img


"Lão đại” Trịnh Thành Nhơn (TGĐ Công ty Hoá Mỹ phẩm Quốc tế ICC) tự nhận mình là một doanh nhân, đi buôn bán từ lúc còn là một bọc thai. 

Khi Trịnh Thành Nhơn trong bụng mẹ, ngày ngày ông đã theo bà đi buôn xà bông khắp Sài Gòn - Chợ Lớn. Có lẽ cái máu nghề ấy đã khiến ông sẵn sàng dành trọn 68 năm cho ngành hàng chăm sóc thân thể con người.

Đến nay, dù đã ở tuổi thất tuần, ông vẫn giữ thói quen chạy xe máy từ Q.2 đến KCN Đồng An (Bình Dương) để đi thăm từng phân khu sản xuất, từng người công nhân... Mỗi tháng, đều đặn 4 lần đến từng tỉnh củng cố tinh thần cho đội ngũ nhân viên bán hàng nhỏ lẻ, chỉ vì “muốn tái sinh đứa con đã đánh mất cách đây 20 năm”.

Trong cuộc trò chuyện với PV hôm nay, Trịnh Thành Nhơn 3 lần xin dừng để uống thuốc.

Lần đầu tiên là một viên nhỏ trị viêm họng, căn bệnh ông vừa mắc phải sau chuyến công tác từ Lâm Đồng về Sài Gòn khuya hôm qua. Lần thứ 2 là một vốc đặc trị huyết áp.

Và lần 3 là một liều thuốc cho tinh thần, khi mắt ông nhoè đi, nhớ về năm tháng từng nắn nót viết thư đáp trả cho 1 triệu người tiêu dùng những năm 1990. “Trên thế giới, chưa có tình yêu nào ngọt ngào như Dạ Lan và người Việt Nam”, ông tự nhận.

Ông chủ kem đánh răng Dạ Lan: Một cú bắt tay sai lầm với đối tác Mỹ, một đời đi trả nợ tình yêu - Ảnh 2.

Tôi đã từng được nghe rất nhiều câu chuyện về Dạ Lan như một giai thoại đẹp trong ngành hàng tiêu dùng những năm 1990. Điều gì đã khiến Dạ Lan chinh phục được người tiêu dùng ngày đó?

Ông Trịnh Thành Nhơn: Phải nói những bước đi chập chững của Dạ Lan rất khó khăn! Từ năm 1980 đến 1990, thuốc đánh răng tôi sản xuất ra chẳng ai mua. Kể cả khi tôi chơi cú chót, vét hết tiền thuê tàu để chở hàng ra Hà Nội, bỏ trong hội chợ bán thì người ta cũng không mua.

Lúc đó gần Tết Dương lịch, muốn về nhà đoàn tụ với vợ con thì tốn thêm tiền vận chuyển thuốc, để ở lại thì không có nơi ký gửi. Tình thế vô cùng tiến thoái lưỡng nan.

Một hôm, tôi chán nản mới bỏ buổi hội chợ, đi lòng vòng quanh khu vực chợ Đồng Xuân. Thấy những bà hàng rong đội cái mẹt, ở trên bỏ ít xà bông, kim chỉ, thuốc đánh răng… đi bán dạo, tôi đánh liều nhảy ra nhờ họ giúp mình để nhờ cây thuốc đánh răng Dạ Lan, hứa sẽ chia tiền lời cao hơn.

Nhưng tất cả đều chê: "Không ăn thua. Ở đây, người ta chỉ dùng hàng Trung Quốc".

Ông chủ kem đánh răng Dạ Lan: Một cú bắt tay sai lầm với đối tác Mỹ, một đời đi trả nợ tình yêu - Ảnh 3.

Tới một buổi tôi đi ngang qua nhà sách, thấy nhân viên đang sắp lịch Tết, người mua đông nghịt. Tôi mới nảy ra ý mua thuốc đánh răng tặng kèm lịch. Vì năm tháng đó, cuốn lịch lốc treo trong nhà nó quý giá lắm!

