Chiều cao nổi trội, gương mặt góc cạnh đúng chuẩn nam thần, con đường vào showbiz của Mạnh Trường rộng mở ngay từ năm 18 tuổi khi anh tham gia một cuộc thi về người mẫu.
Thế nhưng với niềm đam mê diễn xuất cháy bỏng, thay vì theo đuổi nghiệp mẫu hay tận dụng thế mạnh ngoại hình để dấn thân vào showbiz, Mạnh Trường lại theo học trường Sân khấu Điện ảnh Hà Nội và dần trở thành một trong số những gương mặt làm nên thương hiệu của phim truyền hình phía Bắc.
Vốn quen thuộc với dạng vai hiền lành, chính trực, đúng chuẩn soái ca vạn người mê, năm 2020, Mạnh Trường bất ngờ lột xác đầy mạnh mẽ, hóa phản diện trong dự án Tình Yêu Và Tham Vọng .
Tuy không phải lần đầu hóa ác trên màn ảnh nhưng vai diễn Phong lần này lại được anh đặt rất nhiều kì vọng, rằng sẽ khiến cho cả khán giả lẫn người trong nghề có thêm niềm tin vào năng lực diễn xuất của mình.
Thời điểm hiện tại, vai Phong đang nhận được nhiều sự chú ý và chúng tôi cũng đã kịp có một buổi hẹn để nghe Mạnh Trường chia sẻ về màn lột xác thú vị cũng như những quan điểm làm nghề của anh.
Tôi chọn vai phản diện để khán giả và người trong nghề tin tưởng mình hơn!
Được yêu mến qua những vai diễn soái ca, chính trực, tại sao anh lại chọn đóng vai phản diện ở Tình Yêu Và Tham Vọng?
Diễn viên ai cũng muốn mình được hóa thân thành nhiều dạng vai khác nhau, thứ nhất là để khám phá bản thân, thứ hai là tránh sự nhàm chán cho khán giả. Thực ra từ 6 năm trước tôi đã có dịp thử sức với một vai phản diện ở Người Trong Gió rồi nhưng khoảng 3 năm trở lại, các đạo diễn vì an toàn nên luôn chọn tôi cho vai chính diện đến mức chính mình còn thấy nhàm chán nói gì tới người xem.
Dĩ nhiên được định hình ở hình tượng soái ca, chính trực cũng là một dạng thành công nhưng tôi vẫn muốn khám phá bản thân nhiều hơn, muốn cả khán giả và người trong nghề sẽ có cái nhìn khác và tin tưởng vào năng lực của mình.
Nói về Tình Yêu Và Tham Vọng thì đây là phim thứ 4 tôi làm với đạo diễn Bùi Tiến Huy, 3 phim trước đều là vai soái ca lịch lãm, đến phim này anh Huy ngỏ lời trước, hỏi tôi có muốn thay đổi hình tượng không. Tôi thì ổn thôi, không có gì phải lo ngại nhưng chính anh Huy lại là người mông lung vì quyết định của mình. Mừng là sau vài ngày đầu tiên làm việc, anh nhận ra rằng tôi rất hợp vai.
Khán giả rất khoái khi thấy Mạnh Trường ở phiên bản này, sắp tới sẽ tiếp tục theo đuổi nó chứ?
Tôi thích nhiều dạng vai khác nhau, quan trọng là kịch bản xây dựng, bồi đắp cho nhân vật thế nào chứ không phải cứ phản diện là nhiều màu sắc. Nếu những vai ác mà trong kịch bản không có nhiều tình tiết thú vị hay màu sắc đơn điệu theo kiểu ác từ đầu đến cuối thì đó cũng không phải vai hoàn toàn hay.
Vai phản diện lần này trong Tình Yêu Và Tham Vọng không ác xuyên suốt mà nó được tạo nên bởi nhiều tình tiết khác nhau, đây là điểm mà tôi thích ở Phong.
