Ông cụ dùng bảo hiểm nhân thọ vay hơn 227 triệu đồng rồi đem tiền gửi tiết kiệm để kiếm lời, sau 1 năm bỗng được thông báo: “Khoản tiền gửi của ông không tồn tại”

Ánh Lê |

Đặt niềm tin sai chỗ, ông cụ Trung Quốc vừa mất tiền, vừa phải gánh nợ.

Vào tháng 3 năm 2023, ông Lưu ở Lai Tây, Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, nhận được tin nhắn thoại WeChat từ Lý Hải Dương - nhân viên của một công ty bảo hiểm trên địa bàn. Trước đó vào năm 2022, người này đã từng giúp ông Lưu mua một gói bảo hiểm nhân thọ. Để tiện chăm sóc khách hàng, anh Lý đã chủ động kết bạn Wechat với ông Lưu và thường xuyên trao đổi qua nền tảng trên.                                                        

Trong tin nhắn thoại gửi ông cụ, nhân viên này cho biết công ty bảo hiểm hiện đang có                                         1 loại “tài khoản vạn năng” - loại tài khoản thiết lập cho cá nhân, tiền trong tài khoản này có thể rút linh hoạt, được hưởng lãi cao, và nhiều quyền lợi hấp dẫn khác. Anh Lý khuyên ông Lưu nên gửi tiền vào tài khoản này để tiết kiệm và hưởng mức lãi cao. Ông Lưu nghe vậy thì rất muốn tham gia. Tuy nhiên lúc đó, ông cụ này lại không có sẵn tiền nên đành từ chối thiện ý của anh Lý. 

Lý Hải Dương thấy vậy liền khuyên ông Lưu nên dùng bảo hiểm nhân thọ để vay tiền với lãi suất ưu đãi rồi gửi khoản tiền đó vào “tài khoản vạn năng” để kiếm lời trước. Sau khi thu lãi, ông Lưu có thể trả khoản vay kia và ăn phần tiền chênh lệch. Theo đó, vay tiền bằng bảo hiểm nhân thọ là hình thức vay vốn không cần thế chấp tài sản hay còn gọi là vay tín chấp. Các tổ chức tài chính sẽ xét điều kiện vay vốn của khách hàng dựa vào các loại hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đã mua có hiệu lực từ 1 năm trở lên. Người muốn vay tiền chỉ cần cung cấp hợp đồng bảo hiểm nhân thọ được tạo lập hợp pháp, do bản thân đứng tên là có thể dễ dàng được hỗ trợ vay trả góp.

Trước gợi ý của nhân viên họ Lý, ông Lưu ban đầu còn phân vân nhưng sau đó đã đồng ý làm theo. Dưới sự giúp đỡ của anh Lý, ông Lưu đã vay thành công số tiền 64.000 NDT (hơn 227 triệu đồng). Nhận được tiền, ông Lưu xin thông tin “tài khoản vạn năng” của công ty bảo hiểm để gửi tiền nhưng Lý Hải Dương lại gửi cho ông số tài khoản ngân hàng của mình. Khi ông Lưu hỏi, người này liền giải thích rằng anh sẽ giúp ông Lưu chuyển số tiền đó vào “tài khoản vạn năng” vì tài khoản đó chỉ dành cho nhân viên của công ty bảo hiểm. 

Không chút nghi ngờ, ông Lưu đã chuyển 64.000 NDT vào tài khoản của anh Lý. Đối phương cũng khẳng định rằng ông Lưu có thể nhận được tiền lãi sau một năm gửi tiền.

Khoảng 6 tháng sau, ông Lưu bất ngờ nhận được tin nhắn nhắc trả nợ của bên cho vay nên vội liên hệ với anh Lý để tìm cách giải quyết. Anh Lý cho biết tin nhắn trên chỉ là sự cố hệ thống và dặn ông Lưu không cần phải lo lắng. Để xoa dịu ông cụ này, Lý Hải Dương còn sẵn sàng ứng trước một phần tiền lãi và chuyển vào thẻ ngân hàng của ông Lưu.

 - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Internet

Vào tháng 3 năm 2024, ông Lưu tiếp tục nhận được tin nhắn yêu cầu trả tiền từ bên cho vay. Khi cố gắng liên hệ lại với nhân viên họ Lý bằng WeChat, ông phát hiện tài khoản của mình đã bị đối phương chặn. Không hiểu chuyện gì đang xảy ra, ông Lưu vội vàng gọi điện cho công ty bảo hiểm để hỏi thăm thì được thông báo rằng nhân viên Lý Hải Dương đã nghỉ việc từ lâu. Không những thế, ông Lưu càng sốc hơn khi biết tin công ty họ không hề có “tài khoản vạn năng” như anh Lý đã đề cập. Điều đó cũng có nghĩa là số tiền mà ông Lưu gửi tiết kiệm vào tài khoản này cũng không tồn tại. 

Lúc này, ông Lưu mới nhận ra mình bị lừa nên trình báo sự việc với cảnh sát địa phương. Trên thực tế, vào thời điểm này, Lý Hải Dương cũng đã bị Sở Công an thành phố Lai Tây bắt giữ hình sự vì nghi ngờ lừa đảo.

Qua thẩm tra, đối tượng này thú nhận đã thực hiện nhiều vụ lừa đảo để có tiền trả nợ cờ bạc. Theo đó, vào tháng 4 năm 2022, Lý Hải Dương đã chủ động xin nghỉ việc ở công ty bảo hiểm vì bị phát hiện đã lừa gạt phí bảo hiểm của khách hàng. Sau đó, anh ta đi làm ở một công ty khác nhưng vì thu nhập không tốt nên lại tìm đến trò đỏ đen với hy vọng đổi đời. Đối tượng này thú nhận đã từng dốc hơn 1 triệu NDT (hơn 3,5 tỷ đồng) vào cờ bạc trực tuyến và mất trắng.

Nợ nần chồng chất, Lý Hải Dương để có tiền trả nợ đã giấu chuyện bản thân đã nghỉ việc và tiếp tục “làm kinh doanh” với tư cách nhân viên công ty bảo hiểm. Với những “con mồi” của mình, người đàn ông này đã bịa đặt việc công ty bảo hiểm cung cấp loại “tài khoản vạn năng” rồi dụ dỗ khách hàng gửi tiền để kiếm lời. Trong trường hợp khách hàng không có sẵn tiền như ông Lưu, anh ta sẽ hướng dẫn họ dùng hợp đồng bảo hiểm để vay tiền bên ngoài rồi gửi số tiền vay được vào “tài khoản vạn năng” đã bịa ra để giúp họ hưởng tiền chênh lệch.

Với thủ đoạn trên, trong vòng một năm rưỡi kể từ tháng 6 năm 2022, Lý Hải Dương đã thực hiện hành vi lừa gạt 14 nạn nhân, thu về số tiền hơn 643.000 NDT (hơn 2,2 tỷ đồng). Một phần số tiền này được anh ta nạp vào tài khoản đánh bạc trực tuyến, phần còn lại dùng để trả các khoản nợ trước đó. Vào tháng 12 năm 2023, sau khi bị một vài người tố cáo, Lý Hải Dương đã bị Công an thành phố  Lai Tây bắt giữ hình sự và bị Viện kiểm sát nhân dân thành phố Lai Tây khởi tố về tội lừa đảo. Đến ngày 29/9/2024, tòa án tuyên phạt Lý Hải Dương 10 năm 2 tháng tù và phạt 56.000 NDT (gần 200 triệu đồng).

Về phía ông Lưu, vì đối tượng họ Lý không có khả năng hoàn trả khoản tiền trên nên ông cụ này vừa mất tiền, vừa phải trả khoản vay trước đó. Câu chuyện của ông Lưu cũng là bài học cảnh tỉnh cho nhiều người. Để tránh rơi vào những trường hợp tương tự, công an thành phố Lai Tây khuyên người dân nên tìm hiểu và kiểm tra thật kỹ các thông tin, đặc biệt là về sản phẩm tài chính mà mình sẽ sử dụng. Đồng thời cần đề cao cảnh giác trước những lời chào mời lãi suất cao bất thường từ phía các cá nhân tự nhận là nhân viên các đơn vị tài chính để tránh bị lợi dụng hoặc sập bẫy lừa đảo.

(Theo 163.com)

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại