Mới đây, thông tin nền tảng Zalo chính thức ra mắt gói dịch vụ trả phí dành cho doanh nghiệp đã khiến nhiều người dùng cho rằng ứng dụng này có thể sẽ thực hiện thu phí người dùng cá nhân trong tương lai gần.
Cụ thể, ngày 22/6, Zalo đã cho triển khai Gói dịch vụ trả phí với Zalo OA doanh nghiệp (Official Account). Theo đó, ngoài các loại tài khoản OA miễn phí dành cho bất kỳ doanh nghiệp, thương hiệu, hộ kinh doanh muốn tạo tài khoản OA xác thực để trải nghiệm các tính năng, dịch vụ cơ bản của Zalo OA, nền tảng này sẽ triển khai thêm các loại tài khoản OA xác thực có trả phí.
Theo đó, ngoài gói cơ bản (miễn phí) như đã nêu, Zalo sẽ có thêm 3 gói trả phí gồm gói dùng thử (10.000 đồng), nâng cao (59.000 đồng) và Premium (399.000 đồng) cho mỗi tháng. Tùy thuộc vào từng gói dịch vụ, Zalo sẽ trang bị thêm các tính năng hỗ trợ cho doanh nghiệp, ví dụ khả năng nhận diện thương hiệu, tính năng Chatbot, lượt tương tác nâng cao hay tích hợp API...
Trước chính sách mới, nhiều ý kiến cho rằng Zalo có thể sẽ thu phí người dùng cá nhân trong tương lai gần, không còn duy trì việc sử dụng miễn phí như hiện tại.
Tại Việt Nam, Zalo hiện vẫn duy trì vị thế ứng dụng nhắn tin hàng đầu với hơn 70 triệu người dùng. Trong năm 2021, 620 tỷ tin nhắn và có 52 tỷ phút gọi video được thực hiện qua Zalo. Hay theo báo cáo của Desicion Labs, trong quý I/2022, khoảng 24% người dùng ưu tiên Zalo như là phương tiện liên lạc phổ biến.
Có thể thấy, với việc trở nên quen thuộc với cuộc sống của một bộ phận lớn dân số, kể cả khi tiến hành thu phí, người dùng cũng sẽ rất khó khăn trước quyết định "chia tay" Zalo. Do đó, giới chuyên môn cho rằng VNG đang khảo sát phản ứng của người dùng trước để tính toán cho việc nếu Zalo tiến hành thu phí cá nhân cũng không gây ra làn sóng tranh cãi quá lớn.
Nếu thành công, VNG có thể kiếm về doanh thu, tái đầu tư cho Zalo cũng như tạo ra lợi nhuận.
Zalo được phát triển và phát hành bởi công ty cổ phần VNG. VNG ra mắt Zalo lần đầu tiên vào tháng 8/2012 (bản thử nghiệm) và 4 tháng sau ra bản chính thức.
VNG xuất thân là một công ty chuyên phát hành game online và hiện đây vẫn là nguồn thu chính của doanh nghiệp này. Những năm gần đây, VNG đã đầu tư sang nhiều mảng kinh doanh mới như ứng dụng Zalo, thanh toán, thương mại điện tử, quảng cáo, điện toán đám mây...
Dù đầu tư mạnh cho các mảng khác nhưng phần lớn doanh thu của VNG hiện vẫn đến từ game online. Mảng kinh doanh game mang về gần 6.200 tỷ đồng trong năm 2021, tăng 30% so với năm trước và chiếm tới 80% tổng doanh thu.
Tính chung cả năm 2021, VNG ghi nhận doanh thu đạt 7.651 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ. Song, khác với năm 2020 khi lãi sau thuế đạt 201 tỷ đồng thì VNG báo lỗ 71 tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 414 tỷ đồng, song lỗ sau thuế cổ đông không kiểm soát là 485 tỷ đồng có thể do khoản đầu tư vào ZaloPay.
Hiện VNG đang nắm giữ 62,32% cổ phần của CTCP Zion - công ty sở hữu ZaloPay. Gần như toàn bộ phần lỗ của cổ đông không kiểm soát (485 tỷ đồng) tương ứng với 40% mức lỗ trong năm 2021 của Zion. Như vậy, trong năm 2021, Zion đã lỗ khoảng hơn 1.200 tỷ đồng.
Đáng chú ý, mảng dịch vụ quảng cáo trực tuyến của VNG năm 2021 đem về 1.001 tỷ đồng doanh thu, tăng 18 tỷ đồng so với năm trước đó. Đây là lần đầu tiên mảng kinh doanh lớn thứ 2 của VNG vượt mốc 1.000 tỷ. Hiện VNG vận hành nền tảng OTT Zalo, hệ sinh thái mạng xã hội giải trí Zing (Zing TV, Zing MP3, Zing News), Báo Mới…phần lớn đều luôn nằm trong top những website được truy cập nhiều nhất Việt Nam.
Kết thúc năm 2021, tổng tài sản của VNG tăng 18% lên 9.278 tỷ đồng. Tổng lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng của công ty là 4.930 tỷ đồng, chiếm 53% cơ cấu tài sản.
Năm 2022, VNG lên kế hoạch đạt gần 10.200 tỷ đồng doanh thu. Đây là con số cao nhất từ trước tới nay, tăng hơn 33% so với doanh thu thực tế năm trước.
Trong khi doanh thu có thể tăng kỷ lục, lợi nhuận sau thuế lại dự kiến âm 993 tỷ đồng. Đây là năm thứ ba liên tiếp doanh nghiệp này đề ra kế hoạch kinh doanh đi lùi. Nhưng thực tế trong hai năm trước, công ty chủ quản Zalo không lỗ đậm như mục tiêu đặt ra.
Trước đó vào tháng 8/2021, Bloomberg đưa tin VNG - một trong hai kỳ lân công nghệ của Việt Nam cùng với VNLIFE thời điểm đó cân nhắc việc niêm yết cổ phiếu tại Mỹ thông qua sáp nhập với một SPAC. Thương vụ này có thể định giá VNG ở mức 2 – 3 tỷ USD. Theo Bloomberg, kỳ lân đầu tiên của Việt Nam này đã có kế hoạch niêm yết trên Nasdaq từ năm 2017.
Ngoài ra trong tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, VNG cũng công bố VNG Limited (pháp nhân có trụ sở tại Cayman Island) dự kiến sẽ nhận chuyển nhượng 47,359% tổng số cổ phần của VNG từ 13 cổ đông nước ngoài. Động thái này được cho là tạo bước đệm để VNG tiến gần hơn đến cột mốc chào bán cổ phiếu ra công chúng.
Về tình hình đầu tư, danh mục đầu tư startup của VNG hiện khá phong phú, gồm có Day One JSC (đơn vị chủ quản giải pháp quà tặng Got It), trang thương mại điện tử Tiki, Telio, Haegin, Ecotruck liên quan đến giải pháp vận tải và Dorocat sản xuất trò chơi.
Ngoài ra đầu năm nay, VNG vừa đầu tư 22,5 triệu USD vào Funding Societies (hoạt động với tên gọi Modalku tại Indonesia) - nền tảng tài trợ vốn kỹ thuật số cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) lớn nhất Đông Nam Á. Vào tháng 2/2022, VNG cũng đã bắt tay với Do Ventures rót 7 triệu USD vào nền tảng TMĐT xuyên biên giới OpenCommerce Group.