Còn chuyện khán giả khoái hay không một phần cũng phụ thuộc vào tình cảm mà khán giả đã dành cho tôi từ rất nhiều từ các vai diễn trước đây. Điều nữa là còn phải phụ thuộc vào những tình tiết trong kịch bản, đôi khi có những nhân vật phản diện mà khán giả xem cảm thấy rất đáng thương.
Việc mà ghét hay yêu nhân vật phản diện hoàn toàn cuốn theo kịch bản mà thôi, nhiệm vụ của người diễn viên là phải làm tốt nó, xoay nhân vật theo ý đồ của biên kịch.
Đóng một kiểu nhân vật mới hẳn mang đến không ít khó khăn?
Cái khó nhất của vai Phong này chính là biến chuyển giữa tốt và xấu, làm sao để cho khán giả ngờ vực không biết cậu này đã thật sự phản diện hay chưa. Ở giai đoạn đầu Phong luôn gây ra sự ngờ vực, tất cả đều nằm trong ý đồ diễn xuất chứ nếu lúc đấy Phong mà tốt hẳn, nghĩa là tôi diễn theo kiểu soái ca, chính trực thì không thể gieo được cho khán giả sự mông lung về hình tượng nhân vật.
Nhờ sự mông lung ấy mà sau này khi mình chuyển hẳn sang phản diện thì mới ngọt và chân thật. Ranh giới giữa thiện và ác mới là điều khó nhất của nhân vật Phong.
Ekip miền Nam thích chọn bom tấn để Việt hóa, ngoài Bắc lại chú trọng tới việc sửa đổi, làm mới kịch bản
Nhân vật Phong trong phim phát triển khá nhiều hơn so với bản gốc, anh có biết lý do của sự thay đổi này?
Tôi chưa xem bản gốc nhưng cũng thấy mọi người bình luận và đánh giá rằng khá nhiều nhân vật trong phim được thay đổi. Tôi nghĩ việc Việt hóa của mình rất hay bởi vì ngoài việc mua bản quyền thì phong cách khán giả của từng nước sẽ khác nhau, việc Việt hóa giúp phim gần gũi với khán giả Việt hơn.
Với Tình Yêu Và Tham Vọng, các bạn biên kịch đã làm việc rất tốt, những bộ trước đây của tôi cũng vậy, ví như Cả Một Đời Ân Oán , biên kịch Việt hóa khiến cho khán giả xem cảm thấy gần gũi.
Hỏi thật nhé, khi đóng phim remake như vậy, anh có sợ bị mọi người so sánh với bản gốc không?
Nếu là thời điểm trước đây thì tôi sẽ áp lực nhưng đến bây giờ VFC đã Việt hóa khá nhiều phim rồi và phần lớn các bộ phim Việt hóa đều rất thành công. Thành ra không chỉ riêng tôi và diễn viên đâu mà cả ekip đạo diễn cũng vậy, không còn bị áp lực chuyện làm Việt hóa nữa. Chúng tôi rất tin tưởng đội ngũ biên kịch cũng như sản xuất, họ biết được thị hiếu khán giả như thế nào để xây dựng nên bộ phim thật gần gũi.
Không sợ so sánh nhưng việc VFC bị khán giả chê trách rằng không đủ năng lực làm ra kịch bản hay cho riêng mình thì sao?
Các bộ Việt hóa gần đây khá là thành công nhưng phải nhìn nhận một điều rằng những bộ phim hoàn toàn của Việt Nam mình không hề thua kém chút nào, như Về Nhà Đi Con chẳng hạn. Phim truyền hình khoảng 3 năm đổ lại đây hầu hết đều được khán giả rất đón nhận, đây là thời kỳ phát triển rất tốt cho phim truyền hình và thật may mắn khi tôi được làm việc ở giai đoạn này.
Tôi để ý thấy có một điểm khác giữa việc làm phim remake ở trong Nam và ngoài Bắc, thường trong Nam họ thích Việt hóa những phim bom tấn, vô tình điều này lại khiến họ tự làm khó mình.
