Do đó, nhiều sự chú ý đang đổ dồn vào ông Biden bởi ông sẽ phải quyết định liệu có chia sẻ công khai nội dung các cuộc gọi tổng thống Trump với lãnh đạo nước ngoài hay tiếp tục giữ kín các bí mật này và những thông tin "nhạy cảm" khác giữa nguy cơ thông tin bị rò rỉ.
Trả lời CNN, một thành viên liên quan tới đội ngũ chuyển giao quyền lực của ông Biden cho biết hiện ông Biden vẫn chưa đưa ra quyết định về việc sẽ làm gì với những thông tin bí mật này khi nhậm chức vào ngày 20/1 tới. Có khả năng cao đội ngũ ông Biden sẽ giữ kín các thông tin trong thời gian đầu, hoặc ít nhất tới khi ông Jake Sullivan - cố vấn an ninh quốc gia được ông Biden lựa chọn - có thể tiếp cận các thông tin an ninh.
Một quan chức cấp cao Mỹ cho biết ông Biden sẽ được tiếp cận máy chủ bí mật chứa các thông tin tối mật liên quan tới cuộc đối thoại của ông Trump với lãnh đạo nước ngoài. Ngoài ra, chính quyền ông Trump cũng chuẩn bị chia sẻ các thông tin được cho là liên quan tới quá trình đưa ra quyết định trong tương lai.
Được biết, các vụ rò rỉ thông tin khi ông Trump đối thoại với các lãnh đạo Mexico và Australia trong những ngày đầu ở Nhà Trắng là hậu quả của chính sách lỏng lẻo trong việc ghi âm - lan truyền thông tin. Do đó, các quan chức Mỹ buộc phải sử dụng một máy chủ bí mật để ghi âm các cuộc gọi liên quan tới lãnh đạo Ả Rập Saudi, Nga và Ukraine.
Khi ông H. R. McMaster trở thành cố vấn an ninh quốc gia dưới thời ông Trump vào tháng 2/2017, danh sách người được tiếp cận máy chủ ngày càng ít hơn. Dù vậy, vẫn có một số cá nhân có thể tiếp cận các thông tin từ cổng máy tính truyền thống của Ủy ban An ninh Quốc gia, nơi xử lí mọi thông tin, ngoại trừ nội dung về chiến dịch của CIA.
Nhà Trắng cũng đã hạn chế tối đa số người có thể nghe các cuộc gọi của ông Trump và những người có thể tiếp cận các đoạn ghi âm sau khi những cuộc gọi này kết thúc.
Một quan chức thuộc đội ngũ chuyển giao quyền lực nói: "Việc có quá nhiều người tiếp cận thông tin mật khi ông Trump bắt đầu làm tổng thống - về mặt nào đó khá tốt, nhưng cũng có những điểm bất lợi. Xét trên môi trường chính trị thay đổi hiện tại, có thể việc duy trì kiểm soát các cuộc gọi là điều nên làm, mặc dù không phải là dưới hình thức máy chủ bí mật".
Có nhiều lĩnh vực đã thay đổi, đặc biệt khi chính sách và công nghệ của Mỹ đã thay đổi 4 năm sau khi ông Biden rời khỏi Nhà Trắng, đặc biệt là vấn đề Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ.
Một số quan chức cho biết các cuộc đối thoại với tổng thống Nga Vladimir Putin và Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed Bin Salman sẽ chỉ được chia sẻ nếu liên quan tới chính sách chưa hoàn thiện hoặc một số vấn đề an ninh quốc gia.
Ông Biden sẽ nhận bắt đầu nhận Báo cáo Hàng ngày cho Tổng thống từ ngày 30/11 tới. Đây là hoạt động tổng thống đắc cử thường được tiếp cận từ sớm nhưng tới nay đã bị trì hoãn tới gần 4 tuần do ông Trump từ chối nhận thua.
Hiện tại, ông Trump vẫn khẳng định chưa thua cuộc trước "tổng thống đắc cử" Joe Biden. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vẫn tuyên bố rằng sẽ có cuộc chuyển giao sang "nhiệm kỳ thứ 2" của ông Trump. Trong khi đó, ngày 25/11, ông Trump đã có một số thắng lợi tại các bang chiến trường. Cụ thể, tòa án đã đồng ý hoãn xác nhận kết quả chiến thắng ở bang Pennsylvania tới ngày 27/11 và cũng đồng ý cho chiến dịch tranh cử của ông Trump trình lên các bằng chứng gian lận bầu cử ở bang Nevada.