Ông Đinh La Thăng đã "tiền trảm hậu tấu" ra sao?

Hoàng Đan |

Cơ quan điều tra xác định, hành vi của ông Đinh La Thăng và đồng phạm đã gây thiệt hại 800 tỷ đồng khoản góp vốn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam PVN tại Ngân hàng Oceanbank.

Theo tài liệu của cơ quan điều tra, năm 2006, Thủ tướng phê duyệt cho Tập đoàn Dầu khí quốc gia (PVN) được thành lập mới với một ngân hàng Cổ phần dầu khí, trong đó PVN nắm trên 50% vốn điều lệ. PVN đã hoàn thành một số thủ tục thành lập ban trù bị Ngân hàng Hồng Việt.

Tuy nhiên, năm 2008, thực hiện chủ trương của Thủ tướng về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, PVN không tham gia vào việc thành lập Ngân hàng Hồng Việt mà chuyển sang góp vốn mua cổ phần tại Ngân hàng TMPC Đại Dương (Oceanbank) do Hà Văn Thắm làm Chủ tịch HĐQT.

Để thực hiện chủ trương góp vốn vào Oceanbank, ngày 18/9/2008, ông Nguyễn Ngọc Sự, Phó Tổng Giám đốc PVN đã có báo cáo đánh giá tình hình hoạt động của Ngân hàng Oceanbank trong đó nêu rõ: Oceanbank là ngân hàng có quy mô hoạt động nhỏ, vốn và tiềm lực tài chính thấp, kinh doanh kém hiệu quả.

Mặc dù được báo cáo rõ tình hình hoạt động của Oceanbank, cũng như các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ, yêu cầu của Bộ Tài chính về việc rà soát các dự án trọng điểm dầu khí, cân đối nguồn vốn; báo cáo đánh giá tình hình hoạt động của Oceanbank; xác định giá trị thực cổ phiếu để tránh rủi ro trước khi thực hiện góp vốn… nhưng ông Đinh La Thăng thời điểm đó là Chủ tịch HĐQT đã không có bất cứ chỉ đạo nào đối với HĐQT và Ban Điều hành PVN để thống nhất chủ trương, thực hiện thẩm định, khảo sát Oceanbank, phương án góp vốn, tính hiệu quả khả thi.

Cụ thể, ông Đinh La Thăng không thông qua HĐQT mà đã ký thỏa thuận thống nhất với Hà Văn Thắm (nguyên Chủ tịch Oceanbank) việc góp vốn vào Oceanbank, cũng không báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.

Ông Đinh La Thăng đã tiền trảm hậu tấu ra sao? - Ảnh 1.

Ông Đinh La Thăng khi còn làm tại PVN. Ảnh: PVN.

Sau đó, ông Thăng ký văn bản gửi Thủ tướng và các bộ, ngành xem xét, phê duyệt để PVN mua cổ phần của Oceanbank.

Khi chưa có ý kiến của Thủ tướng, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước, ông Thăng đã ký nghị quyết góp vốn đợt 1 với số tiền 400 tỷ đồng vào Ngân hàng Đại Dương.

Tháng 5 năm 2010, Oceanbank tăng vốn điều lệ lên 5.000 tỷ đồng. Theo ủy quyền của ông Thăng, lãnh đạo PVN ký nghị quyết góp vốn bổ sung để duy trì 20% vốn điều lệ. Nhưng 3 tháng sau, vào tháng 8/2010, ông Thăng mới ký văn bản trình Thủ tướng xem xét việc này.

Tháng 10/2010, Văn phòng Chính phủ có văn bản nêu rõ PVN cần tập trung vốn cho hoạt động dầu khí, trường hợp khó khăn về vốn không nhất thiết nắm giữ 20% cổ phần Oceanbank. Nhưng PVN không thực hiện theo chỉ đạo này mà góp tiếp tục vốn thêm 300 tỷ đồng.

Lần góp vốn bổ sung thứ 3 vào năm 2011, ông Thăng ủy quyền cho bà Vũ Thị Thanh Hương làm người đại diện vốn điều lệ 20% của PVN tại Oceanbank.

Sau đó, PVN đã góp thêm 100 tỷ để duy trì 20% vốn điều lệ tại Ngân hàng Đại Dương, dù luật Tổ chức tín dụng 2010 quy định một cổ động tổ chức không sở hữu quá 15% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng.

Cũng theo tài liệu, dù được HĐTV và thư ký báo cáo việc ban hành Nghị quyết góp vốn không đúng quy định nhưng ông Thăng không chỉ đạo điều hành hoặc thoái vốn.

Cơ quan điều tra xác định, hành vi của ông Đinh La Thăng và đồng phạm đã gây thiệt hại 800 tỷ đồng khoản góp vốn của PVN tại Oceanbank, phạm vào tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", theo Điều 165 Bộ luật Hình sự năm 1999.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại