Quốc kỳ của Nga không được phép tung bay tại Olympic Tokyo 2020. Ảnh: AP
Nỗi đau của thể thao Nga
Bê bối với hàng loạt VĐV sử dụng chất cấm bị phanh phui từ năm 2015 đã khiến thể thao Nga nhận lệnh trừng phạt cấm tham dự các sự kiện thể thao trên toàn cầu trong vòng 4 năm từ Ủy ban Olympic quốc tế (IOC), tính từ năm 2018.
Sau này, dù được Toà án Trọng tài Thể thao (CAS) giảm án phạt xuống còn 2 năm, và IOC nới lỏng lệnh trừng phạt bằng cách cho phép những VĐV Nga “trong sạch” tham dự Olympic - bắt đầu từ Olympic mùa Đông Pyeong Chang 2018, nhưng họ phải thi đấu với tên gọi “Đoàn thể thao trung lập” và lá cờ đại diện của Olympic.
Quy định chặt chẽ về VĐV Nga tham dự các kỳ Olympic trong thời gian thực thi án phạt cấm mọi hành động, hành vi công khai liên quan đến quốc kỳ, quốc ca và các biểu tượng, biểu trưng của quốc gia.
Nhưng dưới sự đấu tranh của ROC, họ dần khôi phục vị thế. Theo thỏa hiệp tại Olympic Tokyo 2020, nhóm VĐV Nga sẽ thi đấu dưới danh nghĩa của “Đoàn thể thao thuộc Ủy ban Olympic Nga”, biểu tượng bao gồm một ngọn lửa được nối liền bởi các sọc màu đỏ và xanh - giống như quốc kỳ Nga.
Quốc ca Nga sẽ thay thế bằng bài hát biểu tượng âm nhạc của quốc gia được sáng tác bởi nhà soạn nhạc nổi tiếng Pyotr Tchaikovsky, và trang phục chính thức được trang trí bằng màu sắc của Nga.
Đoàn thể thao Nga tại Olympic mùa Đông Pyeong Chang 2018. Ảnh: AFP
Dù vậy, Chủ tịch ROC Stanislav Pozdnyakov cho rằng, các VĐV Nga đang bị đối xử không công bằng khi bị hạn chế truyền đi hình ảnh màu cờ sắc áo của quốc gia, không có quốc kỳ được treo và quốc ca cấm phát tại Olympic Tokyo 2020.
Thậm chí, Tổng thống Nga Vladimir Putin từng nhấn mạnh đến việc Ủy ban Phòng chống Doping thế giới (WADA) thông qua lệnh cấm Nga tham gia các sự kiện thể thao trong 4 năm mang động cơ chính trị, nhưng cũng chẳng thay đổi được tình hình.
Dù sự tình đúng sai chăng nữa thì đó vẫn là nỗi đau đối với các VĐV Nga “trong sạch”. Bởi lẽ, họ đang phải gánh chịu những hậu quả nặng nề của thế hệ trước để lại dù không làm gì “nên tội”.
Trong đó, nhóm VĐV trẻ đầy tài năng sẽ chịu nhiều tổn thương về mặt tư tưởng. Hãng thông tấn AFP dẫn lời của Chủ tịch ROC Pozdnyakov: “Các VĐV trẻ này không liên quan gì đến các cáo buộc từ năm 2015. Nhiệm vụ chính của tôi là bảo vệ các thế hệ VĐV Nga trong tương lai khỏi những vấn đề mà chúng ta phải đối mặt hiện tại”.
Quyết tâm xây lại vị thế cường quốc
Tổng thống Nga Putin cho rằng, vụ bê bối doping là âm mưu của phương Tây nhằm làm suy yếu một cường quốc thể thao như Nga, nhưng ông Pozdnyakov có suy nghĩ ngược về việc đến lúc Nga lật ngược tình thế. Với thái độ hòa giải, lãnh đạo ROC ca ngợi sự hợp tác và tạo điều kiện từ phía IOC khi “đã làm các VĐV Nga hài lòng” bằng việc đồng ý cho họ thi đấu tại các sự kiện thể thao.
Thể thao Nga gây chấn động với bê bôi hàng loạt VĐV dính doping. Ảnh: AFP
Ông Pozdnyakov từng nhấn mạnh lệnh trừng phạt của IOC là “quá mức”, nhưng cũng nói thêm rằng: “Cuộc sống luôn dựa trên những thỏa hiệp và tìm kiếm sự đồng thuận”.
Việc Nga bổ nhiệm Pozdnyakov làm Chủ tịch ROC vào tháng 5-2018 là một phần trong nỗ lực của chính quyền nhằm khôi phục uy tín cho cường quốc thể thao này. Vị lãnh đạo 47 tuổi này từng đoạt HCV Olympic môn đấu kiếm có xuất phát điểm là một VĐV, vì thế ông hiểu được tâm tư, nguyện vọng của những người làm thể thao tại quốc gia.
Dù bị đối xử thế nào chăng nữa thì Pozdnyakov luôn mong muốn các VĐV Nga cố gắng thi đấu thật tốt và đem nhiều huy chương về cho quốc gia. Hành động của ROC và các VĐV cùng quyết tâm xây dựng lại vị thế cường quốc thể thao vốn có của Nga.
“Quốc kỳ và quốc ca là những yếu tố thúc đẩy tinh thần thi đấu cho bất kỳ VĐV nào. Tất nhiên, VĐV Nga sẽ phải thi đấu mà thiếu đi những yếu tố này. Nhưng cả đoàn đã sẵn sàng cạnh tranh để có được vị trí trên bục vinh quang. Chúng tôi dự đoán sẽ giành được 40-50 các tấm huy chương”, ông Pozdnyakov.
Thứ hạng của thể thao Nga trên bảng tổng sắp huy chương đang có dấu hiệu đi xuống trong 6 kỳ Olympic mùa Hè gần nhất. Từ vị trí thứ 2 của năm 1996 và 2000, Nga đã tụt xuống hạng 4 tại Olympic Rio de Janeiro 2016. Quốc gia này đang bị 2 cường quốc Hoa Kỳ và Trung Quốc tạo khoảng cách lớn về chuyên môn, đồng thời bị Vương quốc Anh vượt mặt. Điều này càng thôi thúc hơn lòng quyết tâm lấy lại vị thế của thể thao Nga tại Olympic.
Thể dục dụng cụ Nga giành HCV tại Olympic Rio de Janeiro 2016. Ảnh: REUTERS
333 VĐV Nga tranh tài ở 30 môn tại Olympic Tokyo 2020. ROC sẽ tập trung vào thế mạnh ở vật, đấu kiếm và thể dục dụng cụ, 3 môn đã mang về tổng cộng 11/19 tấm HCV cho Nga tại Olympic 5 năm trước.