Guyana, nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, đang có kế hoạch sử dụng các mỏ dầu và khí đốt khổng lồ của mình để "tài trợ" cho các khoản đầu tư vào lĩnh vực khác nhằm giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu gốc hydrocarbon, Tổng thống nước này cho biết.
Tổng thống Mohamed Irfaan Ali cho hay chính phủ muốn sử dụng nguồn thu từ các mỏ dầu khổng lồ ngoài khơi để tài trợ cho các khoản đầu tư vào khai thác mỏ, du lịch, nông nghiệp và một số lĩnh vực khác.
"Guyana là một thị trường nhiên liệu hydrocarbon mới nổi, nhưng chúng tôi sẽ không dựa vào hydrocarbon", ông Ali nói với Hội đồng Đại Tây Dương ở Washington D.C hôm 25/7.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo nền kinh tế Guyana sẽ tăng trưởng 47% trong năm nay nhờ khai thác dầu và chính phủ dự báo sản lượng khai thác sẽ đạt khoảng 800.000 thùng/ngày vào năm 2025. Trước đó, nước này đạt mức tăng trưởng 20% vào năm 2021 và 43% năm 2020.
Theo IMF, tổng sản phẩm quốc nội hàng năm của Guyana sẽ tăng lên 16 tỷ USD vào năm 2023, gấp 3 lần mức của năm 2020.
Các mỏ dầu ngoài khơi mà Exxon Mobi khoan thăm dò thành công lần đầu vào năm 2015 của Guyana quá lớn so với dân số chỉ khoảng 780.000 của nước này. Guyana đang trên đà vượt qua Kuwait để trở thành nước sản xuất dầu thô bình quân đầu người lớn nhất thế giới.
Ông Ali cho biết quốc gia Nam Mỹ có biên giới giáp với Brazil và Venezuela này có kế hoạch sử dụng dòng tiền để xây dựng đường xá và cơ sở hạ tầng nhằm mở ra các lĩnh vực khác của nền kinh tế gồm khai thác vàng, kim cương, bauxite và đồng. Nước này cũng muốn bảo vệ hệ sinh thái rừng nhiệt đới Amazon của mình, ông Ali khẳng định.
Tổng thống Guyana Mohamed Irfaan Ali. Ảnh: Getty.
Trước đó, Phó Tổng thống Bharrat Jagdeo cũng khẳng định Guyana đang cố gắng ngăn chặn những tác dụng phụ không mong muốn từ làn sóng giàu có nhờ dầu mỏ. Chính phủ không muốn việc bùng nổ tài nguyên dẫn đến sự mất cân bằng kinh tế.
Mặc dù tuyên bố muốn giảm sự phụ thuộc vào dầu khí, các nhà phân tích có nhiều dẫn chứng thấy ngành công nghiệp dầu khí của Guyana đang phát triển mạnh mẽ. Theo Rystad Energy, doanh thu từ dầu của quốc gia Nam Mỹ có thể lần đầu vượt mốc 1 tỷ USD trong năm nay, tăng lên 4,2 tỷ USD cho đến năm 2025, 7,5 tỷ USD năm 2030 và 16 tỷ USD năm 2036. Tổng doanh thu tích luỹ từ dầu mỏ của nước này có thể đạt 157 tỷ USD vào năm 2040.
Guyana là quốc gia dẫn đầu thế giới về các mỏ dầu ngoài khơi mới khám phá ra kể từ năm 2015 - tương đương 11,2 tỷ thùng dầu, chiếm khoảng 32% lượng dầu được phát hiện. Con số này vượt xa quốc gia xếp ở vị trí thứ 2 là Mỹ với sản lượng phát hiện mới tương đương 2,8 tỷ thùng. Đáng chú ý, toàn bộ lượng dầu mới phát hiện tại Guyana đều nằm ở lô Stabroek nhưng các khám phá gần đây cho thấy tiềm năng phát hiện thêm dầu mỏ ở những nơi khác cũng là cực lớn.
Guyana được dự báo sẽ sản xuất 1,7 triệu thùng dầu mỗi ngày vào năm 2035 (chưa tính đến sản lượng chưa được khám phá ra), đưa quốc gia này lên vị trí thứ 4 trong danh sách các nhà sản xuất dầu ngoài khơi lớn nhất thế giới, vượt xa Mỹ, Mexico và Na Uy.