Ai cũng nghĩ con cái đại gia "sinh ra đã ngậm thìa vàng", nhưng điều đó có vẻ chưa đúng với ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội đồng sáng lập CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín - TTC Land (mã SCR - HoSE). Trước khi là lãnh đạo TTC Land, ông Đặng Hồng Anh từng khởi nghiệp bằng bán bánh canh, cây kiểng, sắt thép.
Hồi mới về TTC Land khoảng 2004 - 2005, ông chia sẻ "rất áp lực" vì ngoài áp lực từ bố mẹ, đội ngũ cổ đông, cán bộ công ty toàn "người đáng tuổi cha chú" khiến cho ông "không biết xưng hô như thế nào cho phù hợp với cương vị lãnh đạo".
- Khởi nghiệp khi mới 18 tuổi bằng cửa hàng bánh canh với số vốn vỏn vẹn 5 triệu đồng, một thiếu gia là ông khi ấy đã suy nghĩ gì để đi theo con đường riêng mà không phải mía đường hay ngân hàng như ba mẹ?
- Tôi may mắn hơn khá nhiều người khi sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống làm kinh doanh. Nhờ vậy, từ nhỏ, tôi đã được ba mẹ hướng dẫn cho đường đi và hun đúc ngọn lửa kinh doanh. Ba mẹ luôn chỉ bảo anh em tôi từ những điều nhỏ nhặt, đơn giản nhất.
Việc mở quán bánh canh cá vào thời ấy là ý của ba (ông Đặng Văn Thành - PV). Ba muốn tôi biết kiếm tiền khó như thế nào và thật sự bản thân tôi cũng muốn trải nghiệm cảm giác kiếm tiền ra sao. Tô bánh canh có giá 6.000, 8.000, 12.000 đồng tôi phải trực tiếp bưng bê phục vụ.
Khách kêu bỏ hành chạy đi lấy hành, khách yêu cầu ớt phải chạy đi lấy ớt, phải biết phục vụ khách cho vừa lòng, biết đưa tiền, thối tiền lại cho khách… lời chẳng bao nhiêu nhưng công sức bỏ ra thì rất nhiều.
Sau này, tôi mới hiểu ba mong muốn tôi làm từ những công việc nhỏ nhất, để thấy rằng “xài tiền mà không do mình kiếm ra sẽ khác với đồng tiền mình tự làm ra”.
Kiếm được 6.000 đồng đã phải khó khăn và thử thách như vậy thì mình mới biết trân trọng, không nên phung phí. Chính những ngày tháng với công việc không ngại khó khăn đã giúp tôi tích lũy phần nào trải nghiệm và đức tính cần thiết cho công việc sau này.
Khi mới về TTC Land, tôi đã rất áp lực
- Sau khởi nghiệp với bánh canh, ông đã trải qua các công việc nào khác? Điều gì là thử thách khi qua các mảng kinh doanh mới?
- Sau khi khởi nghiệp với bánh canh, tôi tiếp tục chuyển sang bán cây kiểng và sắt thép. Sau đó, 21 tuổi, tôi chính thức vào công ty ba mẹ làm. Ban đầu chỉ phụ ba mẹ những việc nhỏ, chủ yếu là lấy công cho ba mẹ nhìn thấy thôi, còn chưa áp lực gì về tài chính hay hiệu quả của công ty.
Đến năm 2004 - 2005, tôi chính thức nhận chức Tổng giám đốc CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín, khi ấy mới là thời điểm thực sự áp lực. Đội ngũ cán bộ, cổ đông của công ty toàn người đáng tuổi cha chú. Đứng trước họ, tôi không biết xưng hô như thế nào cho phù hợp với cương vị người lãnh đạo.
Áp lực lớn nhất vẫn là sự kỳ vọng của ba mẹ dành cho mình. Nếu mình không làm được thì bao nhiêu tâm huyết của ba mẹ huấn luyện mình từ nhỏ xem như bằng số 0. Nhưng, khó khăn nhất khi ấy đó là lĩnh vực bất động sản là mảng hoàn toàn mới với ngành nghề của gia đình (ba làm ngân hàng, mẹ mía đường), nên tôi phải vừa học hỏi vừa làm.
