Cứu tinh của trẻ mồ côi
Đến huyện Chư Sê hỏi về “ông Nhật nuôi trẻ mồ côi” ai cũng biết. Tìm đến nhà ông đợi khoảng 30 phút, ông Nhật đi chợ về với một bao tải dép trên tay. Khoảng 20 em nhỏ chạy ra cầm giúp, 5 em khác cõng em trên lưng cũng chạy ra mừng rỡ.
Ông Nhật kể: Buổi chiều năm 2005, lúc đi trên Quốc lộ 25 thấy những con quạ đang sà xuống bất thường bên đường. Vội vã chạy đến đuổi lũ quạ ông lạnh người khi thấy em bé vừa lọt lòng đã chết. Ông Nhật giận bản thân vì giá như có thể đến trước 5 phút mọi chuyện sẽ khác.
Ông Nhật quyết định tìm những người nhặt rác, người buôn bán ở các chợ và tất cả bạn bè, nói rằng nếu thấy em nhỏ nào bị bỏ rơi hãy báo cho mình.
Khoảng 2 năm sau, một lần đi làm ở xã Ia H’la (huyện Chư Pưh, Gia Lai) gặp cảnh người dân đang kẹp một bé sơ sinh vào giữa hai chân của người mẹ đã chết để chôn cùng, ông Nhật ngăn lại.
Người dân không cho vì họ quan niệm rằng, nếu người mẹ sinh con bị chết thì phải chôn theo đứa bé, nếu không lớn lên sẽ thành quỉ dữ.
Chấp nhận bị đánh, ông Nhật quyết ngăn cản bằng được hủ tục này. 3 tiếng đồng hồ giằng co, già làng quyết định “Nếu anh muốn nuôi con quỉ này thì phải mua 1 con heo to để làng cúng xin Yàng (thần linh), và phải mang nó đi xa làng”.
Vét hết trong người chỉ được 300 nghìn đồng, ông Nhật vay mượn bạn bè được 1 triệu đồng nữa mua con lợn 50kg đưa cho làng để chuộc đứa trẻ.
Vất vả chưa dừng lại, em bé đói sữa mẹ, ông Nhật bế đi khắp nơi xin những người mới sinh con sữa. Nhưng thằng bé đen thui, nặng hơn một ký làm người ta sợ bệnh tật, không cho bú chung, phải vắt ra chén nhỏ.
Mỗi người cũng chỉ giúp 2 lần, bởi người dân đa phần ăn uống khổ sở nên ít sữa. “Lên 2 tuổi lại phát hiện nó bị bệnh tim. Nhà chỉ có vài sào cà phê bán cũng không đủ tiền mổ. May sao có người giới thiệu gặp được tổ chức từ thiện ở Huế.
Họ tài trợ toàn bộ, hết 42 triệu đồng. Hơn 14 năm trôi qua rồi, giờ nó nghịch lắm. Tôi đặt tên cho nó là Đinh Hồng Phúc với mong muốn hồng phúc đến với con trong tương lai”- Ông Nhật nói rồi rưng rưng nước mắt.
Ông Đinh Minh Nhật cùng các con nuôi của mình
Một năm sau ông Nhật lại nghe người dân bàn tán ở xã Ia Glai (huyện Chư Prông, Gia Lai) có hai vợ chồng không may bị tai nạn chết, để lại 5 đứa con (đứa lớn 9 tuổi, bé út 2 tuổi) nhưng không ai chăm sóc.
Xe đạp không chở hết, ông Nhật cùng 5 người con nuôi đi bộ hơn 40km về nhà. Thời gian đó, để có tiền nuôi các con, ông Nhật phải lên thành phố Pleiku làm thuê trong các bệnh viện. 3 đứa lớn ông Nhật để ở nhà tự nấu ăn, 3 đứa nhỏ ông địu đi cùng.
Vài năm sau tích cóp mua được chiếc xe máy cà tàng ông nhờ thợ hàn nối dài phần đuôi để chở các con. Có đợt 6 người chở nhau lên thành phố Pleiku thì bị công an bắt, nhưng khi trình bày hoàn cảnh họ cho đi và cho thêm tiền giúp đỡ.
Ông Nhật kể: 3 năm sau mấy đứa con nuôi của tôi chơi ở xã Ia Ko (huyện Chư Sê) thấy một đứa một đứa bé tím tái đang nằm ven đường vội chạy về hét to “Cha ơi, có đứa bé bị chết ở ven đường”. Tôi đến lật lên thì thằng bé vẫn sống nhưng không có hậu môn.
Về bán hết lợn, bò vào TP Hồ Chí Minh để giải phẫu cho nó nhưng không đủ. May mắn lại đến khi tôi được bạn bè giới thiệu gặp ông Trương Minh Thiêm (60 tuổi, thành phố Pleiku, Gia Lai) hỗ trợ 27 triệu đồng.
Chữa xong hết sạch tiền về, tôi nợ tài xế xe khách 200 nghìn đồng, một tuần sau mới trả lại được. Tên nó là Đinh Anh Hùng (9 tuổi), mọi người hay gọi là “Thúi” vì phải đi vệ sinh bên hông.
Những người con hiếu thảo
Có người trực tiếp mang tới cho ông Nhật những trẻ bị bỏ rơi, còn nơi xa thì gọi điện báo. Bởi vậy, những người con nuôi của ông không chỉ ở tỉnh Gia Lai, nhiều em bị bỏ rơi ở mãi Nha Trang, Đắk Lắk,...
“Kể từ khi đưa thằng Đinh Hồng Phúc về nuôi đã 14 năm trôi qua, ngày nào cũng vất vả, chưa lo xong đứa này thì lại nghe đứa khác bị bỏ rơi.
Mỗi đứa mỗi hoàn cảnh đau lòng, điểm chung là tất cả chưa đứa nào thấy mặt bố mẹ đẻ của nó” - Ông Nhật chia sẻ và cho biết trong nhà ông có 106 em (1 đến 23 tuổi).
Để trang trải cuộc sống, vào mùa vụ ông Nhật dẫn đầu “đội quân” đi làm thuê. Nhỏ chơi ngoài bờ, lớn hái cà phê. Những năm người dân mất mùa phải ăn chịu ở những quán tạp hoá bên cạnh, đến vụ đi làm công trả lại.
Ai cũng vui vẻ giúp đỡ, người cho gạo, đến năm học thì cho sách vở,... Thấy ông Nhật cùng các con phải gia cố lại chuồng lợn để ở, người hàng xóm làm thợ mộc cho vay 500 triệu đồng giúp xây nhà, còn nói “khi nào có thì trả”. Hiện ông Nhật và các con của mình đã trả được 300 triệu đồng.
“Nhiều khi hết gạo không biết ngày mai ăn gì thì buổi tối có nhà hảo tâm mang vài bao gạo đến. Như anh Thành Dư ở thành phố Pleiku thường đi vận động mọi người giúp đỡ cha con chúng tôi. Hôm qua anh Dư chở cả trăm bộ quần áo xin được từ doanh nghiệp mang xuống cho bọn trẻ để tránh rét” - Ông Nhật nói.
Cô giáo Trần Thị Thùy Trang (SN 1986, thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê) thường xuyên đến dạy miễn phí cho những người con nuôi của ông Nhật. Cô Trang cho biết: Bác Nhật không có vợ con. Năm trước đi khám bác Nhật phát hiện một khối u ở não.
Số tiền chạy chữa rất lớn, nhưng nghĩ đến việc mỗi tháng ở đây tiêu thụ hết 6 tạ gạo, bác tính toán thiệt hơn nên không đi chữa nữa. Mới đây có một bác sĩ ở TP Hồ Chí Minh nghe tin đã tài trợ 3 mũi tiêm, nhưng chưa khỏi.
“Bác Nhật lo nhất cho 6 đứa nhỏ bị khuyết tật, không biết vài năm nữa sẽ ra sao” - Cô Trang chia sẻ.
Một điều ấn tượng mà ai cũng thấy khi vào nhà ông Nhật, đó là sự lễ phép của tất cả các em. Khuôn viên khoảng 2 sào với 3 dãy nhà lúc nào cũng sạch bóng.
Trong 106 người con của ông Nhật có 10 người đang học đại học, 16 em đi học nghề, còn lại đang học phổ thông. Mỗi em có một tài riêng, như em Ra Lan H”Oanh (23 tuổi) đang học đại học Sư phạm Huế, hay Rơ Lan Chiên (SN 2004), đang thể hiện là một tài năng bóng đá.