Tháng 6 năm 2014, một ông cụ 93 tuổi đầu tóc điểm bạc, run rẩy bước vào đồn cảnh sát huyện Hoạt, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, để báo án. Cán bộ thấy ông cụ già yếu thì ân cần đón tiếp, thăm hỏi.
Qua trao đổi, ông cụ này cho biết mấy hôm trước, sau khi đi làm về, ông phát hiện 18.000 NDT (hơn 64 triệu đồng) vất vả tích góp được đã “không cánh mà bay”. Vì nghi ngờ số tiền trên đã bị kẻ xấu lấy mất, ông cụ chỉ còn cách nhờ cảnh sát giúp đỡ. Vừa nói, ông cụ này vừa khóc, người run rẩy. Cảnh sát khi biết tin thì an ủi ông cụ và mở cuộc điều tra.
Cứ tưởng đây là một vụ án nhỏ, thế nhưng khi biết được danh tính của ông cụ, phía cảnh sát đã không khỏi ngỡ ngàng, lập tức báo cáo sự việc lên cấp trên. Thậm chí, Chính phủ Trung Quốc ngay khi biết chuyện cũng đã vào cuộc giúp đỡ ông cụ này.
Vậy ông cụ trên là ai? Tại sao vụ trộm thông thường này lại gây ra chấn động lớn như vậy?
Cảnh sát cho biết, ông cụ lớn tuổi này tên là Tề Tu Thể, sinh năm 1922, sống ở huyện Hoạt, tỉnh Hà Nam. Gia đình ông thuộc diện khó khăn, vợ mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối còn 3 người con đã lập gia đình đều ở xa, không có điều kiện để hỗ trợ cho cha mẹ. Cứ thế, mọi chi tiêu của 2 vợ chồng già đều phụ thuộc vào đồng tiền ít ỏi từ việc nhặt phế liệu của ông Tề.
Tuy nhiên, thân phận của ông cụ này không đơn giản như vậy. Sau khi cảnh sát tiến hành lấy lời khai, họ đã phát hiện ra bí mật được che dấu bao lâu nay của ông cụ 93 tuổi này.
Theo đó, ông Tề thực chất là một cựu chiến binh, có nhiều đóng góp cho công cuộc giải phóng dân tộc vào những năm 1940. Sau nhiều năm chiến đấu ở chiến trường, ông Tề bị thương nặng nên xuất ngũ rồi tha hương tìm việc làm. Sau này khi đã có gia đình và lớn tuổi, ông Tề cùng vợ trở về quê nhà năm 1980 để ổn định cuộc sống.
Hòa bình lập lại, chính phủ Trung Quốc có những chính sách để hỗ trợ và bày tỏ sự biết ơn đối với những người có công với cách mạng. Tuy nhiên, vì một số lý do cá nhân cùng những ký ức đau buồn trong quá khứ, ông Tề quyết định che giấu thân phận của mình. Đó cũng là lý do khiến ông cụ không nhận được trợ cấp của chính phủ.
Không những thế, vì những dấu tích của chiến tranh vẫn còn trong cơ thể, ông Tề không thể đi làm nên cuộc sống của vợ chồng ông rất khổ cực, phải đi nhặt rác kiếm sống qua ngày. Vất vả mãi, cả hai mới tích góp được 18.000 NDT làm của ăn của để thì lại bị kẻ trộm lấy mất.
Lúc đầu, ông Tề không có ý định báo cảnh sát vì sợ lộ thân phận. Thế nhưng số tiền 18.000 NDT là tiền cứu mạng người vợ đang bị bệnh hiểm nghèo nên ông cụ vẫn chọn nhờ cảnh sát giúp đỡ.
Biết tin ông Tề là anh hùng có công với đất nước, cảnh sát thụ lý vụ án đã báo cáo sự việc với chính quyền tỉnh Hà Nam. Vụ án mất tiền cũng được điều tra, tuy nhiên cảnh sát không tìm được thủ phạm cũng như số tiền đã bị lấy trộm. Dẫu vậy, ngay khi nhận được tin này, chính phủ Trung Quốc đã lập tức cử đoàn cán bộ lái ô tô đến tận nhà ông Tề để thăm hỏi và động viên.
Thấy hoàn cảnh của vợ chồng ông Tề hết sức khó khăn, chính phủ đã ra quyết định có những khoản trợ cấp nhằm giúp gia đình ông cụ nâng cao chất lượng cuộc sống. Không những vậy, câu chuyện của ông Tề khi được chia sẻ trên truyền hình và mạng xã hội đã thu hút sự chú ý của dư luận. Từ đó, họ còn nhận được một khoản tiền hỗ trợ trị giá 23.000 NDT (hơn 80 triệu đồng) từ một số mạnh thường quân.
Tuy nhiên, dù được chính phủ và cộng đồng giúp đỡ, vợ của ông Tề vẫn qua đời vì bệnh hiểm nghèo. Có lẽ, nếu không phải vì cứu người vợ của mình thì cả đời này, ông Tề cũng sẽ không bao giờ tiết lộ bí mật của mình. Sau khi nhận được những sự quan tâm về vật chất lẫn tinh thần từ chính phủ và cộng đồng, ông Tề đã rơi nước mắt vì xúc động. Ông cụ cũng không quên gửi lời cảm ơn tới những người đã giúp đỡ và ghi nhận đóng góp ông trong quá khứ.
Qua câu chuyện này có thể thấy rằng những truyền thống tốt đẹp như hoạt động tri ân, đền đáp công ơn của những người đã có công với tổ quốc vẫn được gìn giữ và phát huy trong cộng đồng. Đây là điều có ý nghĩa rất to lớn và là truyền thống tốt đẹp cần được lan tỏa, lưu giữ và tiếp nối đến những thế hệ mai sau.
(Theo 163.com)