Cuối cùng, tôi vét hết tiền mua được đúng 100 cuốn lịch. Tôi quay lại tìm bà hàng rong, nói với bà ấy: “Giờ bỏ thuốc của con lên nia, con tặng dì thêm 2 cuốn lịch”. Lúc đó, bả mới đồng ý, cốt để lấy lịch.

Sau 2 ngày thì tôi bắt đầu nhận được tín hiệu mừng đầu tiên. Cứ buổi sáng, xuống sảnh khách sạn thì mấy bà hàng rong đã tới trước, đặt tôi mỗi người 1 thùng. Tôi bảo: “Mấy dì cứ lấy bao nhiêu cũng được, không cần phải trả tiền trước, khi nào bán xong thì gửi lại sau”, nhưng bởi sự uy tín ấy nên ngày nào bán xong họ cũng đều đem tiền tới trả tôi liền.

Tôi gọi điện về nhà, nhờ vợ gửi thêm 10 toa tàu thuốc đánh răng ra Hà Nội. Lúc đó, chỉ trong vòng 10 ngày mà tôi đã bán được lượng hàng có khi mất phải cả tháng ở nguyên khu vực phía Nam (từ Đà Nẵng đến Cà Mau-PV) khiến cả gia đình sửng sốt.

Tôi ở Hà Nội tới đúng Tết Âm lịch thì về Sài Gòn, đóng cửa ăn Tết. Thế nhưng, mùng 4, lúc 7h sáng, nhà vừa mở cửa đã thấy tiểu thương đứng đợi sẵn. Bà ấy bảo từ Hà Nội vào, phải lần mò xe ôm mãi mới tìm ra cơ sở Dạ Lan, rồi đặt 100 thùng thuốc vận chuyển ra Bắc.

Tôi từ chối nói mùng 9 mới mở cửa trở lại thì bà nhất quyết dúi tiền vào tay, “Tôi vào đây để gửi tiền cậu trước, khi nào có thì cậu gửi”. Từ đó, ngày nào, tiểu thương từ Bắc vào Nam cũng đều đi tìm Dạ Lan như thế!

Qua 1 năm, Dạ Lan đã chiếm lĩnh 90% thị trường miền Bắc, phía Nam thì xôi đậu xen kẽ với P/S. Thuốc đánh răng Trung Quốc không còn sức cạnh tranh, buộc phải quay về nước. Thậm chí, nhiều bà con tiểu thương còn mang Dạ Lan sang cả Thái Lan, Lào, Campuchia… buôn bán.

Ở Sài Gòn, nói đến Dạ Lan là người ta bảo lá gan tôi lớn lắm. Bởi năm 1989, từ căn nhà bề ngang có 4 thước tôi đã cất căn nhà ngang 16 mét, dài 30 mét, 5 tầng lầu, công nhân trên 10 người. Mà thời điểm đó, nhà nước chưa chấp nhận mô hình kinh doanh tư nhân nên khó khăn trăm bề.

Được cái người tiêu dùng thì vẫn tin yêu. Có giai đoạn Dạ Lan bị làm nhái, hàng giả. Chỉ sau một đêm, đồng loạt các tạp chí nổi tiếng đều in thông cáo khổ to nhất, phân phát khắp Hà Nội. Sáng hôm sau, đi đâu người dân cũng bàn tán xôn xao thông tin đó. Rầm rộ suốt 1 tuần.

Ông chủ kem đánh răng Dạ Lan: Một cú bắt tay sai lầm với đối tác Mỹ, một đời đi trả nợ tình yêu - Ảnh 5.

Thời điểm ấy, Dạ Lan đã có những chiến lược kinh doanh như thế nào để chiếm được niềm tin của người tiêu dùng như thế?

Ông Trịnh Thành Nhơn: Nói chiến lược kinh doanh thì tôi thấy to lớn quá!

Thú thực nền kinh tế của Việt Nam lúc đó chỉ có 2 mô hình chính, hợp tác xã và quốc doanh. Nếu bạn làm việc cho nhà nước thì đến tháng sẽ nhận mỗi người một cây thuốc đánh răng, không có quyền lựa chọn. Trong khi đó, đơn đặt hàng không bao giờ đủ, nguyên vật liệu luôn thiếu nên các doanh nghiệp chưa từng nghĩ sẽ phải đầu tư chất lượng, làm quảng cáo, marketing, hay đội ngũ bán hàng làm gì đâu.