- Có khi nào trong lúc khó khăn, ông nghĩ mình sẽ bỏ cuộc hoặc tìm một con đường khác? Những bài học nào vào thời điểm đó giúp ông trưởng thành hơn?
- Đó là thời điểm "bong bóng" bất động sản nóng sốt đã đạt đỉnh năm 2007. Rồi sau đó, thị trường bất động sản bị khủng hoảng, suy thoái, đóng băng - nặng nề nhất là từ đầu năm 2008 đến giữa năm 2009.
Giai đoạn này tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế, các doanh nghiệp, hệ thống ngân hàng, các nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp, người tiêu dùng và đội ngũ công nhân, lao động...
Khi ấy, TTC Land (tiền thân là Sacomreal) cũng không nằm ngoài vòng xoáy. Tôi phải cùng các cộng sự suy nghĩ, đề xuất những chiến lược để giúp công ty vượt qua những khó khăn chung của ngành và phát triển, khẳng định thương hiệu trong lĩnh vực bất động sản như ngày nay.
Tôi sẽ phụ trách năng lượng và bất động sản, em gái làm mía đường
- TTC Group đang tập trung nhiều vào mía đường, bất động sản bên cạnh các ngành nghề kinh doanh khác. Nói tới mía đường, người kế nghiệp là em gái ông - bà Đặng Huỳnh Ức My, về phần mình ông có nghĩ tới kế hoạch kế nghiệp ra sao?
- Tập đoàn TTC với gần 40 năm hình thành và phát triển, hoạt động trong 5 lĩnh vực trọng tâm là bất động sản - năng lượng - nông nghiệp - giáo dục - du lịch.
Lĩnh vực mía đường là do em gái tôi phụ trách chính. Còn tôi thì phụ trách lĩnh vực năng lượng và bất động sản trong tập đoàn. Hiện tôi giữ vai trò là Chủ tịch hội đồng sáng lập của TTC Land.
Đây là công ty hoạt động trong các nhóm ngành như BĐS du lịch - nghỉ dưỡng, BĐS thương mại - cho thuê, BĐS khu công nghiệp - logictis và các dịch vụ BĐS khác, bên cạnh các dự án BĐS dân dụng vốn là thế mạnh của TTC Land.
- Để có kiến thức trải qua nhiều ngành nghề, chắc hẳn ông đã thừa hưởng sự giáo dục khá bài bản từ gia đình. Ba mẹ có ảnh hưởng như thế nào tới suy nghĩ và hành động của ông? Từ bé, ông đã được đào tạo như thế nào?
- Ba mẹ tôi luôn cổ vũ và động viên tinh thần, cho tôi những lời khuyên và trải nghiệm quý giá trong tất cả hoạt động kinh doanh.
Với bản thân tôi, tài sản đáng quý và cũng là may mắn mà tôi được thừa hưởng đó là những trải nghiệm từ ba - doanh nhân Đặng Văn Thành và mẹ - bà Huỳnh Bích Ngọc. Ba luôn xem tôi như một người bạn, đồng nghiệp.
Chính những trải nghiệm của ba đã giúp cho tôi có những quyết định sáng suốt, trong những thời điểm quan trọng nhất, mang tính đột phá, tồn tại hay không tồn tại trên thương trường.
Tôi luôn coi ba như một thần tượng, người thầy lớn, người bạn thân nhất của đời mình. Những cuộc trò chuyện với ba giúp tôi luôn có những bài học quý báu.
Còn mẹ, bà Huỳnh Bích Ngọc là người tỉ mỉ, sâu sắc, chu toàn với gia đình cũng như trong công việc kinh doanh. Có thể nói, thành công của tôi là nhờ phần lớn sự kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa gia đình và những đức tính học hỏi từ ba mẹ.
Start up theo phong trào, thích thì làm sớm muộn cũng thất bại
- Hiện tại, ông lại bắt tay vào khởi nghiệp với một dự án về y tế. Cùng với đó, ông tham gia "ghế nóng" Shark Tank. Vì sao ông lại chọn lĩnh vực này?
- Tôi bắt đầu xây dựng DHA Medic từ năm 2017. Đây là hệ thống phòng khám đa khoa - mô hình y tế mới, thí điểm xã hội hóa y tế tuyến cơ sở đầu tiên của Việt Nam, liên chuyên khoa, bác sĩ gia đình, mang đến dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người dân theo chuẩn mực mới hiện đại, gần gũi, tận tâm, góp phần đưa dịch vụ y tế tốt đến gần người dân địa phương.
Hệ thống phòng khám phục vụ được nhiều người dân không chỉ trong việc khám chữa bệnh, mà còn đẩy mạnh ý thức tầm soát, phòng bệnh trong cộng đồng, giảm thiểu phần nào tình trạng quá tải hiện nay tại các bệnh viện tuyến trên.
Tôi kỳ vọng hệ thống phòng khám này sẽ chăm sóc người bệnh với phương châm “Chăm sóc như người thân”.
- Sở dĩ tôi quan tâm đến lĩnh vực mới như vậy vì tôi đã cảm nhận thực tế tình trạng quá tải tại bệnh viện.
Điều này đã làm tôi nảy ý tưởng nâng cấp các trạm y tế phường. Phường nào cũng có trạm y tế mà không được đầu tư, nên khi đầu tư bài bản lại, truyền thông tin đến các địa phương để người dân đến các trạm y tế, giảm tải cho bệnh viện.
- Theo ông, điều gì là cần thiết với những người trẻ khởi nghiệp? Khi tiếp xúc với các bạn trẻ làm startup, ông nhìn thấy họ có điều gì thiếu sót? Hoặc một vài điểm nào đó ông cảm thấy có thể học hỏi?
- Trong khởi nghiệp, theo tôi, vấn đề ý tưởng, sản phẩm độc đáo đưa ra thị trường dễ có sức hút hơn với những mặt hàng quen thuộc, người tiêu dùng đã biết đến. Đó là lý do vì sao start-up đi sau càng khó thành công hơn những người đi trước.
Tuy nhiên, người trẻ lại có những lợi thế đó là bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm, nhiệt huyết, táo bạo… Đây cũng chính là những ưu điểm khi khởi nghiệp.
Nhưng song song đó, tôi cũng thấy không ít bạn trẻ còn khá mơ hồ về khởi nghiệp, cứ nghĩ đơn giản rằng có vốn và ý tưởng là bắt đầu được. Nhưng thật sự khởi nghiệp phải đi đôi với sáng tạo, công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật...
Đặc tính cơ bản của khởi nghiệp là tính đột phá nhằm tạo ra một điều gì đấy chưa hề có trên thị trường hoặc tạo ra một giá trị tốt hơn so với những thứ đang có sẵn thì mới mong làm giàu cho đất nước, cho bản thân; còn nếu khởi nghiệp theo kiểu “phong trào”, “thích thì làm” hoặc sao chép ý tưởng thì thất bại chỉ là chuyện sớm hay muộn.
Tôi muốn chia sẻ với các bạn rằng, thương trường có hàng triệu thế trận, không thể nào biết hết được. Chúng ta suy nghĩ, quyết định cứ tưởng là đúng nhưng có khi vẫn lặp lại những cái sai của ngày hôm qua, hôm kia.
Mình biết vậy nên phải chịu khó, kiên nhẫn và phấn đấu rèn luyện không ngừng. Sau mỗi chặng đường, tạo thêm sức mạnh cho mình.
- Trong vòng 5 năm tới đây, ông có dự định gì với các dự án khởi nghiệp của mình?
- Tôi sẽ tiếp tục đầu tư và chú trọng hoạt động của DHA Medic, vì đây chính là tâm huyết của tôi muốn dành đến cho cộng đồng. Đồng thời, tôi vẫn sẽ tập trung phát triển 2 lĩnh vực nền tảng của tập đoàn đang phụ trách chính đó là bất động sản và năng lượng.