Với những món ăn ngon khi khán giả họ “ăn” lần đầu thường sẽ nhớ rất lâu, những lần “ăn” sau dù có ngon đến đâu chắc chắn vẫn sẽ bị so sánh. VFC lại khác, mọi người thường Việt hóa những tác phẩm không quá đình đám, quan trọng là khâu kịch bản đã làm rất tốt, sửa đổi rất nhiều để phù hợp với thị hiếu khán giả Việt. Chưa kể phim của VFC cũng không lấy cái mác Việt hóa hay mượn danh của bản gốc để PR phim.
Làm diễn viên phải tự biết tránh những mối quan hệ không cần thiết để khiến vợ không cần lăn tăn nhiều
Tình Yêu Và Tham Vọng là một dự án được đầu tư khủng, Sinh Tử trước đó cũng vậy nhưng lại không thành công như kì vọng, anh có thấy tiếc không?
Khi bắt đầu sản xuất chúng tôi đã định hướng được phân khúc khán giả. Sinh Tử là một thử thách, thử thách về rất nhiều khía cạnh mà quan trọng nhất chính là đối tượng khán giả. Với bộ phim này, đối tượng hướng đến là những người từ 35 - 40 tuổi trở lên, người trẻ và các bà nội trợ sẽ không thích Sinh Tử.
Phim chính luận có những điều khô khan, những vấn đề chuyên ngành nhất định, ngay cả các diễn viên cũng gặp không ít thử thách để có thể hoàn thành bộ phim, ví như vai diễn của tôi, anh ta đóng khung và luôn có những quy chuẩn. Chính điều này khiến một bộ phận khán giả không hiểu hết nội dung nhưng với những thành tích mà Sinh Tử đã đạt được thì cũng là một thành công nhất định cho dòng phim chính luận rồi.
Tình Yêu Và Tham Vọng lại thiên hướng dạng phim drama nhiều hơn, nó không gần gũi như Về Nhà Đi Con hay Sống Chung Với Mẹ Chồng,...
Mỗi dạng sẽ có những lượng khán giả khác nhau, phim theo kiểu gần gũi sẽ tạo được tính đại chúng rất cao từ người lớn tuổi hay những khán giả rất là nhỏ thì cũng đều thích xem. Còn dạng phim drama như Tình Yêu Và Tham Vọng lại kén chọn hơn đôi chút, chưa kể khán giả phải theo dõi xuyên suốt mới hiểu được phim thành ra cũng bị hạn chế nhiều hơn.
Ở Tình Yêu và Tham Vọng, khán giả đặc biệt thích cảnh nóng của Phong, một vài chia sẻ về phân cảnh đặc biệt này chứ?
Đó không hẳn là cảnh nóng đâu mà là một dấu mốc rất quan trọng trong quá trình chuyển biến tâm lý nhân vật. Ở phân cảnh đấy, tôi phải làm sao cho khán giả nhận ra rằng Phong không phải là người đàng hoàng nữa rồi, bắt đầu lộ ra sự mưu mô và nham hiểm của mình.
Như mọi người thấy đấy, phân đoạn đó diễn ra khi mọi thứ đã xong xuôi, Phong gọi điện cho Linh không được và bắt đầu cáu gắt còn chuyện cảnh nóng diễn biến ra sao thì không hề miêu tả cặn kẽ.
Nói chính xác đây là phim truyền hình chứ không phải phim điện ảnh, nếu là phim điện ảnh thì có thể đạo diễn sẽ làm sâu thêm cảnh nóng đó để tạo sự thu hút. Phim truyền hình có những quy chuẩn riêng vì nó hướng tới nhiều đối tượng khán giả, không thể làm mọi thứ quá lên được.
Tiện nhắc đến nhân vật Linh, anh có nhận xét gì về người đảm nhận vai diễn này - Diễm My 9x không?
Tôi rất bất ngờ về phong cách làm việc của Vinh và My, hai bạn rất chuyên nghiệp. Tôi ít diễn chung với Vinh, chỉ có vài phân đoạn, phần lớn là xuất hiện cùng My. Diễm My làm việc rất nghiêm túc, nếu như ngày hôm sau có cảnh khó thì My đều học trước và tập luyện lời thoại rất kỹ. Thành ra đến trường quay, các cảnh quay không phải mất quá nhiều thời gian, chỉ cần phối hợp với nhau thật tốt thôi. Tuy là lần đầu tiên nhưng tôi và My làm việc rất hợp rơ, những cảnh đầu tiên quay đều là cảnh khó nhưng lại phối hợp rất ổn.