Nhưng cái suy nghĩ không cần suy nghĩ ấy, nó đã thui chột đi sự phát triển!

Thời điểm ở miền Bắc nhà nhà người người nghe Đài Tiếng nói Việt Nam, tôi bắt đầu mua quảng cáo trên đó.

Khi ấy, người dân đều xem đài là cái gì thiêng liêng lắm, là tiếng nói của Đảng, của Chính Phủ. Vì thế, khi Dạ Lan phát sóng, mọi người đều nghĩ rằng Đảng, Chính Phủ khuyến khích họ dùng thuốc đánh răng. Dạ Lan càng chiếm được lòng tin.

Một thời gian sau, tôi còn là người đầu tiên thực hiện chương trình khuyến mãi mua sản phẩm trúng thưởng TV.

Trong mỗi hộp thuốc đánh răng, tôi in sẵn một tờ phiếu may mắn. Cứ phiếu có 4 số 9 thì trúng TV, 3 số là cát-xét, 2 số được thêm tuýp đánh răng nữa. Mà phải nói, thời kỳ ấy TV quý như vàng, là thứ gì đó xa xỉ, có khi cả làng mới có một người có nên chính quyền họ không tin đâu. Họ xuống, bảo công ty tổ chức lừa đảo khách hàng.

Tôi mới nói: “Để tôi chứng minh cho các anh xem”. Thế là, mỗi lần người trúng giải mổ gà, mổ vịt mời tôi tới dự cỗ, tôi lại kéo theo đội ngũ anh em phóng viên đi theo, chụp ảnh, viết bài. Câu chuyện in đầy mặt báo, Dạ Lan khẳng định thêm uy tín.

Bạn có tin không? Từ năm 1980 đến 1995, tôi đã được nhận hơn 1 triệu lá thư tay từ người tiêu dùng gửi về. Có người viết 4-5 trang giấy, người làm thơ, phổ nhạc…

Mà thời gian ấy, đâu phải cứ muốn gửi thư là gửi. Có khi họ phải đi bộ 7-8 km, ở tỉnh vùng sâu thì còn trèo núi, lội suối,… chỉ để viết thư, khoe với mình là dùng thuốc đánh răng của mình mà hết sợ sâu răng. Cái tình cảm nó kiên trì, trân quý như thế đấy!

Ngày nào tôi cũng phải tự tay viết thư phản hồi. Cứ thế, hai bên, khách hàng và tôi, gửi qua gửi lại như thể 2 người đang yêu nhau. Cái đó, tôi nghĩ, trên thế giới này, chắc không có doanh nghiệp nào làm được như Dạ Lan.

Ông chủ kem đánh răng Dạ Lan: Một cú bắt tay sai lầm với đối tác Mỹ, một đời đi trả nợ tình yêu - Ảnh 7.

Thế nhưng, tại sao cuối cùng Dạ Lan vẫn lâm vào con đường chết?

Ông Trịnh Thành Nhơn: Tất cả những gì tôi kể với bạn, nó chỉ là cái hào quang dĩ vãng thôi. Còn bây giờ, bạn nhìn đi nè, tôi thực sự đang là một người ở vực thẳm. (Cười).

Khi Colgate họ vào Việt Nam, họ đã nhắm tới Dạ Lan để liên doanh. Lúc đó, họ vẽ cho tôi một viễn cảnh rất tốt đẹp, rằng sau 2-3 năm lợi nhuận công ty có thể tăng gấp 2-3 lần, đời sống công nhân viên cải thiện… Thậm chí công ty còn có khả năng xuất khẩu ra nước ngoài.

Ông chủ kem đánh răng Dạ Lan: Một cú bắt tay sai lầm với đối tác Mỹ, một đời đi trả nợ tình yêu - Ảnh 8.

Trong khi tôi đã sống trong tình trạng nền kinh tế Việt Nam èo uột rất lâu rồi. Lúc nào cũng đối mặt với chuyện thiếu nguyên vật liệu, không có kênh bán lẻ, nhà nước chưa công nhận doanh nghiệp tư nhân… Thực sự việc bước đi một mình suốt quãng thời gian ấy rất khó khăn. Vì vậy, Colgate họ đã sẵn sàng đồng hành thì tôi chẳng còn lý do gì để từ chối ký bản hợp đồng ấy cả.

