Trên chuyến tàu tới Bắc Kinh, Trung Quốc, một bác nông dân chia sẻ câu chuyện dạy con của mình khiến cả toa tàu bất ngờ.
Bác nông dân gày gò, khắc khổ có hai người con học rất giỏi. Con gái lớn 3 năm trước thi đỗ Đại học Thanh Hoa. Con thứ hai năm nay thi đỗ Đại học Bắc Kinh. Đây là hai trường đại học lớn nhất Trung Quốc, nơi sản sinh hàng loạt nhân tài cho đất nước tỷ dân.
"Bác có bí quyết nào để hai con vào được trường danh tiếng nhất nước vậy?", một hành khách tò mò hỏi.
"Trình độ văn hóa của tôi rất thấp. Tôi cũng không có bí quyết cao siêu nào cả. Chỉ là tôi để các con dạy mình thôi. Khi còn nhỏ, gia đình khó khăn nên tôi không được học hành đến nơi đến chốn.
Thế nên khi có con, tôi không có nhiều kiến thức để dạy bọn trẻ. Mỗi ngày khi con đi học về, tôi đều yêu cầu con thuật lại cho mình xem hôm nay giáo viên dã dạy những gì rồi đề nghị con giảng lại cho mình.
Nếu con hiểu bài, nó sẽ giảng cho tôi hiểu. Nếu nó không hiểu bài, không giảng được cho tôi thì ngày hôm sau, tôi bảo nó đến nhờ giáo viên chỉ lại cho bằng hiểu rồi về nhà "dạy" cho bố", bác nông dân từ tốn trả lời.
Nhờ cách này mà các con của bác nông dân vừa là học sinh, vừa là "thầy giáo" và học hành tiến bộ hơn rất nhiều. Cứ thế, các con tốt nghiệp tiểu học, lên trung học rồi đỗ vào các trường hàng đầu Trung Quốc.
Sau khi nghe câu trả lời của bác nông dân, hành khách trên tàu đều sững sờ. Quả thật cách làm của bác nông dân tuy đơn giản nhưng lại vô cùng hiệu quả, khiến cho các con hiểu được kiến thức một cách cặn kẽ.
Từ câu chuyện có thật này, chúng ta thấy được việc để con trở thành "giáo viên" sẽ khuyến khích khả năng học tập, tìm hiểu bài vở của con hơn. Con sẽ tự thân vận động, chủ động yêu thích việc học tập, thay vì thụ động chờ giáo viên nhồi nhét kiến thức.
Cụ thể, việc để con tự trở thành một người "thầy" sẽ đem lại những lợi ích sau:
1. Khiến con yêu thích việc học tập một cách tự nhiên
Như đã nói ở trên, để con tự trở thành "thầy" sẽ khuyến khích đam mê học tập của con. Con sẽ phấn khích với việc khám phá những kiến thức mới để truyền tải lại cho người khác, hoặc tự thỏa mãn đam mê học tập, tìm tòi của bản thân.
Không chỉ vậy, con sẽ không quan tâm đến việc so sánh với những đứa trẻ khác mà chỉ so sánh với chính bản thân mình, cố gắng sao để bản thân không ngừng tiến bộ. Đây chính là trạng thái tốt nhất của việc học.
2. Khiến con tự tin vì được đánh giá cao
Trong câu chuyện của bác nông dân, vì được bố tin tưởng nhờ làm "thầy" mà hai người con trở nên tự tin hơn và có thêm động lực học tập. Chính nhờ sự tôn trọng, nhìn nhận năng lực của bố mà các con bác nông dân đã phát triển hơn về sức khỏe tinh thần. Điều này được minh chứng qua nhiều trường hợp của những người thành công trên thế giới.
Juan Carlos Echeverry Bernal, ca sỹ Opera nổi tiếng thế giới người Columbia từng bị giáo viên âm nhạc nhận xét không có năng khiếu, "hát như gió thổi tung rèm cửa" vào năm 10 tuổi.
Juan từng buồn khổ và định bỏ cuộc nhưng sau đó, mẹ Juan đã khẳng định: "Con là một tài năng âm nhạc tuyệt vời. Ngày hôm nay con đã hát tốt hơn hôm qua rất nhiều. Mẹ tin rằng rồi con sẽ trở thành một ca sĩ xuất sắc". Sau này, Carlos thực sự thành tài. Nhớ lại quá trình trưởng thành, ông từng nói: "Chính lời khẳng định của mẹ đã đem lại cho tôi kết quả tốt đẹp ngày hôm nay".
3. Khiến con rèn được khả năng độc lập
Vì trình độ văn hóa thấp nên bác nông dân không thể dạy dỗ, kèm con học. Nhưng chính điều này lại gián tiếp khiến hai người con thành tài và rèn được sự độc lập.
Việc phải "dạy" lại cho bố khiến hai người con chăm chỉ học tập hơn, chủ động, bỏ nhiều thời gian hơn cho bài vở. Bởi hai người con biết, mình không thể nhờ bố giải giúp bài tập khó như những người bạn khác. Thay vào đó, con phải tự làm mọi việc, tự độc lập trong con đường học tập của mình.
4. Khiến con được lắng nghe và hồi đáp
Lắng nghe và hồi đáp là tiền đề của giao tiếp nhưng đôi khi vì bận rộn mà bố mẹ lại bỏ qua, xao nhãng điều này. Chẳng hạn như khi bố đang bận việc thì con chạy lại hỏi bài. Thay vì giảng bài cho con, bố lại xua tay từ chối. Kết quả đứa trẻ cũng bỏ ngang bài vở và chạy đi xem phim hoạt hình, đọc truyện.
Trên thực tế, điều này có thể ảnh hưởng rất nhiều đến khuôn mẫu hành vi của con trong tương lai cũng như thói quen xử lý vấn đề. Việc không được lắng nghe, chia sẻ sẽ khiến con chai lỳ về mặt cảm xúc, hoặc không phát triển được kỹ năng giao tiếp.
Trong trường hợp của bác nông dân, vì thường xuyên lắng nghe, trao đổi nên các con không chỉ có thêm kiến thức mà tăng cả khả năng giao tiếp. Không chỉ vậy, bác nông dân còn đặt cái tôi xuống để nói chuyện, nhờ con làm "thầy". Đây là điều rất quan trong, giúp bố mẹ và con cái giao tiếp dễ dàng hơn.