Nằm dưới con đê Hữu Hồng, trang trại M.E Farm của anh Lê Đức Cảnh cách trung tâm thành phố khoảng chừng 30 phút lái xe. Ấn tượng đầu tiên khi đến với trang trại này không phải các con thú, khu cắm trại hay hồ nuôi cá điều hoà, mà lẽ là xưởng nuôi cua của anh Cảnh. Hơn 2.000 chú cua cốm tại đây đều sống trong những chiếc hộp nhựa, hay gọi vui, là "chung cư mini có đánh số nhà".
Mô hình độc đáo với hệ thống lọc tuần hoàn khép kín đã khiến cái tên Lê Đức Cảnh nổi lên trong giới khởi nghiệp, khi anh được biết đến là người đầu tiên tại miền Bắc đưa cua vào phố.
Câu chuyện hôm nay xoay quanh ý tưởng khởi nghiệp, bài toán kinh doanh cũng như ý nghĩa đặc biệt của loại hình nông nghiệp công nghệ cao này.
Cơ duyên nào khiến anh nảy ra ý tưởng nuôi cua biển trong hộp nhựa đầu tiên tại Hà Nội?
Ban đầu, trang trại làm nông nghiệp hữu cơ của anh gặp nhiều khó khăn. Chúng bị ảnh hưởng rất nhiều bởi yếu tố bên ngoài, chẳng hạn như khí hậu, dịch bệnh… Chính vì vậy, anh mong muốn tìm ra hướng đi mới để giúp trang trại hoạt động hiệu quả.
Tình cờ, anh biết đến mô hình nuôi cua hộp nhựa từ Malaysia. Sau khi tìm hiểu, anh nhận ra mình có thể nuôi cua ở khu vực không hề gần biển chút nào. Ý tưởng mang mô hình độc đáo về Hà Nội ra đời từ đó.
Bản thân anh đã có sẵn trang trại 7 hecta - một lợi thế khá lớn. Anh bắt đầu cho xây dựng hệ thống vào tháng 12/2021 và giai đoạn 1 chỉ thử nghiệm 1000 hộp. Hiện tại, xưởng đã chuyển qua giai đoạn 2 và cho doanh thu hàng tháng rất khả quan.
Nuôi cua trong nhà là điều không hề dễ. Làm thế nào để có thể tạo một môi trường giống hệt như ngoài tự nhiên?
"Trái tim" của mô hình nuôi cua hộp nhựa nằm ở hệ thống lọc nước tuần hoàn sử dụng công nghệ vi sinh. Thức ăn thừa và chất thải của cua sẽ đi qua hệ thống lọc thô, sau đó tới bể vi sinh chứa vô số hạt kaldnes (san hô nhân tạo) - nơi các vi sinh có lợi có thể bám lên bề mặt và sống tốt. Chúng có nhiệm vụ ăn chất thải của cua còn sót lại sau quá trình lọc thô, tạo thành mùn lắng xuống. Nước sạch sau đó tiếp tục đi qua hệ thống đèn UV như "mặt trời thu nhỏ" - nơi 99% vi khuẩn nấm, bệnh… bị tiêu diệt.
Hệ thống lọc đặc biệt này mô phỏng lại quá trình lọc trong tự nhiên, nên về lý thuyết, anh ít khi phải thay nước. Thường 1 năm anh sẽ thay 30% nước để thêm khoáng. Toàn bộ nước sẽ được nhập từ Hạ Long.
Vì sao mỗi hộp chỉ nuôi 1 con cua duy nhất và được đánh số ký hiệu?
Anh đang nuôi cua trong từng hộp một, gọi vui như sống ở "chung cư mini". Tại sao phải như vậy? Thứ nhất, cua là động vật ăn tạp, thậm chí ăn thịt lẫn nhau. Phải nuôi từng hộp riêng lẻ để tránh trường hợp hai xảy ra.
Thứ hai, đánh số như thế này giúp anh và các bạn kỹ sư kiểm soát tốt chất lượng từng con cua. Mỗi ngày, bọn anh sẽ đi kiểm tra 4-5 lần, trong đó 1 lần kiểm tra sức khỏe, 1-2 lần cho ăn và 1 lần dọn vệ sinh. Thông tin từng con sẽ được ghi lại trên bảng, một phần cũng để theo dõi quá trình lột vỏ.
Việc duy trì ổn định độ mặn, độ pH và nhiệt độ nước diễn ra như thế nào?
Cua sẽ hoạt động kém nếu nhiệt độ xuống dưới 20 độ C. Ở 10 độ C, cua sẽ chết. Chính vì vậy, miền Bắc mùa đông khó nuôi cua. Giá cua dịp Tết có thể tăng gấp 2-3 lần bình thường. Nuôi cua trong hộp nhựa trong nhà theo đó có rất nhiều lợi thế vì anh kiểm soát được nhiệt độ của nước. Chỉ cần bật máy gia nhiệt, nước lúc nào cũng ổn định và đủ ấm.
Nước trong hệ thống sẽ hao vì bốc hơi, qua đó làm tăng độ mặn. Khi độ mặn tăng, anh phải bổ sung nước mưa để dung hòa. Thường các bạn kỹ sư sẽ kiểm tra thường xuyên pH, độ mặn và các loại khí gây ô nhiễm cho nước như NO2, NO3, NH4 để môi trường sống cho cua được đảm bảo nhất.
Chọn con giống là một trong những yếu tố quyết định sự thành bại. Tiêu chuẩn M.E Farm đặt ra cho những chú cua giống của mình là gì?
Giống cua bắt buộc phải đến từ những vùng tươi ngon, cụ thể là Cà Mau. Giống cũng phải khỏe, không bệnh, không nấm và được xử lý cẩn thận trước khi đưa vào hệ thống. Nguồn nước được bọn anh kiểm soát rất chặt và dọn dẹp thường xuyên. Kim loại nặng như thủy ngân hoặc các chất gây ô nhiễm môi trường nước theo đó gần như bằng 0.
Cua là động vật ăn tạp, ăn bất kể thứ gì, từ rác, rong, rêu. Mô hình nuôi trong hộp nhựa sẽ tránh được điều này, bởi nguồn thức ăn luôn được đảm bảo, thậm chí bọn anh tự nuôi ốc làm thức ăn cho cua. Mùa lạnh ốc hiếm, nên anh sẽ nhập cá và ốc từ nơi khác về. Trước khi cua ăn, chúng sẽ được rửa sạch và khử khuẩn kỹ càng.
Mất bao lâu để cua lớn và đạt giá trị dinh dưỡng cao nhất?
Cua của anh rơi vào khoảng 200-250 gram/con. Anh nuôi trong giai đoạn cua cốm lột - thứ mà tự nhiên gần như không thể khai thác. Giống như gấu ngủ đông, trước khi lột, cua tích lũy rất nhiều chất dinh dưỡng, có khi cao gấp 2 lần bình thường. Anh sẽ bán ngay sau khi cua lột, vỏ mềm và khách ăn được cả vỏ luôn. Cua lột từ ME Farm hiện to nhất thị trường rồi.
Cua lớn lên từ sự lột xác. Một vòng đời hơn 1 năm sẽ lột 14-16 lần. Cua càng bé lột càng nhanh, kết thúc quá trình sẽ thành cua trưởng thành. Cua giống có trọng lượng khoảng 150g/con, sau khi được nuôi trong hệ thống tuần hoàn, mỗi lần cua lột, trọng lượng sẽ tăng 50g - 100g. Sau 25 - 40 ngày nuôi, trọng lượng đạt hơn 200g/con.