Tôi giữ vị trí Phó Tổng Giám đốc, nắm giữ 30% cổ phần, Colgate 70%, nhận mức lương gần 100.000 đô/năm, trong thời kỳ vàng chỉ có 5 triệu đồng/1 lượng là biết nó khủng khiếp thế nào.

Nhưng công việc thì chẳng có gì! Sáng lên đó ngồi uống cà phê, nói dóc với anh em. Trưa về. Chiều không cần làm việc. Mà thực sự họ cũng mong muốn tôi đừng làm. Cứ ở nhà, tới tháng họ trả lương là được.

Và chỉ 6 tháng, 6 tháng sau thôi thì tôi nhận ra viễn cảnh Colgate nói, nó sẽ không bao giờ thành hiện thực tại Việt Nam.

Ông chủ kem đánh răng Dạ Lan: Một cú bắt tay sai lầm với đối tác Mỹ, một đời đi trả nợ tình yêu - Ảnh 9.

Cụ thể viễn cảnh đó đã thất bại như thế nào?

Ông Trịnh Thành Nhơn: Khi doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam, họ vẽ lên bức tranh là nhờ vào sự đầu tư vốn khổng lồ, công nghệ, quảng cáo,… sẽ giúp các doanh nghiệp Việt phát triển vượt bậc trong tương lai. Điều đó khiến chúng tôi đều hy vọng.

Thời điểm năm 1993, 1994, đặc biệt là năm 1995, mô hình liên doanh cực kỳ nở rộ. Thậm chí ngành mai mối, chỉ điểm vừa ra đời đã trở nên hot. Họ thường là những “ông tơ bà mối”, tham gia giới thiệu, móc nối các tập đoàn đa quốc gia với các doanh nghiệp Việt Nam để kiếm lời. Trong một tuần, tôi không nhớ đã phải tiếp bao nhiêu đoàn khách nước ngoài như thế, từ “ông to bà lớn” đến các tập đoàn nhỏ lẻ.

Ông chủ kem đánh răng Dạ Lan: Một cú bắt tay sai lầm với đối tác Mỹ, một đời đi trả nợ tình yêu - Ảnh 10.

Nhưng lúc Việt Nam chúng ta chỉ mới thực hiện hàng loạt chính sách đãi ngộ, miễn thuế để thu hút nước ngoài thì các tập đoàn đa quốc gia Colgate, P&G, Unilever,… họ đã đi đầu tư khắp thế giới rồi!

Có thị trường họ thắng, có thị trường thua, có thị trường phải chờ mấy chục năm mới có thể xây dựng nhãn hiệu. Đó là câu chuyện thực tế mà chúng ta không thể nhìn thấy. Bởi Việt Nam chưa có nhiều điều kiện, nhiều người được ra thế giới, đến các nước tư bản để học hỏi và nhìn thấy viễn cảnh đó như thế nào.

Mô hình liên doanh là chúng ta học tập của Trung Quốc, mục đích chính là để học hỏi thành tựu, tiến bộ từ nước ngoài.

Nhưng chúng ta quên 1 điều, Trung Quốc quá rộng lớn. Một doanh nghiệp khi vào đất nước của họ thì chỉ được giao cho một phần phạm vi vài ba tỉnh thôi, không giao cả đất nước.

Điều nữa là dân Trung Quốc họ copy rất giỏi. Tôi không nói chuyện copy ở là tốt. Nhưng trong điều kiện đất nước đã đóng cửa nhiều năm thì việc cho phép copy, cốt là để họ học hỏi nhanh nhất. Khi đã học được thì họ nhanh chóng chạy sang tỉnh khác để làm, rồi quay trở lại cạnh tranh trực tiếp, thậm chí “đá" luôn cả doanh nghiệp nước ngoài.

Trong khi đó thì Việt Nam mình quá khắt khe, nhiều người Việt khi đã làm việc ở tập đoàn nước ngoài, có chế độ đãi ngộ tốt thì không còn muốn quay trở về. Vì vậy, mô hình liên doanh của Trung Quốc thành công, hiện nay họ còn đang là cường quốc thứ 2 trên thế giới. Việt Nam mình lại thất bại.

