Một VĐV sẵn sàng làm phiên dịch cho đối thủ vừa đánh bại anh ta. Hai người bạn đồng ý chia sẻ tấm HCV thay vì tiếp tục tranh đấu phân cao thấp. Hai VĐV ngã sõng xoài trên mặt đất, cùng kéo nhau đứng dậy và dìu nhau về đích.
Lotte Miller (trái) của Na Uy động viên Claire Michel của Bỉ đang bật khóc nức nở vì kiệt sức ở cuộc thi 3 môn phối hợp Olympic Tokyo 2020 (Ảnh: AP/David Goldman)
Olympic Tokyo 2020 là kỳ Thế vận hội bất thường tồn tại giữa đại dịch Covid-19, bê bối và sự phản đối. Không những vậy, chưa khi nào sức khoẻ tinh thần (mental health) được quan tâm đến thế, trở thành trung tâm bên cạnh những hành động tử tế nối đuôi nhau xuất hiện.
Những VĐV một giây trước thôi còn coi nhau là đối thủ, vài phút sau những chiếc máy quay bắt được khuôn hình họ trao nhau sự ấm áp và hoà nhã. Người thất bại vỗ tay ăn mừng cho người chiến thắng, người chiến thắng lau những giọt nước mắt thất vọng cho người chiến bại, họ ghé vào tai nhau thầm thì to nhỏ rồi bất giác bật cười.
1. VĐV lướt sóng Kanoa Igarashi rất thất vọng khi để thua Italo Ferreira của Brazil trong trận chung kết. Giấc mơ giành huy chương vàng ở chính bãi biển gắn bó suốt quãng đường trưởng thành tan thành mây khói. Không những thế, anh còn phải nhận những lời chế nhạo phân biệt chủng tộc từ một số người Brazil.
Ngay sau khi nhận huy chương, Italo Ferreira dự một cuộc họp báo nhanh nhưng anh không nói được tiếng Anh. Kanoa Igarashi mang hai dòng máu Nhật Bản – Mỹ, đứng kế bên, có thể chọn sự im lặng. Nhưng không, bằng tất cả vốn liếng tiếng Bồ Đào Nha, anh giúp Ferreira dịch một câu trả lời sang tiếng Anh trước đông đảo phóng viên thế giới.
Đám đông nở những nụ cười khi nghe bản dịch từ đối thủ của Ferreira. Một thành viên BTC thì gửi lời cảm ơn tới Igarashi vì sự hỗ trợ này.
"Cảm ơn cậu, Kanoa", Ferreira, người đang học tiếng Anh, cất lời cùng một nụ cười rạng rỡ.
Sau cuộc thi 3 môn phối hợp dành cho nữ, Lotte Miller (Na Uy) về đích thứ 24 đã dành thời gian trò chuyện với Claire Michel (Bỉ), người đã không thể chịu đựng nổi sự khắc nghiệt của trò chơi mà ngồi sụp xuống đất khóc nức nở.
Michel về cuối cùng, kém VĐV giành HCV 15 phút nhưng ít nhất cô đã hoàn thành phần thi. 54 VĐV có mặt điểm xuất phát nhưng chỉ 34 người vượt qua vạch đích.
Miller động viên Michel: "Chị là một chiến binh lão luyện. Đây thật sự là tinh thần Olympic và chị đã thể hiện được nó 100%".
Italo Ferreira (giữa) và Kanoa Igarashi (phải) đứng trên bục nhận huy chương lướt sóng Olympic Tokyo 2020 (Ảnh: AP/Francisco Seco)
2. Đi sâu vào đất liền, chọn một chỗ ngồi ở SVĐ Olympic mới theo dõi môn nhảy cao dành cho nam để được chứng kiến thêm một câu chuyện xưa nay hiếm tại Olympic.
Gianmarco Tamberi (Italia) và Mutaz Barshim (Qatar) rơi vào tình huống mà chính người trong cuộc thừa nhận chưa từng bao giờ trải qua. Cả hai có cho riêng mình cú nhảy hoàn hảo ở độ cao 2,39m. Chỉ số phụ không thể dùng đến khi mỗi người đều nhảy trượt 3 lần. Cả hai đã nghĩ đến "cú nhảy vàng".
Trọng tài tiến tới hỏi họ: "Hai bạn có muốn tiếp tục không?".
Tamberi đáp: "Nếu không thi đấu tiếp, liệu chúng tôi có thể cùng nhận HCV không?".
"Dĩ nhiên là được", vị trọng tài trả lời. Và cả hai quyết định chia sẻ hạnh phúc cùng nhau.
"Tôi biết một thực tế rằng với màn trình diễn mà tôi vừa thực hiện, tôi xứng đáng với tấm HCV. Anh ấy (Tamberi) cũng làm được điều tương tự, vậy nên tôi biết anh ấy cũng xứng đáng được như thế", Barshim nói.
"Điều này vượt ra khỏi phạm vi thể thao. Đây là thông điệp chúng tôi muốn nhắn gửi đến thế hệ trẻ".
Sau những cái gật đầu, Tamberi đập vào tay Barshim và nhảy lên ôm chầm lấy VĐV của Qatar.
"Sẻ chia với một người bạn làm tấm HCV còn đẹp hơn nữa", Tamberi nói. "Thật sự kỳ diệu".