My là người làm việc rất nghiêm túc và chuyên nghiệp. Khi diễn cùng với bạn diễn, sự gắn kết đặc biệt quan trọng, diễn cùng My tôi thấy rất ổn kể cả những phân đoạn tình cảm hay cáu giận thì đều tốt. Cho đến thời điểm này thì tôi thấy My là một bạn diễn mà mình phối hợp rất là tốt, hai anh em cũng giữ mối quan hệ đồng nghiệp thân thiết vì đều là những người trẻ nên làm việc với nhau cũng thoải mái.
Thân thiết với bạn diễn như vậy có sợ vợ ghen?
Chúng tôi biết nhau quá lâu rồi, tôi và vợ học cùng nhau từ cấp hai rồi, cuối lớp 12 mới bắt đầu yêu rồi ở bên nhau thêm 6 năm nữa mới cưới. Nếu nói về ghen thì vợ tôi chỉ ghen đúng một lần duy nhất, đó là ở phim đầu tiên tôi tham gia và có cảnh hôn, lúc đó tôi đang học Đại học năm thứ 2 nhưng đó chỉ là ghen theo kiểu yêu đương tuổi teen, giận hờn vu vơ rồi lại lành ngay. Đặc thù nghề diễn là phải tiếp xúc với rất nhiều người và có cả những cô gái rất xinh đẹp.
Điều quan trọng nhất là tôi và vợ đã biết nhau quá lâu, rất hiểu nhau rồi nên không có gì phải lăn tăn cả. Dĩ nhiên tôi luôn ý thức việc giữ khoảng cách với bạn diễn nữ, như việc gặp gỡ riêng với đồng nghiệp khác giới là điều không bao giờ có. Thân thiết thật nhưng phải tự biết tránh những trường hợp không cần thiết đi để vợ mình không phải lăn tăn nhiều. Phụ nữ có thoải mái hay tâm lý đến mấy thì mình cũng nên tránh điều đấy ra.
Một cặp đôi mẫu mực nhỉ, cuộc sống hiện tại hẳn là viên mãn lắm?
Sau chương trình Bố Ơi Mình Đi Đâu Thế rất nhiều người ca ngợi cuộc sống riêng của tôi. Nhưng thú thật tôi và vợ tôi đều xem đó là điều rất bình thường và cũng chưa bao giờ nghĩ rằng mình phải xây dựng một gia đình kiểu mẫu với khán giả. Gia đình tôi bây giờ và kể cả trước đây khi tham gia Bố Ơi thì vẫn vậy, chẳng khác điều gì cả. Có lẽ chính vì sự dung dị như thế mà khán giả họ lại thích.
Tôi nghĩ không nên để công việc của mình ảnh hưởng đến cuộc sống. Vốn dĩ đã làm diễn viên thì đã là người của công chúng thì việc khán giả để ý đến chuyện gia đình cá nhân là điều không tránh khỏi, huống hồ gì trước đây tôi cũng đã tham gia những chương hình truyền hình thực tế và show hết gia đình của mình ra rồi.
Ngay tại thời điểm tham gia chương trình tôi đã xác định cho dù sau này như thế nào thì gia đình tôi vẫn sẽ như vậy. Tôi và bà xã rất đồng quan điểm với nhau, thoải mái và nhẹ nhàng trong vấn đề này nên không có chuyện phải cố gắng xây dựng hình tượng gì ở đây cả.
Tiểu tam, giật chồng gần gũi đấy nhưng lâu rồi cũng chán, Tình Yêu Và Tham Vọng đang mang tới sự chuyển đổi cho truyền hình Việt
Anh từng có cơ hội rất tốt để phát triển sự nghiệp trong Sài Gòn, phải chăng chính cuộc sống gia đình viên mãn là điều níu chân anh ở lại Hà Nội?