Nói chính xác thì thời kỳ đó, chúng ta đánh giặc, ừ, thế giới phải công nhận giỏi đó. Nhưng làm kinh tế thì còn non nớt. Và đây là cái giá phải trả cho bài học chuyển mình từ nền kinh tế tập trung, xã hội chủ nghĩa sang kinh tế thị trường.

Nhưng cái giá này rất đắt đối với ngành công nghiệp.

Ông chủ kem đánh răng Dạ Lan: Một cú bắt tay sai lầm với đối tác Mỹ, một đời đi trả nợ tình yêu - Ảnh 11.

Như ông nói thì thời điểm mở cửa, Việt Nam không có ai có thể nhìn thấy được bức tranh toàn cảnh và kết quả liên doanh này có khả năng sẽ thất bại?

Ông Trịnh Thành Nhơn: Đúng! Nói để chắc chắn nhìn thấy thì chẳng có ai. Thế nên tình trạng mới vô cùng hoang mang. Không liên doanh thì chết, mà liên doanh rồi thì cũng chẳng ai biết tương lai mình sẽ như thế nào.

Chỉ có một lần, tôi nhớ, trong miền Nam có một liên kết của hơn 20 doanh nghiệp, đứng đầu là công ty Tico. Sau khi nhận thấy liên doanh với nước ngoài có vài thứ chưa ổn thoả nên chúng tôi đã kiến nghị lên thành phố, đề nghị không cho các tập đoàn đa quốc gia thôn tính thị trường miền Nam.

Phong trào quyết liệt lắm! Thành phố cũng sẵn sàng đứng ra ứng chiến.

Miền Nam không vào được, nước ngoài họ lại đổ ra Bắc. Đến khi đã kí được hợp tác liên doanh thì chúng tôi biết mình thua rồi.

Bên ngoài thì doanh nghiệp nước ngoài đang vào, bên trong vì chưa có ai nhìn thấy, chỉ là những suy đoán. Trong khi đó, tập đoàn đa quốc gia còn tạo sự lựa chọn doanh nghiệp này có tiềm năng để liên kết, doanh nghiệp kia bỏ qua, khiến tất cả rạn nứt, không còn tin tưởng nhau.

Liên kết tan rã. Lần lượt chúng tôi chọn cách liên doanh với nước ngoài.

Và cái kết?

Ông Trịnh Thành Nhơn: Sau 1 năm P&G liên doanh với Công ty Xà phòng Việt Nam thì họ loại nhãn hàng Cô Ba, bột giặt nhãn hiệu Việt Nam,…

Còn Dạ Lan thì liên doanh với Colgate gặp sự cố, sản phẩm đưa ra thị trường bị người tiêu dùng phản hồi chất lượng kém, tạo làn sóng tẩy chay. Lúc đó, họ nói thẳng: “Nghe liên doanh với Mỹ mà. Nghe tốt lắm mà? Sao không thấy gì mà còn dỏm hơn vậy?”.

Đến lúc thua lỗ hết vốn, Colgate quay sang bảo mình rót thêm vốn. Tôi đồng ý, với điều kiện lên làm tổng giám đốc, có toàn quyền điều hành. Nhưng họ từ chối và khơi mào đòi dẹp.

Lúc đó, tôi chỉ nắm 30% cổ phần thì nói sao được “cái lý của kẻ mạnh”. Cuối cùng họ đồng ý mua lại toàn bộ cổ phần với giá 5 triệu đô, kèm điều kiện tôi không được tham gia vào ngành hàng này trong 5 năm tới.

Nhưng thứ đó không phải là thứ khiến tôi buồn! Thực sự tôi chỉ cảm thấy còn nợ người tiêu dùng một tình cảm lớn. Bởi thời điểm kem đánh răng của tôi bị tẩy chay, là tôi đã phụ tấm chân tình của bà con.

Ông chủ kem đánh răng Dạ Lan: Một cú bắt tay sai lầm với đối tác Mỹ, một đời đi trả nợ tình yêu - Ảnh 12.