Ngoài tự nhiên, cua lột khó đánh bắt vì chúng sẽ chui vào sâu vào hang đợi lớp vỏ cứng lại. Đó là lý do vì sao mô hình của anh tạo ra rất nhiều giá trị. Thứ nhất là cua ngon, dinh dưỡng; gạch cũng thơm ngậy, không bị khô như cua bình thường. Thứ hai là anh khai thác được cua hiếm, không phải ở đâu cũng nuôi được. Xưởng anh to thế này mà mỗi tháng cũng chỉ xuất được 400-600 kg cua, tức khoảng hơn 2.000 con.
Ưu điểm của mô hình nuôi cua này là gì?
Ở nước ngoài, họ gọi đây là nông nghiệp bền vững, tức không bị ảnh hưởng bởi môi trường và cũng không ảnh hưởng đến môi trường. Nước được tái sử dụng đến 99%, lại không tốn tài nguyên đất. Muốn nuôi thêm cua chỉ cần chồng thêm hộp, không như nuôi ở hồ ao em phải mua đầm. Xưởng này anh có thể nuôi bao nhiêu tùy thích. Chỉ cần chồng hộp lên nhau.
Là người đầu tiên triển khai mô hình nuôi cua biển trong hộp nhựa tại miền Bắc, anh Cảnh những ngày đầu đã gặp khó khăn gì?
Anh là người đầu tiên nuôi cua trong hộp nhựa tại miền bắc. Bản thân anh không có ai dạy hay truyền đạt lại. Toàn bộ kiến thức anh tự tìm tòi qua sách vở, giáo trình nước ngoài và clip hướng dẫn, sau đó đúc rút kinh nghiệm. Ban đầu cua chết nhiều lắm vì sự khác biệt trong môi trường, từ độ mặn, độ pH đến không khí và nhiệt độ. Hệ thống hoạt động chưa tốt mình đã nhập nhiều hàng; cua chết khiến nguồn nước không được đảm bảo. Giống khi đó cũng chưa được ổn định. Cua thành phẩm hao thịt rất nhiều. Anh đã mất tầm 4 tháng để hoàn thiện lại hệ thống này.
Thời điểm việc kinh doanh không thuận lợi, đã bao giờ anh nghĩ đến chuyện bỏ cuộc?
Nuôi cua trong hộp nhựa rất khó, và anh đã chuẩn bị tinh thần sẵn rồi. Đã có lúc mình có suy nghĩ bỏ cuộc. Thời điểm mới nuôi, anh nhập 1000 con mà mỗi ngày chết đến 25-30 con. Mình ăn cua còn sợ. Lúc ý nản lắm, nhưng mình dự tính được trước rồi. Anh tìm hiểu lại hệ thống, chỉnh sửa dần, giờ thì hoàn toàn tự chủ rồi.
Nhiều người cho rằng chất lượng thịt cua khi nuôi nhốt sẽ không ngon bằng cua biển sống tự nhiên. Anh nghĩ sao về điều này?
Người ta nghiên cứu được rằng cấu trúc cơ của cua không phù hợp vào vận động. Cua ngon phụ thuộc vào 3 yếu tố, bao gồm độ mặn của nước biển, chất khoáng có trong nước và chất lượng thức ăn. Chính vì thế cua nuôi trong hộp nhựa vẫn ngon, thậm chí ngon hơn ở ngoài vì chế độ ăn uống của cua được kiểm soát rất chặt.
Cua lột rất khó khai thác trong tự nhiên, nhưngM.E Farm lại làm được điều này. Đây có phải yếu tố chính giúp anh thuyết phục những người mua khó tính nhất?
Đây chính là điểm đặc biệt của M.E Farm và cũng là mấu chốt khiến anh quyết định nuôi cua hộp nhựa. Nuôi ở đây mất rất nhiều công, điện lưới chạy 24/7, nhưng bù lại, anh khai thác được những thứ mà người ta không có. Với anh, đây chính là lợi thế chỉ mình mình có được. Chưa ai làm được điều này, nhưng M.E Farm lại có thể.
