Thông điệp mật từ Washington
Mỹ đã chuyển thông điệp thông qua chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ trong những ngày gần đây tới các nhóm nổi dậy tham gia vào cuộc tấn công chớp nhoáng lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad, chủ yếu là cảnh báo không được hợp tác với các chiến binh của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Các nhóm này đã phản hồi thông qua phía Ankara với lời đảm bảo rằng họ không có ý định cho phép IS tham gia vào phong trào, theo các quan chức Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ được thông báo về các thông điệp này.
Nhưng hiện tại, Tổng thống Mỹ Joe Biden và các cố vấn hàng đầu của ông đang tranh luận về mức độ làm việc trực tiếp với các nhóm đối lập trong tương lai, theo các quan chức giấu tên. Phe đối lập đã lật đổ ông al-Assad có tên là Hayat Tahrir al-Sham, từng là một nhánh của Al Qaeda và mặc dù đã tách khỏi nhiều năm trước, nhóm này vẫn bị Washington coi là một nhóm khủng bố.
Trong một tuyên bố trên truyền hình từ Nhà Trắng, ông Biden thể hiện sự lạc quan nhưng cũng rất thận trọng và không chắc chắn về các thế lực mới lên nắm quyền ở Syria.
"Chúng tôi đã ghi nhận các tuyên bố của những người lãnh đạo các nhóm vũ trang này trong những ngày gần đây và họ đang nói những điều đúng đắn. Nhưng khi họ đảm nhận trách nhiệm lớn hơn, chúng tôi sẽ đánh giá không chỉ lời nói mà cả hành động", ông Biden nói.
IS vẫn là mối quan tâm chính đối với các nhà lãnh đạo Mỹ.
"Chúng tôi hoàn toàn rõ ràng về thực tế rằng IS sẽ cố gắng lợi dụng bất kỳ khoảng trống nào để tái lập năng lực của mình, để tạo ra một nơi trú ẩn an toàn. Chúng tôi sẽ không để điều đó xảy ra", ông Biden cho biết.
Vì mục đích đó, Mỹ đã ra lệnh tiến hành các cuộc không kích nhằm vào các doanh trại và hoạt động của IS bên trong Syria hôm Chủ nhật 8/12. Các máy bay chiến đấu B-52, F-15 và A-10 đã tấn công hơn 75 mục tiêu ở miền trung Syria với khoảng 140 quả đạn, theo các quan chức Mỹ.
Ông Biden và ông Trump tuyên bố gì?
Ông Biden cho biết ông sẽ cử các quan chức đến Trung Đông và sẽ đích thân nói chuyện với các nhà lãnh đạo trong khu vực trong những ngày tới. Ông bày tỏ cam kết sẽ giúp Israel, Iraq, Jordan và Lebanon khi họ đối phó với những tác động lan tỏa có thể xảy ra của tình hình hỗn loạn ở Syria.
Sau nhiều năm cố gắng xử lý các cuộc khủng hoảng nước ngoài, ông Biden đã tìm cách nhận một phần công lao cho sự sụp đổ của nhà lãnh đạo Syria al-Assad.
Ông cho biết chiến thắng của lực lượng nổi dậy trước chính phủ của ông al-Assad là nhờ không còn sự ủng hộ của Nga, Iran và Hezbollah, tất cả đều do Mỹ can thiệp. Ông lưu ý rằng viện trợ quân sự và hỗ trợ ngoại giao của Mỹ cho Ukraine và Israel đã làm sa lầy lực lượng Nga ở châu Âu, giúp tiêu diệt Hezbollah ở Lebanon và ngăn chặn hai cuộc tấn công của Iran vào Israel. Do đó, không bên nào có thể giúp ông al-Assad tồn tại.
"Đây là hậu quả trực tiếp của những đòn giáng" do Ukraine và Israel gây ra "với sự hỗ trợ của Mỹ", ông nói thêm.
Tình hình càng trở nên phức tạp hơn do quá trình chuyển giao quyền lực tại Washington. Ông Biden chỉ còn 6 tuần nữa là hết nhiệm kỳ trước khi chuyển giao Nhà Trắng cho Tổng thống đắc cử Donald J. Trump, người tự hào về vai trò của mình trong việc đánh bại IS trong nhiệm kỳ đầu tiên.
Trong khi đó, những bình luận sau khi ông al-Assad sụp đổ vào Chủ Nhật của ông Trump đã không hé lộ nhiều quan điểm của ông về tương lai Syria. Thay vào đó, ông tiếp cận vấn đề theo hướng tác động của sự việc này đối với Nga.
"Assad đã ra đi", ông Trump viết trên trang mạng xã hội của mình. "Ông ta đã chạy trốn khỏi đất nước của mình. Người bảo vệ ông ta, Nga - không còn hứng thú bảo vệ ông ta nữa".
Ông nói thêm rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin nên theo đuổi các cuộc đàm phán hòa bình về Ukraine. "Cần phải có lệnh ngừng bắn ngay lập tức và các cuộc đàm phán nên bắt đầu", ông viết.