Cảm giác phụ tấm chân tình của bà con tiêu dùng có phải là lý do khiến ông đưa Dạ Lan trở lại thị trường?

Ông Trịnh Thành Nhơn: Đến tận bây giờ, tôi khẳng định, tôi chưa bao giờ làm Dạ Lan vì tiền. Thời điểm tôi liên doanh với Colgate, nhiều người nói tôi là vì 3,2 triệu đô. Không phải, số tiền ấy nó chả là gì cả.

Sau đó thì tôi cũng không nghỉ ngơi, sống thừa thãi, từ bỏ đam mê. Mà một năm rưỡi sau liên doanh thì tôi đã mở một nhà máy khác rộng 5 hecta để sản xuất mì ăn liền. Vài năm sau thì tiếp tục xây dựng nhà máy tại Bình Dương.

Bạn bè đều khuyên tôi: "Thôi bỏ đi, lấy tiền đi đầu tư đất đai, nhà cửa đi". Thiệt! Nếu làm vậy, có lẽ giờ tôi đã thành đại gia rồi! (Cười).

Nhưng cái đó nó không phải là đam mê của tôi. Ừ! Mua đấy thì sẽ sinh tiền đó, nhưng nó sẽ không cho tôi được câu chuyện 1 triệu lá thư. Cái đó mới là hạnh phúc của người làm sản xuất.

Khi tôi quay trở lại nông thôn, đi hỏi bà con về Dạ Lan, họ còn niềm nở lắm:"Cái này hồi đó tui hay xài nè", "Sao tìm mãi giờ mới thấy Dạ Lan nè", "Xài được nè, tốt lắm nè"… 90% người tiêu dùng tôi gặp, họ vẫn giữ tình cảm tốt đẹp như thế thì sao tôi bỏ Dạ Lan được?

Ông chủ kem đánh răng Dạ Lan: Một cú bắt tay sai lầm với đối tác Mỹ, một đời đi trả nợ tình yêu - Ảnh 13.

Để đáp trả những chân tình như thế, suốt 20 năm nay ông đã làm những gì?

Ông Trịnh Thành Nhơn: Năm 2001, tôi hoạt động trở lại với Công ty Hoá Mỹ Phẩm Quốc Tế ICC để sản xuất hàng tiêu dùng. Đúng thời hạn hết ràng buộc với Colgate, tôi mới xin họ, đi đăng ký bảo hộ nhãn Dạ Lan.

Thời gian đầu tiên, tôi đổ hết lợi nhuận kiếm được bao nhiêu năm, mời các chuyên gia hàng đầu về làm cho mình. Thậm chí để chiêu mộ họ, tôi dám bỏ ra 500 triệu/người để chuộc họ về từ tay các tập đoàn đa quốc gia.

Nhanh chóng tôi đã xây dựng một lực lượng quân hùng hậu, thực hiện ngay chiến lược: CÁ BÉ NUỐT CÁ LỚN.

Với Dạ Lan, thì còn rất nhiều đối thủ sừng sỏ dòm ngó nên tôi thầm lặng hơn. Tôi chọn thị trường nông thôn, phân phối trực tiếp đến tận tay người dùng. Tôi thành lập một đội quân gồm 70 nhà phân phối tại tỉnh, đội bán hàng vài trăm người để đi đến từng chợ, từng nhà dân… buôn bán.

Trong năm đầu tiên, ICC thắng trận lớn lắm! Chiếm lại được một số thị trường, đạt được mức doanh số mà nhiều công ty khác có khi phải mất 5 năm mới có khiến các ông “đại gia” trong ngành đều sửng sốt, dè chừng.

Thế nhưng, vì chỉ chăm chăm vào xây dựng chiến lược nên tôi đã quên mất một điều. Lúc chúng tôi bỏ tiền ra sắm cho ICC một chiếc xe tăng T54 hạng nặng, những ông lớn họ đã có trong kho cả trăm, cả ngàn chiếc T54 như thế. Trận đầu tiên tôi thắng chỉ vì đánh úp, đánh bất ngờ khiến họ chưa kịp phòng ngự thôi!

