“Ôm” 8 tỷ USD cổ phần FPT, Vinamilk, Sabeco, Vietnam Airlines,… gã khổng lồ kinh doanh vốn Nhà nước ước lãi kỷ lục năm 2024 nhờ cổ tức

Hà Linh |

Danh mục đầu tư của SCIC hiện có 110 doanh nghiệp với nhiều cái tên đáng chú ý như FPT, Vinamilk, Sabeco, Vietnam Airlines, Dược Hậu Giang, Nhựa Bình Minh, Nhựa Tiền phong...

Số liệu tổng kết năm 2024 cho thấy, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) ước đạt 11.140 tỷ đồnglợi nhuận trước thuế, bằng 166% kế hoạch năm. Nộp ngân sách Nhà nước ước đạt 11.117 tỷ đồng, bằng 167% kế hoạch năm. Đây là mức lợi nhuận cao kỷ lục của SCIC kể từ khi hoạt động.

Kết quả năm 2024 đạt được góp phần hoàn thành 5/6 chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách nhà nước, ROE, ROA theo đúng Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển giai đoạn 2021-2025 của SCIC. Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước biến động khó lường, hoạt động đầu tư kinh doanh vốn gặp nhiều khó khăn, kết quả trên cho thấy nỗ lực lớn của SCIC.

Đáng chú ý, đóng góp lớn trong tỷ trọng doanh thu và lợi nhuận của SCIC là phần thu từ cổ tức của các doanh nghiệp có trong danh mục, ước chiếm gần 80%.

Danh mục đầu tư của SCIC hiện có 110 doanh nghiệp với tổng vốn của SCIC theo giá trị sổ sách là 53.401 tỷ đồng, trên tổng số vốn điều lệ là 183.157 tỷ đồng. Giá trị thị trường đạt xấp xỉ 8 tỷ USD. Trong đó, nhiều cái tên đáng chú ý có thể kể đến như FPT, Vinamilk, Sabeco, Vietnam Airlines, Dược Hậu Giang, Nhựa Bình Minh, Nhựa Tiền phong,...

Với vai trò là cổ đông lớn ở các doanh nghiệp, SCIC đã tham gia sâu trong việc xây dựng phương án tổ chức sản xuất kinh doanh, đổi mới quản trị phù hợp với chuẩn mực quốc tế, gia tăng hiệu quả sử dụng vốn, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh tại các doanh nghiệp. Dữ liệu cho thấy, năm 2024, nhiều doanh nghiệp trong danh mục của SCIC như Vinamilk, FPT, Sabeco, Traphaco, Dược Hậu Giang… đều có kết quả kinh doanh cao hơn so với cùng kỳ.

Tại nhiều doanh nghiệp nhận bàn giao, SCIC tham gia cùng doanh nghiệp xử lý tồn tại tài chính, kịp thời chấn chỉnh các thiếu sót, hỗ trợ quản trị dòng tiền, tái cấu trúc các khoản đầu tư. Nhờ đó, doanh nghiệp từng bước vượt qua khó khăn, kết quả kinh doanh đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Ở mảng đầu tư, năm 2024, SCIC cũng thực hiện theo đúng Chiến lược và Đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt như đã giải ngân đầu tư gần 500 tỷ đồng mua cổ phần phát hành riêng lẻ tại Ngân hàng Quân đội (MBB), hoàn tất nghiên cứu phương án đầu tư 5.000 tỷ đồng mua cổ phần phát hành thêm tại Ngân hàng BIDV, thúc đẩy kế hoạch hợp tác đầu tư dự án cảng nước sâu Cái Mép (Vũng Tàu) cùng các đối tác tương ứng tại các doanh nghiệp hiện hữu…

Thời gian tới, SCIC sẽ tiếp tục thực hiện đầu tư vào Vietnam Airlines, muối mỏ kali tại Lào, các dự án hạ tầng theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ.

SCIC hiện đã cơ bản hoàn thành hoạt động thoái vốn, cần bước sang giai đoạn đẩy mạnh hoạt động đầu tư, xây dựng danh mục đầu tư vững chắc nhưng linh hoạt để có thể chuyển đổi cơ cấu danh mục khi cần thiết.

Trong năm 2024, SCIC cũng đã thể hiện bước tiến đáng kể trong việc tăng cường hợp tác với các Quỹ đầu tư lớn trên thế giới, đặc biệt các Quỹ ở các quốc gia Vùng Vịnh, ký Biên bản ghi nhớ hợp tác với Quỹ đầu tư Nhà nước Qatar và tăng cường tìm kiếm khả năng hợp tác với các Quỹ của UAE, Liên bang Nga.

Chiến lược phát triển SCIC đã được phê duyệt, trong 5 năm tiếp theo (2026 - 2030), Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo SCIC tập trung nguồn lực để đẩy mạnh hoạt động đầu tư kinh doanh vốn, thực hiện vai trò nhà đầu tư của Chính phủ, ưu tiên đầu tư vào những ngành, lĩnh vực mang lại hiệu quả, những lĩnh vực then chốt, trọng yếu mà Nhà nước cần nắm giữ và SCIC có lợi thế, tạo sức lan tỏa và dẫn dắt, mở đường cho các thành phần kinh tế khác cùng đầu tư và phát triển.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại