Ngày mới khởi nghiệp, vì sao ông chọn ngành BĐS khu công nghiệp?
Tôi tốt nghiệp Hàng hải ra trường thì thất nghiệp, không có tiền nên phải đi học thêm Quản trị kinh doanh và Đại học Luật. Nhờ đi học thêm những ngành này, sau thời gian thất nghiệp, tôi được nhận đi làm thủy thủ trên tàu, rồi lên sỹ quan hàng hải.
Hồi đó rất khó đi nước ngoài, cũng nhờ đi tàu, được đi nước ngoài nên biết họ phát triển như thế nào. Tôi học hỏi và thay đổi tư duy rất nhiều.
Sau đó, Luật doanh nghiệp ra đời cho phép mở công ty tư nhân, tôi nghỉ đi tàu và tham gia mở công ty tư nhân do chị tôi mở ra. Ngay từ đầu đã làm Giám đốc.
Lúc đầu, công ty làm dịch vụ tư vấn xin giấy phép đầu tư nước ngoài cho nhà đầu tư nước ngoài. Hồi đó, cấp giấy phép khó lắm, nhà đầu tư nước ngoài không thể tự làm dự án mà nộp được. Nhờ vậy, mối quan hệ với nhà đầu tư nước ngoài tăng lên. Càng làm càng thấy việc họ tự xin đất xây dựng nhà máy hay liên doanh với công ty quốc doanh rất khó khăn.
Lúc đó, ở Tp. Hồ Chí Minh đã có KCN Tân Thuận 1992 rất thành công. Đi đâu người ta cũng nói đến Tân Thuận, nhưng đó chỉ là khu chế xuất dành cho nhà máy xuất khẩu.
Thế là chúng tôi quyết định chọn KCN Tân Tạo để xin đầu tư. Hồi đó, luật pháp chưa đầy đủ nên mô hình KCN Tân Tạo phải xin phép khá phức tạp. Các sáng lập viên quyết định liên doanh giữa tư nhân Việt Nam và công ty quốc doanh Việt Nam, lập nên mô hình Công ty cổ phần vốn nhà nước 30% và 70% của tư nhân.
Cũng rất may, tiếp theo đó, các chính sách về KCN liên tục được ra đời. Từ thủ tục cấp phép đầu tư đến thủ tục cấp đất, cấp giấy phép xây dựng… tất cả đều một cửa ở ban quản lý KCN tại mọi thành phố hay tỉnh.
Nhờ những thuận lợi này nên NĐT trong và ngoài nước lũ lượt kéo đến thuê đất đầu tư. Tân Tạo đã thành công nổi bật, thành điển hình cả nước và là doanh nghiệp đầu tiên cung cấp các dịch vụ miễn phí.
Tôi tốt nghiệp Đại học Luật và có tu nghiệp về Quản trị kinh doanh và Luật ở Úc nên cũng thuận lợi hơn trong việc hỗ trợ cho NĐT, cũng như có các dịch vụ cho NĐT sau khi họ xây dựng xong nhà máy, có dịch vụ hải quan ở ngay trong KCN.
Rồi chúng tôi mời các ngân hàng về mở chi nhánh phòng giao dịch (lúc đó cũng không có nhiều chi nhánh ngân hàng như bây giờ).
Nói chung, tôi thấy mình lựa chọn nghề kinh doanh khu công nghiệp là chính xác, phù hợp năng lực và sở trường của tôi. Sau này, tôi đào tạo ra nhiều lớp lãnh đạo KCN mà họ còn giỏi hơn tôi. Ở Việt Nam, đâu có trường Đại học dạy quản lý KCN.
Sau khi gạt bỏ các lĩnh vực đầu tư ngoài ngành, trở về với ngành cốt lõi, ông cảm thấy thế nào?
Vì thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào, thời kỳ trước cái gì cũng dễ dàng trở thành phong trào, thấy cái gì hay là đâm đầu vào làm, người ta có, mình cũng không muốn thua kém nên việc đầu tư đa ngành khá phổ biến. Chúng tôi cũng không ngoại lệ và sa đà vào đầu tư tràn lan, tham gia từ ngân hàng, nông nghiệp, khai khoáng đến phát điện.
Phần lớn các công ty ôm đồm đa ngành nghề đều gánh hậu quả khôn lường. Chúng tôi vẫn còn may mắn là thoát được. Nhiều doanh nghiệp đã không thoát ra được và không còn hoạt động nữa.
Khi trở về với hoạt động cốt lõi, Kinh Bắc mới khởi sắc trở lại. Đến nay, chúng tôi đã hồi phục hoàn toàn, lành mạnh và minh bạch hơn rất nhiều.
Những năm qua, người ta nói nhiều đến câu chuyện hội nhập quốc tế của Việt Nam trong xu hướng toàn cầu hóa. Là một doanh nhân lớn, khi nhắc đến “hội nhập”, “toàn cầu hóa”, ông nghĩ gì?
Trước kia, khi chúng ta chưa hội nhập quốc tế thì hầu hết các Doanh nghiệp đều rất bỡ ngỡ. Tuy vậy, đến nay tình hình đã khá hơn nhiều. Hội nhập quốc tế hay toàn cầu hóa thường thông qua các hình thức phổ biến là việc Việt Nam ký các Hiệp định thương mại tự do FTA với các nước hoặc với một nhóm nước.
Hội nhập ASEAN cũng là hội nhập khu vực, hội nhập quốc tế… Nó sẽ làm tăng vai trò về kinh tế và chính trị của Việt Nam, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với thách thức, nhưng cơ hội nhiều hơn, giúp doanh nghiệp trưởng thành và vươn ra biển lớn. Tập đoàn Kinh Bắc cũng vậy.
Nhờ hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa mà chúng tôi có cơ hội và nắm bắt được cơ hội thu hút một tỷ trọng lớn lượng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Đồng thời là một lượng xuất khẩu lớn từ các Khu công nghiệp của Kinh Bắc đến các nước trên thế giới.
Nói một cách thẳng thắn, đối với Kinh Bắc, việc hội nhập và toàn cầu hóa là khá thành công.
Một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phát triển Khu công nghiệp như Kinh Bắc có vai trò như thế nào trong câu chuyện hội nhập đó?
Khi hội nhập, chúng ta mở cửa cho dòng vốn nước ngoài, họ cũng mở cửa cho chúng ta vào nước họ. Kinh Bắc là doanh nghiệp xây dựng cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp, chúng tôi đóng vai trò đón dòng đầu tư nước ngoài khi họ vào Việt Nam và đặc biệt hơn, là đón họ từ nhà máy ở nước ngoài hoặc nước thứ 3 để mở rộng và đầu tư vào các khu công nghiệp Việt Nam,
Đối với nhà đầu tư nước ngoài, các công ty phát triển hạ tầng rất quan trọng. Họ đến nước mình, thời gian đầu, nhiều việc đều trông cậy vào sự hỗ trợ và các dịch vụ của công ty phát triển hạ tầng. Nếu công ty phát triển hạ tầng tốt, cung cấp dịch vụ tốt thì họ sẽ yên tâm chọn nơi đó để xây dựng nhà máy.
Trong năm qua, Kinh Bắc đã thu hút hơn 4 tỷ USD đầu tư nước ngoài, chiếm trên 10% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, mà chủ yếu là công nghệ cao, thân thiện môi trường và có giá trị gia tăng sản xuất trong nước đến 50%.
Tôi muốn nói rằng, những vùng đất có điều kiện tốt, thiên thời địa lợi nhân hòa thì các nhà đầu tư sẽ đến nhiều và sẽ góp phần thay đổi, phát triển diện mạo địa phương một cách mạnh mẽ.
Chúng ta phải tận dụng điều đó để biến những vùng đất năng suất thấp, kém hiệu quả thành những nhà máy công nghệ cao thân thiện môi trường, tạo ra nhiều công ăn việc làm và đóng góp nhiều cho quốc gia.
Việc dòng vốn FDI chảy mạnh vào Việt Nam được đánh giá là thuận lợi lớn đối với DN đầu ngành về phát triển Khu công nghiệp như Kinh Bắc. Và có vẻ như các doanh nghiệp hạ tầng chỉ được lợi chứ không gặp khó khăn gì?
Có thể nói, đúng là Kinh Bắc được hưởng lợi rất nhiều. Nhưng nói thế không phải là không khó khăn, không có gì là của tự nhiên trời cho, phần lớn là do nỗ lực của Cán bộ nhân viên công ty cùng với sự ủng hộ rất lớn của Chính quyền địa phương, sự quan tâm của Trung ương thì mới thu hút được những nhà đầu tư rất lớn như Canon, LG..
Khó khăn rất nhiều, ví dụ như về đền bù giải tỏa, kết nối cơ sở hạ tầng với bên ngoài hàng rào Khu công nghiệp, có lúc điện nước không đủ để cung cấp hoặc cung cấp không ổn định, khó khăn về nguồn vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng…
Vốn để đầu tư cho ngành này rất lớn, mà khi xây dựng đầy đủ cơ sở hạ tầng rồi mới giao được đất cho nhà đầu tư và thu tiền thuê đất. Sau đó, lại phải luôn nâng cao dịch vụ KCN để làm hài lòng nhà đầu tư, nếu không thì họ cũng bỏ đi. Lợi bất cập hại!
Xin cảm ơn ông.