Đến năm thứ 3 thì doanh số ICC bắt đầu giảm, năm tiếp theo xuống tới con số âm. Số tiền đầu tư bay đứt, các hệ thống bắt đầu gãy, nhân viên lần lượt rời công ty.

Từ nhà máy có trên dưới 300 nhân viên, sau 3 năm chúng tôi chỉ còn vỏn vẹn 100 người. Mà những người ở lại thì sau trận đánh cũng chỉ là những thương binh, bệnh binh, phế binh.

Sau thất bại đó, ông đưa ra quyết định như thế nào?

Ông Trịnh Thành Nhơn: Thú thực, cả cuộc đời kinh doanh từ năm 1974 đến nay tôi đã đánh trận nhiều rồi. Thắng thua vô kể. Nhưng trận năm đó thất bại lớn quá, trận đầu tiên tôi biết buồn.

Nhưng tôi làm tướng mà, dưới tôi còn tập thể anh em đang đợi mình. Nếu bi quan, tiêu cực thì đồng nghĩa tôi chấp nhận vỡ trận, nên tôi chỉ cho phép mình buồn đúng 30 giây.

Sau đó, tôi quay lại, tự đánh giá tại sao mình thua, thua ở đâu, làm thế nào thể có thể sốc lên được tinh thần anh em. Tôi bắt đầu chăm sóc cho từng người ở lại, đồng hành, huấn luyện họ.

Ông chủ kem đánh răng Dạ Lan: Một cú bắt tay sai lầm với đối tác Mỹ, một đời đi trả nợ tình yêu - Ảnh 15.

Có hôm, anh thợ kia giỏi lắm, nhưng nhà có đám tang ở tận Bắc nên xin tôi được nghỉ nghề, trở về quê. Lúc ảnh đi, tôi bảo: “Cứ sắp xếp xong xuôi rồi quay lại”. Ảnh bèn nói: “Con nghỉ tới 2-3 tháng lận?”.

“Cứ yên tâm, anh vẫn chừa cái chỗ trống ấy cho em”. Mình giữ đúng lời hứa! 2 tháng sau, anh ấy quay lại làm thật, mặc dù nhiều chỗ khác đã trả mức lương cao hơn nhiều.

Ở Dạ Lan, tôi xem mọi người như người thân cả. Bữa nay bệnh sao? Buôn bán thế nào? Mỗi buổi ăn tôi đều quan sát xem sao lại bỏ thừa nhiều cơm vậy? Đồ ăn hôm nay có ngon không? Họ cần thêm cái gì?… Có nhiều ngày, tôi mặc áo thun, đội nón két, phi lên chiếc honda cùng nhân viên ra chợ bán hàng. Lúc đó, chẳng còn phân biệt nhân viên, chủ tịch gì nữa.

Ông chủ kem đánh răng Dạ Lan: Một cú bắt tay sai lầm với đối tác Mỹ, một đời đi trả nợ tình yêu - Ảnh 16.

Đúng là đã hồi phục rồi, nhưng sự thật họ đều có xuất phát điểm là "thương binh, bệnh binh" thì còn có khả năng đánh trận?

Ông Trịnh Thành Nhơn: Nhà máy tôi giờ chỉ có 40 người, các kênh bán hàng tại tỉnh nữa là trăm mấy, nhưng tất cả họ đều đang làm việc cho tôi bằng cả tâm huyết. Và tôi khẳng định, họ đều đã đủ sức để đánh nhiều trận nữa là đằng khác.

Bằng chứng là từ năm 2003 đến nay, ICC cũng khởi nghĩa rất nhiều. Có khi là giáp lá cà, khi đánh úp, đánh từ xa,… Cứ mỗi lần thất bại, chúng tôi lại đổi chiến thuật. Dù không thắng nhưng cũng khiến kẻ địch dè chừng.

Trong vài năm gần đây, ở nông thôn, bà con cũng bắt đầu tin tưởng Dạ Lan và sử dụng nhiều hơn.

Ông chủ kem đánh răng Dạ Lan: Một cú bắt tay sai lầm với đối tác Mỹ, một đời đi trả nợ tình yêu - Ảnh 17.


