Với biểu hiện thái độ cầu thị, thậm chí còn cả ăn năn hối hận, chính quyền Hồng Kông đã rút lại ý định thông qua bộ luật về dẫn độ tội phạm sang Trung Quốc đại lục, Đài Loan và Ma Cau. Tuy nhiên, những hoạt động biểu tình phản đối vẫn tiếp diễn ở Hồng Kông.
Trong bối cảnh tình hình ấy, diễn biến đáng chú ý là việc Bộ ngoại giao Trung Quốc triệu đại diện ngoại giao của Mỹ ở Trung Quốc lên gặp để cảnh báo và yêu cầu Mỹ chấm dứt những động thái mà Trung Quốc coi là can thiệp vào công chuyện nội bộ của Trung Quốc.
Việc này là bằng chứng mới về tình trạng quan hệ không được suôn sẻ hiện tại giữa Mỹ và Trung Quốc, đưa đến câu hỏi được đặt ra ở đây là tình hình Hồng Kông như thế ảnh hưởng như thế nào tới diễn biến tiếp theo và quá trình xử lý xung khắc thương mại hiện tại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Thiên hạ liên hệ nhiều đến khả năng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp nhau bên lề hội nghị cấp cao thường niên sắp tới của nhóm G20 được tổ chức ở thành phố Osaka của Nhật Bản và đến việc diễn biến ở Hồng Kông tác động đến mức nào tới kết quả của cuộc gặp.
Hồng Kông: Khúc mắc mới nhưng "nhỏ" giữa Mỹ và Trung Quốc
Hồng Kông từ năm 1997 là đơn vị hành chính đặc biệt của Trung Quốc với mô hình hành chính "Một đất nước, hai chế độ" có hiệu lực ít nhất cho tới năm 2047.
Lễ chuyển giao Hong Kong vào ngày 30/6/1997. Ảnh: SCMP
Mỹ thiết lập mối quan hệ đặc biệt với Hồng Kông bằng bộ luật có tên gọi là Hong Kong Policy Act năm 1992 (Đạo luật Chính sách Mỹ - Hong Kong năm 1992), coi Hồng Kông là một thực thể không có chủ quyền và dành cho Hồng Kông quy chế quan hệ đặc biệt khác với phần còn lại của Trung Quốc, đặc biệt trên những lĩnh vực kinh tế, thương mại, thực thi pháp luật, thị thực, dẫn độ, đầu tư...
Bộ luật này hiện càng quan trọng đối với Mỹ vì 2 lý do.
Thứ nhất, nó là cơ sở pháp lý để Mỹ xử lý quan hệ của Mỹ với Hồng Kông giống như bộ luật Taiwan Relations Act năm 1979 (Đạo luật Quan hệ Đài Loan) để Mỹ xử lý quan hệ của Mỹ với Đài Loan mà Mỹ đều có thể sử dụng làm công cụ chính trị trong quan hệ của Mỹ với Trung Quốc.
Thứ hai, Mỹ có nhiều lợi ích rất thiết thực ở Hồng Kông. Theo số liệu của Bộ Ngoại giao Mỹ, năm 2018 có 85.000 công dân Mỹ sống ở Hồng Kông và 1.300 doanh nghiệp Mỹ hoạt động kinh doanh ở Hồng Kông. Gần như tất cả các hãng luật, kiểm toán và tài chính lớn nhất của Mỹ đều hiện diện ở Hồng Kông. Mỹ xuất siêu nhiều nhất sang Hồng Kông (năm 2018 là 31,1 tỷ USD).
Liên quan đến vụ việc hiện tại ở Hồng Kông, phía Mỹ đã chính thức cảnh báo Trung Quốc về việc bào mòn thực chất của mô hình "Một đất nước, hai chế độ" và doạ sẽ xem xét lại luật Hong Kong Policy Act nói trên.
Đúng là Hồng Kông trở thành khúc mắc thêm mới giữa Mỹ và Trung Quốc và làm cho mối quan hệ song phương này hiện vốn đã trắc trở lại thêm trắc trở, vốn đã rất tế nhị và nhạy cảm về chính trị đối nội lại càng thêm hơn thế nữa.
Nhưng công bằng và khách quan mà nói thì không thể không thấy rằng chuyện Hồng Kông chỉ là chuyện nhỏ, nếu như không muốn nói là rất nhỏ, trong chuyện lớn hiện tại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Bước lùi sách lược của Trung Quốc
Trung Quốc có thể nhượng bộ Mỹ ở đâu đó khác và vào thời điểm nào đấy khác chứ không phải vào thời điểm hiện tại về Hồng Kông. Thể diện và can thiệp vào công chuyện nội bộ là hai điều xưa nay luôn vô cùng nhạy cảm, thậm chí còn có thể nói là nhạy cảm nhất đối với Trung Quốc.
Trung Quốc phản ứng chính thức rất gay gắt với Mỹ để thể hiện cho phía Mỹ thấy quan điểm thái độ kiên quyết và kiên định của Trung Quốc, để cảnh báo Mỹ và để phát đi thông điệp là chuyện Hồng Kông không nằm trong chương trình nghị sự của cuộc gặp giữa ông Tập Cận Bình và ông Trump ở Osaka - nếu như hai người này gặp nhau, Trung Quốc có thể và chỉ trao đổi thông tin chứ sẽ không thương thảo với Mỹ về việc này.
Trung Quốc có lợi từ quy chế đặc biệt của Mỹ dành cho Hồng Kông nhưng sẽ rất nhanh chóng lợi bất cập hại cho Trung Quốc nếu Mỹ sử dụng quy chế ấy làm con bài chính trị làm cho Trung Quốc gặp khó khăn trong việc không thực hiện được những mưu tính trước mắt cũng như lâu dài của Trung Quốc với Hồng Kông.
Nói theo cách khác, Trung Quốc sẽ không đánh đổi Hồng Kông lấy bất kỳ thứ gì khác từ Mỹ bởi hiện Mỹ không có cái gì đáng giá và Trung Quốc qua Hồng Kông và Ma Cau còn nhằm tới Đài Loan.
Trung Quốc tỏ ra rất kiềm chế, ôn hoà và như thể ở ngoài cuộc trong những diễn biến vừa rồi ở Hồng Kông nhưng lại rất quyết liệt với Mỹ. Đấy chỉ là một lần lùi bước sách lược của Trung Quốc mà thôi. Hiện tại ở Hồng Kông chưa phải lúc và chưa phải chuyện buộc Trung Quốc phải thể hiện hết uy quyền và sức mạnh.
Ông Trump chắc cũng biết vậy và cũng hiểu rằng Mỹ chỉ có thể thua chứ không thể thắng được Trung Quốc ở Hồng Kông và chuyện cạnh tranh chiến lược trên mọi phương diện của Mỹ với Trung Quốc, chứ không phải chuyện tương lai chính trị hay pháp lý của Hồng Kông, còn cần thiết và cấp thiết, quan trọng và quyết định đối với tương lai của nước Mỹ hơn nhiều.