Một rạp cưới của người Khùa ngay sát Quốc lộ 12 A. Ảnh: Văn Chương
Ông Hồ Văn Liên, Chủ tịch Hội cao tuổi của xã Trọng Hóa đội chiếc mũ đỏ lên đầu vội vàng rời cơ quan, về nhà để đi ăn đám cưới của bà con trong bản. Tôi bám theo ông ra tới cổng UBND xã và hỏi “bác đã làm đám cưới mấy lần rồi, theo phong tục của người Khùa ấy?”. “Cưới rồi, lần 2 rồi, tới lần 3 luôn. Một con bò là lần 1, lần hai là 1 con trâu, lần ba là con heo với 11 con gà”.
Tại con đường rẽ xuống Đồn biên phòng Ra Mai, một cặp nam nữ ăn mặc đúng mốt của thanh niên miền xuôi, cũng váy ngắn, quần Jin, áo hoa màu xanh da trời, cả hai cười hớn hở và chỉ về rạp đám cưới ngay trước mặt cho biết, đi ăn cưới bạn, đám cưới làm rất to, chú rể là Hồ Sừng và cô dâu là Hồ Thị Xiên. Do tuổi còn trẻ, nên cặp đôi này đám cưới lần 1.
Đám cưới của cặp đôi này khá hoành tráng. Rạp đám cưới được dựng ngay cầu Cát Định, sát Quốc lộ 12 A, chiều dài của rạp gần 30 mét.
Đám cưới của người Khùa khiến tôi ngạc nhiên vì chơi nhạc sàn remix, âm thanh đì đùng y hệt một vũ trường.
Những thanh niên trẻ cho biết, đám cưới này là làm lần 1, còn cuối tuần sẽ có đám cưới làm lần 2 ở bản La Trọng, nếu phóng viên còn lưu lại bản anh em sẽ đưa đi dự đám cưới lại để biết về phong tục của người Khùa.
Ông Hồ Văn Liên chia sẻ câu chuyện đời người cưới 3 lần, “ấm” thêm hạnh phúc trong gia đình người Khùa
Phong tục cưới đi cưới lại tới 3 lần được người Khùa duy trì từ đời này sang đời khác. Thời còn trẻ, con trai và con gái người Khùa tìm hiểu nhau, khi cái bụng đã ưng rồi thì người con trai tới nhà cô gái để dắt vợ vào lúc nửa đêm. Khi đưa được vợ về rồi thì ngày hôm sau sẽ sang nhà gái báo cáo và mang đủ lễ vật như: 1 mâm cơm, 1 hũ rượu, 4 con gà.
Thượng tá Nguyễn Thành Dũng, cán bộ tổ công tác La Trọng, Đồn biên phòng Ra Mai thấy tôi thắc mắc về tục đời người phải cưới 3 lần thì phì cười. Anh Dũng cho biết, mình là người miền xuôi lên vùng cao công tác, vì cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân, nên chuyện đời người cưới đi cưới lại 3 lần anh em tổ công tác cắm bản đều được mời tới dự.