Từ trước đến nay tôi vẫn thích ở Hà Nội hơn vì quen nếp sống lại được gần gia đình, anh em bạn bè. Trước đây thời còn rất trẻ, lúc mới vào Đại học thì tôi đã có rất nhiều cơ hội để lập nghiệp trong Nam.
Thời điểm đấy, vừa tốt nghiệp lớp 12 tôi đã được giải siêu mẫu rồi, điều này mở ra cho tôi cơ hội vào Nam, xây dựng hình tượng nghệ sĩ giải trí. Nhưng tôi đã chọn sẽ đi theo con đường chuyên nghiệp đàng hoàng và học Đại học ngoài Bắc. Tôi cũng khá may mắn khi vào thời điểm vừa tốt nghiệp xong thì đúng lúc phim truyền hình rất thành công.
Giờ vẫn nhiều người nói vào Nam đóng phim điện ảnh, cơ hội được phủ sóng nhiều hơn nhưng thực chất tôi không quá câu nệ chuyện làm phim điện ảnh hay truyền hình miễn là có kịch bản tốt. Ở nước ngoài phân khúc điện ảnh rất rõ rệt và nó ở một tầm cao khác so với truyền hình nhưng ở Việt Nam không đến mức như thế. Hiện nay nước ta còn có rất nhiều phim điện ảnh chất lượng không cao, mỗi năm đều có những phim như vậy mời tôi, họ chỉ cần cái tên để xin tài trợ và bán vé thôi nhưng tôi không nhận lời.
Quan điểm của tôi rất rõ ràng, làm phim theo chiều hướng nghệ thuật, không bán vé thương mại nhưng giúp tôi trau dồi được kỹ năng và được nhìn nhận về năng lực thì tôi vẫn làm. Nói chung điều tôi quan tâm nhiều hơn là chất lượng phim, nếu sắp tới có những tác phẩm điện ảnh tốt gửi lời mời thì tôi sẽ cân nhắc tham gia.
Thực ra tôi cũng tham gia một phim chiếu rạp là Thầu Chín Ở Xiêm, khi tôi vào vai Bác Hồ thời trẻ, đó chính là kiểu phim không bán vé thương mại nhưng cho tôi rất nhiều bài học quý báu.
Bác Hồ thời trẻ hẳn là một vai đáng nhớ của anh?
Đúng rồi, thậm chí còn là vai diễn ấn tượng nhất cho đến bây giờ. Vai đó không quá nặng nề về diễn xuất tâm lý nhưng việc phải hóa thân vào một nhân vật vĩ đại như Bác Hồ mới là điều khó khăn. Tôi vẫn nhớ thời điểm đấy khi đang quay dở Đường Lên Điện Biên của anh Bùi Tuấn Dũng, anh có nói với tôi rằng dự án sau phải cân để làm tiếp với anh, lúc đó tôi cũng hỏi mình vào vai gì nhưng anh không nói.
Sau này mới biết mình phải làm vai Bác Hồ, tôi ngạc nhiên và hoang mang lắm vì trước tiên ngoại hình của tôi không hề giống Bác chút nào. Anh Dũng nói rằng anh không xây dựng một hình tượng phải rập khuôn, mỗi đạo diễn sẽ có những cách xây dựng khác nhau họ hoàn toàn có thể chọn nhân vật trong tưởng tượng.
Đến khi casting xong thì anh Dũng đạo diễn một mực bảo tôi làm vai này, nên tôi cũng quyết định liều luôn. Rất may trong quá trình quay rất ổn, đạo diễn cũng khen tôi diễn tốt, khi phim ra rạp nhiều bài báo khen rằng tôi đã diễn thoát được khỏi những vai Bác đã từng rất thành công trước đây của các đàn anh như Tiến Vượng hay Trần Lực. Có những phân đoạn đến giờ tôi vẫn nhớ, như là cảnh mà tôi đứng ở biên giới Lào nhìn về Việt Nam rồi đau đáu nhớ quê hương chẳng hạn.
