Thảm họa núi lửa Nevado del Ruíz
Armero là một thị trấn nhỏ với vỏn vẹn 29 nghìn dân cư, cách ngọn núi lửa Nevado del Ruíz 48km. Bắt đầu từ năm 1984, Nevado del Ruíz bắt đầu có dấu hiệu hoạt động trở lại kể từ vụ phun trào lần cuối năm 1845.
Đó là lý do khiến chính phủ Colombia đăng tải lời cảnh báo hồi tháng 9/1985 tới người dân xung quanh về hiểm họa tiềm tàng mà ngọn núi lửa mang lại.
Nhưng vì đã quá quen với việc sinh sống tại đây, người dân Armero, trong đó có cô bé 13 tuổi Omayra Sanchez Garzon, vẫn quyết định bỏ ngoài tai mọi cảnh báo, không hề hay biết về bi kịch sắp xảy đến trước mắt.
Ngọn núi lửa Nevado del Ruíz.
Ba giờ chiều ngày 13/11/1985, cơn đại họa bắt đầu với màn khói đen phủ kín bầu trời quanh ngọn núi Nevado del Ruíz.
Theo sau đó là một đợt phun trào tạo ra dòng bùn đá (lahar) chảy với tốc độ cực nhanh hướng về thị trấn Armero.
Vì không một chiến dịch sơ tán nào được tiến hành bởi chính phủ trước khi thảm họa ập đến, hầu như toàn bộ người dân ở Armero và 13 ngôi làng khác ở Tolima đã bị dòng lahar nhấn chìm.
75% dân số của Armero, xấp xỉ 21 nghìn người, đã thiệt mạng bởi dòng bùn đá. 1800 người khác ở các thị trấn lân cận cũng chịu chung số phận, đẩy con số nạn nhân lên đến gần 24 nghìn người.
Cái chết đau thương của Omayra Sanchez Garzon
Trong số các nạn nhân của thảm họa núi lửa Nevado del Ruíz, có gia đình của cô bé 13 tuổi Omayra Sanchez.
Khi dòng lahar ập đến căn nhà của em, bố và dì của Omayra đã bị chôn vùi, thiệt mạng gần như ngay lập tức.
Tuy không bị dòng lahar "nuốt chửng", Omayra lại mắc kẹt dưới chính căn nhà đổ sập của mình; đôi chân cô bé bị một khối bê tông lớn đè chặt, khiến em không thể di chuyển.
Với chút sức lực ít ỏi còn sót lại, Omayra vươn bàn tay qua khe hở của đống gạch đá đổ vỡ cầu cứu; đội cứu hộ đã nhanh chóng nhìn thấy em, nhưng bi kịch chưa hề dừng lại ở đó.
Nhiều giờ sau đó, lực lượng cứu hộ đã tìm mọi cách để kéo Omayra khỏi mặt nước nhưng không thành.
Mỗi khi thử kéo Omayra, nước xung quanh em cũng đồng thời dâng lên theo. Nếu tiếp tục tình trạng này, cô bé sẽ chết đuối trước khi có cơ hội được cứu thoát.
Hướng giải pháp khả dĩ nhất được đội cứu hộ đưa ra là cưa đứt đôi chân bị kẹt của Omayra, nhưng cũng không thể thực hiện, phần vì vào thời điểm đó các bác sĩ không có đủ dụng cụ cần thiết để tiến hành ca mổ, phần vì nhiều lí do khách quan khác buộc Omayra phải chịu ở lại dưới mặt nước trong vô vọng.
Đội cứu hộ chọn giải pháp đeo chiếc lốp xe vào người em, giữ cho Omayra luôn nổi trên mặt nước; các nhân viên hỗ trợ y tế thì luôn túc trực bên cạnh để chăm sóc và giữ cho em luôn tỉnh táo.
Về phần mình, ngạc nhiên thay, Omayra vẫn giữ nguyên sự lạc quan khiến mọi người không khỏi xúc động.
Không chỉ hát cho các nhân viên nghe, em còn xin được ăn đồ ngọt, uống soda và đồng ý cho phóng viên phỏng vấn.
Tuy nhiên, đôi lúc Omayra vẫn tỏ rõ sự sợ hãi qua việc cầu nguyện và khóc lóc.
Tới đêm thứ 3 kể từ khi mắc kẹt dưới nước, sức khỏe Omayra đã chuyển biến vô cùng xấu; cô bé kiệt sức dần, đôi mắt càng lúc càng trở nên đỏ ngầu rồi đen sẫm vì xuất huyết, khuôn mặt bị sưng phù lên, hai bàn tay chuyển sang màu trắng nhăn nheo vì ngâm nước quá lâu.
Tâm trí của Omayra cũng bị ảnh hưởng nặng nề; em gặp ảo giác, luôn miệng cười rồi khóc, thậm chí còn lẩm bẩm nói trong hoang tưởng rằng mình muốn đến trường để không lỡ bài kiểm tra toán.
Lúc này, lực lượng cứu hộ đành phải chấp nhận sự thật rằng họ không thể cứu sống cô bé.
Sức khỏe Omayra xấu đi rõ rệt sau nhiều giờ ngâm mình dưới nước.
Tâm trí em cũng bị ảnh hưởng nặng nề.
10 giờ sáng ngày 16/11/1985, Omayra đã tử vong do bị hoại tử và hạ thân nhiệt sau 60 tiếng mắc kẹt dưới nước.
Nhưng khoảnh khắc cuối đời em đã được nhiếp ảnh gia người Pháp Frank Fournier ghi lại, đặc biệt trong số đó là tấm "Bi kịch của Omayra Sanchez" được đăng tải 6 tháng sau cái chết của cô bé, đoạt giải thưởng ảnh báo chí thế giới World Press Photo năm 1986.
Đôi mắt đen nhìn trong vô vọng của Omayra đã trở thành biểu tượng ám ảnh của vụ phun trào núi lửa Nevado del Ruíz, cũng như sự thất bại của các nhà chức trách Columbia trong việc xử lý thảm họa cho tới tận ngày nay.
Omayra Sanchez tử vong vào ngày 16/11/1985.
Omayra Sanchez đã trở thành biểu tượng của thảm họa thiên nhiên xảy đến với thị trấn Armero năm đó.
Hiện thị trấn Armero đã được di chuyển cách xa vị trí ban đầu vài km về hướng Bắc, được đặt tên mới là Armero Guayabal.
Cô bé Omayra Sanchez cũng đã được xây mộ tưởng niệm, và tới nay vẫn có nhiều du khách đến thăm và để lại lời cầu nguyện cho một sinh linh ra đi trong vụ thảm họa nhân đạo khủng khiếp nhất lịch sử loài người.
Ngôi mộ hiện tại của Omayra Sanchez, vẫn thường xuyên được du khách ghé thăm để tưởng niệm cho một sinh linh mất đi trong vụ thảm họa.