Trên thị trường, anh có rất ít đối thủ cạnh tranh. Sản phẩm của anh lại được khách hàng đón nhận rất tốt vì cua ngon, đảm bảo chất lượng.
Sau anh, một số hộ cá thể nhỏ cũng triển khai mô hình nuôi cua trong hộp nhựa. Anh có sợ bị đối thủ vượt qua?
Khi anh triển khai mô hình nuôi cua trong hộp nhựa, cấp chính quyền địa phương rất hoan nghênh; nhiều đoàn đã đến đây học hỏi.
Triển khai được mô hình này không dễ; khoản đầu tư cũng không hề nhỏ. Để có được như ngày hôm nay, anh và các bạn kỹ sư đã mất rất nhiều thời gian, công sức. Em biết đấy, mô hình này có từ chục năm trước ở nước ngoài rồi, từ Malaysia, Trung Quốc, Philippin. Như vậy, mình không chỉ cạnh tranh với người trong nước, mà còn cạnh tranh với cả người nước ngoài.
Những người vào sau họ sẽ không có lợi thế bằng anh vì cua của M.E Farm đã phủ sóng thị trường trước đó. Khi thị trường bão hòa, họ sẽ phải tự cạnh tranh về giá với nhau thôi. Còn anh, anh đã có nhiều khách hàng tiềm năng rồi.
Có ý kiến cho rằng giá thành cua nuôi bằng mô hình hộp nhựa quá cao, khó tiếp cận nhiều người tiêu dùng. Anh nghĩ sao?
Thị trường Hà Nội rất rộng. Người Hà Nội đa phần có tiền, sành ăn và thích những gì mới, tươi, sạch. Sản lượng anh không quá cao nên toàn bộ đều được bán lẻ. Khách đến tận xưởng xem cua, thấy cua sạch là họ mua luôn. Anh cũng nhận giao hàng nội thành cho khách có nhu cầu. Cua chất lượng nên khách sẽ quay lại. Anh chủ yếu đánh vào tệp khách sành ăn và sẵn sàng chi trả.
Trong bối cảnh cung không đủ cầu, anh có ý định nhân rộng mô hình độc đáo này?
Hiện tại anh đang ở giai đoạn 2. Nếu thị trường Hà Nội ổn, anh sẽ triển khai giai đoạn 3 ở các vùng ven biển để tăng năng suất và tiết kiệm chi phí đi lại. Dù gì ở đây cũng không thể có nhiều lợi thế bằng khu vực ven biển. Anh sẽ tiết kiệm được chi phí vận chuyển giống, thức ăn và cả nước biển.
Anh có từng nghĩ lớn, rằng mình sẽ xuất khẩu cua ra thế giới?
Hiện anh đang làm việc với 2,3 đoàn Nhật Bản. Họ muốn nhập khẩu cua của anh, nhưng giờ anh còn đang không đủ hàng để bán trong nước. Người Nhật họ kỹ và sợ nhất dư lượng chất kháng sinh, thuốc tăng trọng, thuốc kích thích. Hệ thống của anh đảm bảo không có những thứ đó, vì chỉ cần 1 chút thuốc kháng sinh thoi, con vi sinh sẽ chết. Chính vì thế, khách hàng hoàn toàn có thể yên tâm sử dụng cua. Bản thân người Nhật cũng thích mua cua lột để làm sushi nữa.
Lời khuyên của anh cho những bạn trẻ cũng đang nung nấu những ý tưởng khởi nghiệp táo bạo
Khi các bạn trẻ khởi nghiệp một mô hình mới, đừng quên tính toán trước chi phí vận hành. Nông nghiệp công nghệ cao là tương lai vì hiện tại khai thác trong tự nhiên khá khó. Đây là mô hình các bạn nên áp dụng bởi chúng bền vững và lâu dài, không bị ảnh hưởng bởi tự nhiên mà cũng không ảnh hưởng đến tự nhiên.
Cảm ơn những chia sẻ của anh!