Tưởng mụn, nặn ra con sán đang ngoe nguẩy
Bệnh nhân được khám và điều trị tại Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương
Cách đây không lâu, các bác sĩ Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương đã tiếp nhận một bệnh nhân nữ 29 tuổi ở Sơn La. Theo người phụ nữ này, trong một lần chị vô tình thấy một nốt tổn thương vùng cạnh ngực phải. Vết nốt này to bằng hạt đỗ, ngứa ngáy thi thoảng có những cơn nhói đau.
Nghĩ mình bị viêm tuyến vú hoặc bị cái nhọt nên nên nhờ người nặn ra. Bất ngờ chị thấy một con sán làm tổ, ngoe nguẩy ký sinh tại đó. Sau đó, bệnh nhân đã đến Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương khám, xác định bệnh phẩm là sán lá gan lớn - Fasciola gigantica.
Theo các bác sĩ, đây là một ca sán lá gan lớn lạc chỗ rất hiếm gặp vì bệnh này thường gặp ở gan. Ngoài ra, nếu là sán lá gan lạc chỗ thường gặp ở cơ thẳng gần bụng, cơ tim, hoặc ở phổi, còn bệnh nhân này bị ở vú. Bệnh nhân này có chia sẻ chị rất hay ăn các loại rau thuỷ sinh, trồng dưới nước như rau cần, rau ngổ... Đây cũng là những loại rau được cảnh báo có chứa nhiều mầm bệnh sán.
Sán nhái dài 7 cm làm tổ ở não
Con sán nhái dài 7 cm chui lên não người đàn ông 52 tuổi - Ảnh: NP
Trước đó, một bệnh nhân nam 52 tuổi ở Lâm Đồng bị đau đầu, co giật, yếu nửa người đã được các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM gắp từ não một con sán dài khoảng 7 cm. Giải phẫu con sán sau đó xác định là loài sán ký sinh trong nhái.
Theo bác sĩ điều trị, sán nhái thường ký sinh ở mắt người, rất hiếm gặp trong não. Người dân có nguy cơ nhiễm sán khi ăn thịt ếch, nhái, gà, vịt, chim, rau sống hoặc sử dụng thức ăn không được làm sạch và chế biến kỹ.
Sán nhái khi nhiễm vào cơ thể sẽ theo mạch máu di chuyển đến các bộ phận, sau đó sinh sản và phát triển thành nhiều nang ở các vị trí khác nhau trong cơ thể. Nếu không điều trị kịp thời, người bệnh có nguy cơ nhiễm trùng, xuất huyết não, liệt nửa người không hồi phục, thậm chí tử vong.
Các chuyên gia ký sinh trùng cũng lưu ý, bệnh nhân bị nhiễm sán nhái qua 3 đường: Uống nước nhiễm ấu trùng sán; ăn thịt rắn, ếch, nhái... nấu chưa chín; đắp thịt ếch, thịt rắn lên vết thương hở. Ngoài ra, ấu trùng sán nhái xâm nhập qua da khi người dân bơi lội trong nước bẩn.
Bệnh nhân nghi ung thư phổi ngỡ ngàng vì mắc sán chó
Bác sĩ Bệnh viện Phổi Trung ương cũng ương tiếp nhận một bệnh nhân nam (42 tuổi, Thanh Hóa) và một bệnh nhân nữ (42 tuổi, Sơn La) đều bị nghi u phổi ở giai đoạn hai. Lúc nhập viện, hai bệnh nhân đều trong tình trạng khó thở, sức khỏe suy yếu do phổi ngày càng lớn nhanh đến chóng mặt, chèn lên các bộ phân khác.
Tuy nhiên, tiến hành làm xét nghiệm, các bác sĩ phát hoảng bởi trong phổi mỗi bệnh nhân có hàng ngàn con sán dây chó Dipylidium caninum đang sinh sôi, có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời. Đây là loại sán thường sống ký sinh ở chó nhà, chó rừng, mèo nhà, mèo rừng, cáo, linh cẩu, nhím...
Người phụ nữ ho khạc ra những sinh vật ngọ nguậy
Ăn các loại gỏi sống có nguy cơ mắc bệnh về ký sinh trùng
Một trường hợp khác là nữ bệnh nhân 50 tuổi, gần đây thấy trên da xuất hiện nhiều nốt sẩn ngoằn ngoèo, di chuyển, thi thoảng tức ngực, ho khạc ra những sinh vật nhỏ. Kết quả xét nghiệm huyết thanh xác định bệnh nhân bị nhiễm giun lươn.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, những trường hợp nhiễm giun lươn như trên không phải quá hiếm gặp. Cách đây không lâu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng tiếp nhận điều trị một bệnh nhân nam 70 tuổi bị sốt kéo dài, nhiễm trùng huyết nhiều lần.
Tại đây, bệnh nhân đã phải điều trị nhiễm trùng đồng thời với diệt giun lươn mới hết tình trạng nhiễm trùng huyết tái phát. Trước đó, bệnh nhân từng điều trị ở rất nhiều bệnh viện vì bị tái phát nhiễm trùng nhiều lần.
Giun lươn ký sinh dưới da
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, ngoài người, giun lươn chúng có thể gây bệnh cả ở chó mèo. Chúng sống tự do trong đất hoặc ký sinh ở động vật, với 3 giai đoạn vòng đời: Giun trưởng thành, ấu trùng rhabditiform và ấu trùng filariform.
Trong chu kỳ tự do, giun sống trong đất, đẻ trứng nở ra ấu trùng rhabditiform rồi lại phát triển thành giun trưởng thành.
Chúng cứ thế tồn tại vô thời hạn trong đất. Nếu người dân đi chân trần vào vùng đất có ấu trùng giun này, chúng sẽ đi xuyên qua da tạo các nốt di bệnh ngoằn ngoèo, vào máu đi lên phổi, xuyên qua phế nang theo đờm lên họng, bị nuốt xuống ruột phát triển thành giun trưởng thành ký sinh trong ruột.
Sán dây dài hơn 5 m được "bắt" ra khỏi cơ thể cô gái 27 tuổi - Ảnh: N.Thạnh
Gần đây nhất, một phụ nữ 27 tuổi ở TP HCM vừa được Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TP HCM "lôi" một con sán dây dài tới 5,3 m khỏi cơ thể. Trước đó, viện này từng xổ cho một người đàn ông và "bắt" được một con sán dài khoảng 6 m. Đây là hai trường hợp nhiễm sán dây dài kỷ lục được xổ ra ngoài.