Cảnh đó có sự khắc khoải, chiều sâu và toát được ra khí chất của một người trẻ yêu nước. Phân đoạn đó sau này cũng được đạo diễn sử dụng để làm poster luôn. Những vai không cho phép mình quá bay bổng như Bác gây ra không ít khó khăn cho diễn viên. Sau vai diễn đó thì tôi tự tin hơn về việc nhận vai bởi nhận ra có những rào cản ban đầu nghĩ không thể vượt qua được nhưng cứ dấn thân vào, biết đâu lại làm được.
Quay lại với chuyện làm phim 2 miền Bắc - Nam, anh có thấy rằng các ekip miền Bắc thích lựa chọn những gương mặt thân quen, điều này vô tình khiến những bạn trẻ không có cơ hội phát triển như trong Nam?
Đôi khi ngay cả nhà sản xuất hay đạo diễn họ cũng đều muốn lựa chọn phương án an toàn. Nhưng gần đây tôi cũng thấy các đạo diễn đã bắt đầu đẩy những diễn viên trẻ vào rồi, đương nhiên để có một dàn diễn chất lượng thì phải thanh lọc, cài cắm đan xen dần. Tuy nhiên vẫn không phải là không có ngoại lệ như Nhà Trọ Balanha chẳng hạn, các bạn trẻ đã làm rất tốt và rất thành công.
Mỗi bộ phim thường đan xen có thêm một vài diễn viên mới, nếu làm tốt thì đó sẽ là bước đệm cho các vai diễn sau còn nếu làm không thì ngay lập tức sẽ bị đào thải thôi. Cá nhân tôi thấy làm với các bạn trẻ tôi học hỏi được vô số điều hay ho từ các bạn ấy, như sự tươi mới phù hợp với gu khán giả hiện nay chẳng hạn.
Đó là câu chuyện về diễn viên còn chuyện đề tài làm phim thì sao, dường như khán giả của VFC hiện nay chỉ thích drama giật chồng, tiểu tam?
Mỗi một giai đoạn gu xem phim của khán giả sẽ khác đi, thời điểm khoảng 3, 4 năm, khán giả rất thích phim về tình yêu. Thế nhưng nếu cứ mãi làm phim về tình yêu thì cũng sẽ chán. Nhà sản xuất nắm rất rõ nhu cầu của khán giả, họ cân đong đo đếm kỹ việc này, đến thời điểm nào thì xây dựng phim theo kiểu mô hình như thế nào.
Theo tôi nghĩ VFC hoàn toàn đúng, cách đây khoảng 1, 2 năm công chúng thích đề tài về mẹ chồng, tiểu tam nhưng nếu cứ lặp lại khoảng 2 năm nữa thì khán giả sẽ thấy nhàm chán ngay. Dần dần những phim khác thay thế sẽ không còn quá nhiều màu sắc tiểu tam nữa, rồi khán giả sẽ lại thích và đón nhận thôi.
Tất nhiên nếu chọn phương án an toàn và xây dựng theo motip cũ sẽ có được lượng view cao nhưng nếu để một thời kỳ phim như vậy quá dài thì chưa chắc đó là điều hay, phải dần chuyển thổi thôi.
Nhưng có vẻ lần chuyển đổi này hơi lâu nhỉ?
Đương nhiên, không chỉ phim Việt Nam mà phim cả Châu Á thì đề tài tiểu tam luôn là đề tài muôn thuở, nó như là vào cái nọc của khán giả thành ra đề tài tiểu tam rất dễ được chú ý. Sang một đề tài khác tôi nghĩ cần có thời gian để cho khán giả họ cảm nhận thích và đón nhận điều mới. Và Sinh Tử hay Tình Yêu Và Tham Vọng sẽ dần giúp khán giả cảm nhận, đón nhận những điều mới mẻ ấy.
Cảm ơn Mạnh Trường vì những chia sẻ thú vị lần này. Chúc anh sẽ có thêm thật nhiều những vai diễn ấn tượng.
Tình Yêu Và Tham Vọng lên sóng vào 21h30 thứ Hai, thứ Ba hàng tuần trên kênh VTV3.