Lời tòa soạn: Ở tuổi gần 80, trong khi nhiều đồng đội, bạn bè đều đã nghỉ ngơi, an hưởng tuổi già bên gia đình, con cháu thì chuyên gia Nguyễn Sỹ Hiển vẫn đang miệt mài gắn bó và trăn trở cho sự phát triển của bóng đá nước nhà.
Xuất phát điểm là một người lính đá bóng, trưởng thành trong môi trường quân đội của Thể Công, ông Hiển trải qua nhiều cương vị khác nhau, từ cầu thủ, HLV, nhà quản lý thể thao đến quan chức, tư vấn chuyên môn cho VFF.
Hành trình về cuộc đời và sự nghiệp của ông giống như một cuốn phim, mà ở đó ta thấy được từng câu chuyện, từng bước phát triển của bóng đá Việt Nam từ thời kỳ chiến tranh, bao cấp, rồi đến giai đoạn hội nhập với đủ hỉ nộ ái ố sau này. Tất cả tạo nên một nét rất riêng về một nhân vật tên tuổi trong làng bóng đá Việt Nam.
NGƯỜI LÍNH GIÀ BẬT KHÓC NGAY TRÊN SÓNG TRUYỀN HÌNH
Chiều tối ngày 23/1/2018, cả Việt Nam vỡ òa trong hạnh phúc với chiến tích lịch sử của đội U23, sau khi thầy trò HLV Park Hang-seo đánh bại U23 Qatar để giành quyền vào chung kết U23 châu Á. Rất nhiều người khi ấy đã khóc. HLV Lê Thụy Hải kể rằng ông cùng bạn bè đã khóc khi theo dõi trận đấu ở quán cafe. Và trong trường quay đài truyền hình Việt Nam tối đó, ông Nguyễn Sỹ Hiển cũng không kìm được nước mắt.
Ngay trên sóng truyền hình trực tiếp, người ta thấy người đàn ông 74 tuổi, cái tuổi mà tưởng như đã trải qua mọi cung bậc của cảm xúc, bật khóc không nói nên lời. Ngồi cách ở hàng ghế cạnh bên, một bình luận viên cũng rưng rưng nghẹn ngào.
Ai cũng hiểu đó là những giọt nước mắt của hạnh phúc. Nhưng có lẽ với người đang đảm nhận cương vị Chủ tịch Hội đồng HLV quốc gia và trước đó có nhiều năm gắn bó với việc tư vấn chuyên môn, tuyển chọn HLV đội tuyển cho VFF, đó còn là những cảm xúc bật ra khi cuối cùng thành công cũng đến sau quá nhiều những đắng cay.
Từ Dido, Letard, Tavares hay nhiều cái tên khác nữa, ông Hiển đã chứng kiến quá nhiều sự vụ không vui, để rồi trong khoảnh khắc diệu kỳ mang tên Park Hang-seo, nước mắt cứ thế trực trào.
Khoảnh khắc chuyên gia Nguyễn Sỹ Hiển bật khóc.
VỤ HLV CALISTO VÀ NỖI LÒNG CỦA NGƯỜI Ở VỊ TRÍ TƯ VẤN CHUYÊN MÔN
Như nói ở kỳ trước, sau khi kết thúc sự nghiệp cầu thủ, ông Nguyễn Sỹ Hiển tiếp tục nhận nhiệm vụ HLV tại Thể Công cũng như từng dẫn dắt ĐT Việt Nam dự SEA Games 16. Tuy nhiên ngoài công tác chuyên môn, ông Hiển còn tham gia công tác quản lý. Ông là Phó trưởng Đoàn Thể Công từ năm 1985 và trong quãng thời gian 1993-1997, ông nhận vị trí Đoàn trưởng.
Những năm cuối thời quân ngũ, ông là Phó Trưởng phòng TDTT Quân đội, cũng như về sau được tín nhiệm giữ nhiều trọng trách quan trọng của bóng đá Việt Nam. Có thể kể đến những lần ông Nguyễn Sỹ Hiển làm trưởng đoàn bóng đá Việt Nam ở nhiều giải đấu lớn như SEA Games 19, 22, 30 hay Asian Cup 2019.
Đồng thời tại LĐBĐ Việt Nam, ông Hiển từng giữ chức Phó chủ tịch VFF, Ủy viên thường vụ, Trưởng ban các đội tuyển, Chủ tịch Hội đồng HLV quốc gia (đến nay vẫn đang đảm nhiệm), làm công tác tư vấn chuyên môn cho VFF.
Nụ cười của Trưởng đoàn Nguyễn Sỹ Hiển khi U22 Việt Nam giành HCV SEA Games 30.
