Trong cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 sáng 5/3, Bộ Y tế cho biết, biến thể Omicron có xu hướng gia tăng lây nhiễm nhanh trong thời gian gần đây phổ biến ở các tỉnh, thành phố, nhất là TP. Hà Nội và TP.HCM, thay thế dần biến thể Delta.
Theo báo cáo của TP. Hà Nội, biến thể Omicron đã ghi nhận ở 20/30 quận, huyện, thị xã. Trong đó, biến thể phụ BA.2 chiếm tới 87% tổng số các mẫu phát hiện biến thể Omicron.
Theo Bộ Y tế, biến thể phụ BA.2 còn được gọi là "Omicron tàng hình" đang lây lan trên 82 quốc gia, khi mắc BA.1 vẫn có khả năng tái nhiễm BA.2 ở phần lớn những người trẻ tuổi, chưa được tiêm chủng.
Ngoài ra, BA.2 có khả năng lây lan nhanh hơn 1,5 lần biến thể gốc BA.1 và có khả năng tránh tác động miễn dịch của các loại vaccine hiện tại hơn biến thể gốc BA.1 khoảng 30%.
Trước đó, ngày 26/1, Hà Nội ghi nhận ca nhiễm Omicron cộng đồng đầu tiên. Nữ nhân viên vệ sinh buồng phòng 41 tuổi, trú tại quận Đống Đa, làm việc tại khách sạn cách ly người nhập cảnh. Trong các đoàn khách, có 7 người nhiễm chủng Omicron.
"Omicron tàng hình" chiếm ưu thế và lây lan mạnh ở Hà Nội (Ảnh minh họa)
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế) cho biết, Omicron là chủng có 36 đột biến trong protein gai, giúp virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào tế bào người dẫn đến tốc độ lây lan nhanh.
Ông Phu nhấn mạnh Omicron lây lan nhanh, khiến số lượng bệnh nhân tăng vọt, gây áp lực lớn lên hệ thống điều trị, đặc biệt các địa phương dịch vốn đã rất căng thẳng. Nếu phân tầng điều trị không thích hợp sẽ làm tăng nguy cơ bệnh nhân tử vong.
Ông Phu khuyến cáo các địa phương cần đẩy nhanh việc tiêm phòng vaccine Covid-19. Mặc dù Omicron liệu có vô hiệu hóa hay làm giảm hiệu quả vaccine Covid-19 hay không vẫn chưa thực sự sáng tỏ, nhưng một số nghiên cứu của quốc tế cho rằng, tiêm vaccine mũi 3 sẽ có tác dụng bảo vệ tốt hơn trước chủng mới.
Đặc biệt, vị chuyên gia lưu ý việc ưu tiên bảo vệ các đối tượng yếu thế trước Covid-19 như người cao tuổi, người có bệnh nền cần được đặt lên hàng đầu.
"Đây là những đối tượng có nguy cơ diễn biến nặng cao. Việc hạn chế các ca bệnh nặng sẽ giúp giảm tải cho hệ thống y tế, đặc biệt là đơn vị cấp cứu - hồi sức, từ đó giảm tỷ lệ tử vong", ông Phu nói.
Tiến sĩ Dorit Nitzan từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo BA.2 sẽ trở thành chủng áp đảo kế tiếp trên thế giới, trong bối cảnh nó đã chiếm ưu thế tại Đan Mạch và Anh trong thời gian qua.
Với khả năng lây lan dễ hơn, BA.2 "đe dọa" gây quá tải cho hệ thống y tế. Giới chuyên gia khuyến cáo vaccine vẫn là "vũ khí" hiệu quả nhất để ngăn chặn rủi ro bệnh nặng và tử vong. Một số nghiên cứu gần đây chỉ ra hiệu quả của mũi tăng cường trước biến thể Omicron.
Trước thực trạng này, Sở Y tế Hà Nội giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) là đầu mối phối hợp Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương; các đơn vị có khả năng giải trình tự gene đối với virus SARS-CoV-2.
Trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan tổ chức xét nghiệm sàng lọc, giải trình tự gene các ca nhiễm Covid-19. Từ đó, đánh giá mức độ lây nhiễm với biến chủng Omicron trên địa bàn thành phố.
Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị liên quan đề xuất các kịch bản, phương án, biện pháp khi số ca nhiễm Covid-19 tiếp tục tăng trong thời gian tới cho Sở Y tế để kịp thời tham mưu UBND thành phố, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố.
Hà Nội đánh giá mức độ lây nhiễm với biến chủng Omicron trên địa bàn thành phố (Ảnh minh họa)
Thượng tá, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm oxy cao áp thuộc Trung tâm nhiệt đới Việt Nga, Bộ Quốc Phòng cho hay, nếu người bệnh đã nhiễm chủng Delta, vẫn có thể nhiễm chủng Omicron trong vòng 1-2 tháng.
Để phân biệt nhiễm Delta hay Omicron, nhiễm biến thể phụ BA.1 hay BA.2, theo bác sĩ Hoàng, chỉ có cách giải trình tự gene để xác định.
Bác sĩ khuyến cáo, trong bối cảnh hiện nay, dù nhiễm Omicron hay Delta, người dân không nên chủ quan và sợ hãi. "Người dân cần bình tĩnh, tự tin, không uống thuốc vô tội vạ, nên theo các hướng dẫn chính thống từ Bộ Y tế, Sở Y tế", bác sĩ nói.
Dịch bệnh Covid-19 tại Hà Nội vẫn diễn biến căng thẳng khi ngày 8/3 vượt 32.000 ca nhiễm.
Theo thống kê, đến hết ngày 7/3, 674.149 người bệnh tự theo dõi, cách ly tại nhà (chiếm 99%); 773 người cách ly tại cơ sở thu dung, điều trị của thành phố và các quận, huyện, thị xã. 5.196 người điều trị tại các bệnh viện tầng 2-3 của thành phố và 360 ca điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
Hà Nội khuyến cáo người dân tuân thủ 5K, hạn chế tụ tập đông người không cần thiết, thường xuyên theo dõi sức khỏe, trang bị kiến thức khi nhiễm Covid-19 và điều trị tại nhà, nhận biết các dấu hiệu khi chuyển nặng để liên hệ với các cơ sở y tế kịp thời hỗ trợ; tránh tâm lý chủ quan hoặc hoang mang, lo sợ cực đoan không cần thiết. Đặc biệt, quan tâm đến nhóm đối tượng nguy cơ cao, phụ nữ mang thai chưa được tiêm vaccine.