”.
Ngoài ra, vị Bí thư Thành ủy còn cho biết hiện nay tại TP, tỷ lệ đóng góp vào GDP của các công ty nhà nước chỉ chiếm 16%, ngoài nhà nước chiếm 59,6% và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 24,5%.
Theo ông, trong 5 năm tới tới tỷ lệ đóng góp của nhà nước sẽ tiếp tục giảm xuống vì quá trình cổ phần hóa, do vậy kinh tế tư nhân là động lực thúc đẩy TP phát triển nên phải có chính sách cho doanh nghiệp tư nhân phát triển.
Ông nhấn mạnh rằng “những việc tư nhân làm được, doanh nghiệp làm được thì nhà nước dứt khoát phải chuyển”.
Lấy ví dụ về việc nhập khẩu xăng dầu, khí hóa lỏng, ông Thăng cho biết quan điểm của mình là không thể chỉ để một vài doanh nghiệp nhập khẩu như hiện nay.
“Nhà nước chỉ quy định các tiêu chuẩn, quy chuẩn và điều kiện để kinh doanh, còn các doanh nghiệp có đủ điều kiện thì được kinh doanh.
Theo đúng quy định của Hiến pháp là doanh nghiệp được kinh doanh những gì pháp luật không cấm” – ông Thăng nói.
Về sử dụng vốn ODA ông Thăng cũng cho rằng không nên để chỉ có doanh nghiệp nhà nước sử dụng như hiện nay mà Chính phủ có thể ra các quy định để công ty tư nhân cũng được vay.
Từ đó ông đề nghị nghiên cứu để báo cáo Chính phủ vấn đề này, bởi theo ông khi đó nhà nước không còn phải lo vốn đối ứng, và khi nhiều thành phần kinh tế cũng làm thì sẽ có cạnh tranh, như vậy tính công khai, minh bạch cũng rõ hơn, tạo điều kiện, môi trường kinh doanh bình đẳng hơn.
“Thủ tướng nói, TP.HCM phải là hòn ngọc chiếu sáng Biển Đông và nó có chiếu sáng được hay không chính là ở đội ngũ hơn 200.000 doanh nghiệp.
Chính chúng ta và hơn 10 triệu người dân của TP sẽ làm cho TP.HCM chiếu sáng” – ông Thăng nhấn mạnh.
Cũng phát biểu tại buổi làm việc này, ông Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch UBND TP đề nghị các doanh nghiệp cần nâng cao tính chủ động trong hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau.
“Tư duy ai thắng ai nên dành cho cho tư duy hai bên cùng thắng trong cạnh tranh và hợp tác, có như vậy mới tạo được xung lực mạnh của cộng đồng doanh nghiệp TP” – ông Phong nói.
Người đứng đầu chính quyền TP khẳng định thời gian tới sẽ đẩy mạnh hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp với các trung tâm hỗ trợ và nguồn tài chính trị giá khoảng 1.000 tỷ đồng.
“TP sẽ kiến nghị nội dung khởi nghiệp vào chương trình đào tạo của các trường đại học, trước hết là các trường đại học của TP.
Đối với những quốc gia đã sản sinh ra những tập đoàn hàng đầu thế giới thì ở những quốc gia đó họ đã chuẩn bộ một tinh thần khởi nghiệp từ tiểu học và trung học” – ông Phong chia sẻ.