Ông chủ kem đánh răng Dạ Lan: Một cú bắt tay sai lầm với đối tác Mỹ, một đời đi trả nợ tình yêu - Ảnh 18.

Bây giờ đã 68 tuổi, ông nghĩ có quá muộn để mình cứ mãi cầm quân, lĩnh tướng đi đánh trận với những kẻ khổng lồ như vậy?

Ông Trịnh Thành Nhơn: Không có gì là muộn cả! Vấn đề ở đây là bạn có còn lửa, còn đam mê và nhân viên của bạn họ có còn nhìn thấy điều ấy để họ tin tưởng, trân quý và sẵn sàng tham chiến cùng bạn không? Chứ cho dù là tướng chống gậy mà vẫn sẵn sàng chia lửa cho binh lính thì vẫn thắng!

Như 2 đứa con tôi vậy. Hồi từ Canada về Việt Nam phụ bố, tụi nó không có đam mê gì đâu. Những ngày đầu tôi đi theo xem công việc thế nào, thì ở trên thầy chỉ dạy, dưới ảnh vẫn cầm điện thoại chơi game. Tôi thấy điều đó, nhưng tôi không có rầy. Tôi phải từ từ, phải cho nó thấy được sự hay ho, trải qua nhiều câu chuyện thành công, thất bại thì nó mới thấm được.

Đến giờ, dù tụi nó đã có gia đình nhưng tôi vẫn không chia gia sản, làm việc thì trả lương như người làm công cho mình. Sau 5 năm thì đã thẩm thấu, bắt đầu biết quan tâm và mạnh dạn ra làm rồi.

Nói vậy nhưng sức khoẻ con người có hạn. Như bạn thấy đấy, từ sáng tới giờ, tôi đã uống mấy loại thuốc, trong người bệnh tùm lum.

Nhưng tôi vẫn đến nhà máy mỗi ngày, vẫn đi tỉnh mỗi tháng. Tất nhiên là tôi sẽ cho phép mình đi làm trễ hơn chút để luyện tập thể dục. Nhưng không có nghĩa là tôi nghỉ.

Ông còn hy vọng nào nữa cho Dạ Lan trong tương lai?

Ông Trịnh Thành Nhơn: Tôi đã có hơn nửa cuộc đời lăn lộn với thứ mình đam mê. Thành công có, thất bại có. Thắng trận có, mà rớt vào vực thẳm như bây giờ cũng có. (Cười).

Có lúc tưởng chừng tôi cũng đã chết rồi ấy chứ. Năm 1995, lúc chạy xe đi bán khắp các tỉnh từ Cà Mau đến Đà Nẵng, từng đâm cột điện, phải bán cả chiếc nhẫn cưới để có tiền trở về Sài Gòn. Từng bắt đầu sản xuất kem đánh răng trong căn nhà bề ngang 4 mét, từng có được 90% thị phần, từng gây thương nhớ rồi cả khi bị quay lưng và phải “sống qua ngày” như hiện tại. Nhưng tôi chưa bao giờ buông bỏ.

Có người nói, làm cái ngành này tôi phải chiếm được 20% thị phần mới là hiệu quả, người khác thì chỉ cần 2% thôi cũng được lắm rồi. Như Chương Dương, Tribeco,… giờ đi tìm khắp Sài Gòn này, tìm đỏ con mắt mới có. Nhưng mà nhà máy họ vẫn đang chạy đó, công nhân họ vẫn làm, chủ doanh nghiệp họ vẫn tự hào, về nông thôn bà con vẫn dùng trong đám tiệc.

Cuối cùng, qua bao nhiêu năm, bão giông, cuộc viễn chinh, chỉ cần sản phẩm của mình vẫn còn nằm ở đâu đó trong tâm khảm người. Đó là thắng.

Nó giống như bây giờ, cho rằng Dạ Lan chỉ có 5% thị phần. Nhưng với tôi, 5% thị phần bây giờ mới là 5% thị phần hạnh phúc.

Ông chủ kem đánh răng Dạ Lan: Một cú bắt tay sai lầm với đối tác Mỹ, một đời đi trả nợ tình yêu - Ảnh 19.
Huy Hậu
Hải Long
Neo
Theo Trí Thức Trẻ10/11/2020