Trước đó, cũng tại SVĐ Olympic, Isaiah Jewett (Mỹ) và Nijel Amos (Botswana) không may vướng chân vào nhau khi đang chạy ở bán kết 800m nam. Cả hai ngã nhào ra sân. Thay vì tức giận, họ giúp nhau đứng dậy, khoác tay nhau cùng tiến về đích.
Gianmarco Tamberi (phải) và Mutaz Barshim cùng chia sẻ tấm HCV nhảy cao nam tại Olympic Tokyo 2020
3. Đường đua, trận đấu nhiều lúc đã trở thành cầu nối cho tình bạn giữa những VĐV hàng đầu trên thế giới. Cũng chính nơi ấy, họ cảm nhận được sự kiên trì, tập trung và mãnh liệt của những khoảnh khắc có thể là tốt nhất, hoặc tồi tệ nhất trong sự nghiệp thể thao.
Những cảm giác ấy càng được khuếch đại lên ở sân chơi lớn nhất mang tên Olympic. Nó tiếp tục lớn hơn sau 1 năm bị trì hoãn vì đại dịch đáng ghét. Những khao khát không thể nhầm lẫn được phát lộ và có lẽ, sự cảm kích cũng xuất hiện khi những gương mặt thân quen được nhìn thấy nhau.
VĐV lướt sóng Carissa Moore cho rằng đại dịch và những hạn chế đi kèm đã giúp cô và những VĐV khác xích lại gần nhau hơn.
Nhà đương kim vô địch thế giới cho biết cô thường đi thi đấu với chồng và bố ruột nhưng người hâm mộ không được theo dõi các cuộc thi. Moora thừa nhận đã phải vật lộn tự trấn an bản thân với việc không có CĐV tại Olympic.
Moore bay đến Nhật Bản cùng đội tuyển Mỹ 10 ngày trước hôm thi đấu. Cô thích nghi với cuộc sống chung nhà cùng những VĐV khác, trong đó có Caroline Marks, người mà Moore tin rằng sẽ là đối thủ lớn của cô ở Olympic lần này.
Trước Thế vận hội, Moore không quen biết Marks nhưng vào ngày cô giành HCV còn Marks đứng thứ 4, chính Marks là người đầu tiên gửi lời chúc mừng.
"Thật là một trải nghiệm tuyệt vời khi ở cùng cả đội. Tôi cảm thấy như mình có một gia đình khác sau 2 tuần đã qua", Carissa Moore chia sẻ.
Viktor Axelsen (trái) của Đan Mạch đổi áo với Chen Long (Trung Quốc) sau khi giành chiến thắng ở chung kết cầu lông đơn nam Olympic Tokyo 2020
Thủ môn Maria Belen Succi (áo vàng) của Argentina an ủi Charlotte Stapenhorst (Đức) sau khi giành chiến thắng ở môn khúc côn cầu nữ tại Olympic Tokyo 2020 (Ảnh: AP/John Locher)
Isaiah Jewett (trái) của Mỹ và Nijel Amos của Botswana nắm tay nhau đứng dậy sau khi không may bị ngã vì vướng chân nhau ở nội dung 800m nam tại Olympic Tokyo 2020 (Ảnh: AP/Jae C.Hong)
Tay vợt số 1 thế giới Novak Djokovic (phải) chúc mừng Alexander Zverev sau khi bị VĐV người Đức đánh bại tại nội dung tennis đơn nam Olympic Tokyo 2020 (Ảnh: AP/Seth Wenig)
4. Những nhà tổ chức luôn mong muốn thể thao tách rời chính trị nhưng thật khó để ngăn cản triệt để. Tuy nhiên, có những biểu hiện lại tạo nên sự hàn gắn.
Đội tuyển bóng rổ Mỹ với những ngôi sao NBA không mất quá nhiều sức để hạ gục Iran với tỷ số 120-66 tại vòng bảng. Sau trận đấu, VĐV bóng rổ Hamed Haddadi (Iran) tiến tới xin chụp ảnh cùng ngôi sao Kevin Durant và những thành viên khác trong đội tuyển Mỹ. Không ai từ chối Haddadi.
Hành động ấy như "phá băng" để những VĐV Iran khác tiến tới làm quen với những thần tượng của mình. Trước đó, cầu thủ 2 đội đều dành những tràng vỗ tay sau khi quốc ca mỗi nước cất lên, rất nhiều cái bắt tay thể hiện tinh thần thể thao đã diễn ra trong suốt trận đấu.
Mối quan hệ giữa Mỹ và Iran nổi tiếng căng thẳng, đã 41 năm kể từ khi hai nước cắt đứt quan hệ ngoại giao. Thế nhưng, thể thao không phải chính trị.
"Chúng tôi đến đây để chơi bóng rổ", Hamed Hadđai nói.
"Tôi đoán mọi người nghĩ về chính trị phải không? Chúng tôi tránh xa điều đó. Chúng tôi giữ mọi thứ dừng lại ở bóng rổ mà thôi", Kevin Durant chia sẻ.
HLV Popovich (Mỹ) ca ngợi hệ thống chiến thuật của tuyển Iran và khen ngợi cách đối thủ thi đấu. Ông nói: "Thế vận hội là địa điểm và thời gian để thể thao vượt qua tất cả những điều vụn vặt khác. Không có gì ngạc nhiên khi các HLV rất thích gặp gỡ và trò chuyện cùng nhau. Các cầu thủ thể hiện tinh thần thể thao đích thực. Chúng tôi ước những điều này diễn ra cả trong đời sống thực".