Kể ra thế để thấy cuộc đời và sự nghiệp của ông gắn bó chặt chẽ thế nào với sự phát triển của bóng đá Việt Nam suốt hàng chục năm qua. Và một trong những điều đem đến cho chuyên gia Nguyễn Sỹ Hiển nhiều suy tư nhất đó chính là khi làm việc liên quan đến các HLV đội tuyển.
Trong bóng đá, dù thành hay bại thì cái tên đầu tiên được nhắc đến luôn là HLV, người trực tiếp dẫn dắt đội bóng. Với một nền bóng đá suốt thời gian dài vẫn loay hoay để tìm kiếm thành công như Việt Nam, chuyện chọn thầy nội hay thầy ngoại, rồi việc các thầy ngoại cứ đến rồi đi mà khá ít người thành công vẫn luôn là câu chuyện được bàn tán nhiều.
Đặc biệt mỗi khi thất bại xảy đến, nhiều người vội đổ trách nhiệm cho Hội đồng HLV quốc gia vì đã chọn người có năng lực không phù hợp, trong khi quên mất trách nhiệm của tổ chức này chỉ là tư vấn, còn quyết định sau cùng là do VFF đưa ra. Thậm chí chuyện chọn ai, bỏ ai vào ghế HLV đội tuyển cũng khiến ông Hiển và Hội đồng bị chỉ trích dù chưa biết thành tích ra sao. Như câu chuyện về HLV Calisto là một ví dụ.
"Sau tấm huy chương đồng Tiger Cup 2002, lúc về thì ta cũng có đặt vấn đề mời HLV Calisto ở lại. Tuy nhiên lúc này ông Calisto lại đặt vấn đề cao hơn về chế độ lương bổng. Lúc đó chúng ta đâu có nhiều tiền, nên cuối cùng quyết định không lấy ông Calisto mà chọn ông Riedl.
Khi ấy dư luận, báo chí cho rằng Hội đồng HLV quốc gia có vẻ hơi bạc bẽo với ông Calisto. Nhưng vấn đề là tiền mình thì ít mà lại muốn mời những HLV giỏi, vượt quá ngưỡng tài chính. Tất cả những cái đó đều được lãnh đạo VFF, hội đồng thẩm định chuyên môn bàn bạc một cách kỹ lưỡng.
Cũng rất may khi ông Riedl làm thì U23 Việt Nam sau đó cũng có được tấm huy chương bạc SEA Games 22. Điều đó để đánh giá rằng chúng tôi cũng không sai", chuyên gia Nguyễn Sỹ Hiển kể lại.
Hay sau thất bại của U22 Việt Nam ở SEA Games 29, những ồn ào về sự ra đi của HLV Hữu Thắng cũng khiến vai trò của Hội đồng HLV quốc gia và ông Hiển bị đặt dấu hỏi.
Thế để thấy ở tuổi ngoài 70, sự nhiệt tình của chuyên gia Nguyễn Sỹ Hiển là lớn đến mức nào, khi ông hoàn toàn có thể chọn về nghỉ ngơi, vui vầy cùng con cháu, thay vì phải mãi đau đáu vì sự phát triển của bóng đá nước nhà.
VĨ THANH
Còn nhớ tại SEA Games 30, khi nhận lên bục nhận tấm huy chương vàng, HLV Park Hang-seo đã ôm chầm lấy Trưởng đoàn Nguyễn Sỹ Hiển, hai mắt nhắm nghiền trên gương mặt đầy cảm xúc.
Gần 2 năm trước, ông Hiển khóc trên sóng truyền hình vì chiến tích của U23 Việt Nam, còn giờ đây thầy Park cũng rơi nước mắt sau khi hoàn thành được mục tiêu mà người hâm mộ đã phải chờ đợi quá lâu. Một khoảnh khắc xúc động của hai người đàn ông nhiều tâm huyết với bóng đá Việt Nam.
HLV Park Hang-seo ôm chầm lấy Trưởng đoàn Nguyễn Sỹ Hiển trên bục trao huy chương SEA Games 30. (Ảnh: GoalVN)
Giờ đây, ở tuổi 76, chuyên gia Nguyễn Sỹ Hiển vẫn chưa nghĩ đến chuyện ngừng cống hiến, bởi với người đã trải qua đủ vinh nhục của bao năm làm nghề như ông, bóng đá nước nhà vẫn còn những câu chuyện "chưa đạt được cái nguyện vọng mà nhân dân mong đợi", giải VĐQG vẫn tồn tại không ít vấn đề cần khắc phục.
"Những lúc vinh là lúc mình đứng trên bục cao nhất để nhận được chức vô địch của Thể Công. Nhục là những lúc bóng đá quốc gia bước vào những vào lao lý, tiêu cực. Tôi vẫn trăn trở một điều làm sao để bóng đá Việt Nam lại có được những thời kỳ vàng son nhất", ông Hiển trải nỗi lòng.