Hầu hết các hệ thống radar mạnh mẽ của Moscow có thể phát hiện các máy bay ném bom từ hàng trăm dặm, các quan chức điện Kremlin tuyên bố. Nhưng theo Forbes, có thể Lầu Năm Góc thực sự muốn họ làm như vậy. Lý do vì sao?
Những chiếc B-52 tám động cơ từ Phi đội ném bom số 5 tại Căn cứ Không quân Minot ở bang Bắc Dakota của Mỹ luôn bận rộn kể từ khi đến châu Âu.
Họ hợp tác với các máy bay chiến đấu của NATO và đồng minh, thực hiện các cuộc tấn công giả vào một tàu khu trục của Hải quân Mỹ và đóng vai kẻ thù trong một trò chơi chiến tranh khổng lồ của NATO.
Đáng chú ý nhất, các máy bay ném bom đã đóng vai trò con mồi trong ít nhất hai hoạt động tình báo nhắm vào các lực lượng Nga. Vào ngày 28 tháng 8 và ngày 4 tháng 9, các máy bay B-52 đã thăm dò các tuyến phòng thủ của Nga xung quanh Biển Đen.
Khi các máy bay chiến đấu của Nga xuất hiện để thách thức các máy bay ném bom này, các máy bay do thám RC-135 của Mỹ và Anh đã bay gần đó, thăm dò các tín hiệu điện tử của Nga.
Các cuộc xuất kích của B-52 rõ ràng là cuộc thu thập thông tin tình báo của NATO. Nhưng nếu nghe câu chuyện từ Điện Kremlin, ý chính ở đây là lực lượng Nga đã phản ứng như thế nào trước các hành động khiêu khích của máy bay ném bom.
“Các biện pháp do bộ chỉ huy lực lượng hàng không vũ trụ Nga (VKS Nga) thực hiện giúp kịp thời nhận biết hoạt động của các máy bay ném bom chiến lược của Không quân Mỹ và lực lượng không quân các nước NATO, cũng như tổ chức các biện pháp đối phó hiệu quả”, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố hôm thứ Sáu, dẫn lời tướng Sergei Vladimirovich Surovikin, chỉ huy lực lượng VKS Nga.
Phản ứng của Nga đối với đợt xuất kích đầu tiên của B-52 rất kiềm chế. Chỉ một chiếc máy bay ném bom B-52 bay qua Biển Đen, nơi mà kể từ khi Nga sáp nhập vùng Crimea trong năm 2014 đã trở nên nguy hiểm hơn đối với lực lượng Mỹ.
Tàu chiến và máy bay chiến đấu của Nga tung hoành trên biển. Hệ thống phòng không của Nga được bố trí dày đặc.
Điện Kremlin tuyên bố: “Tất cả các nhiệm vụ đều được thực hiện bởi các phi công của lực lượng hàng không vũ trụ Nga có trình độ chuyên môn cao. Các nỗ lực ngắn hạn của B-52 để tiếp cận biên giới của chúng tôi đã bị các máy bay chiến đấu của Nga chặn ngay lập tức."
"Không có sự cố hàng không nào", người Nga nhấn mạnh, mặc dù theo tờ tạp chí Mỹ, có rất nhiều bằng chứng cho điều ngược lại. Những chiếc Su-27 được trang bị vũ khí đã bay gần B-52 đến nỗi động cơ đốt sau của chúng đã làm rung chuyển chiếc máy bay ném bom tám động cơ.
Tướng Jeff Harrigian, Tư lệnh Lực lượng Không quân Mỹ tại Châu Âu-Châu Phi nói: “Những hành động như thế này, làm tăng khả năng xảy ra va chạm giữa không trung, là không cần thiết và không phù hợp với các quy tắc bay quốc tế”.
Khi ba chiếc B-52 và một cặp RC-135 lặp lại hoạt động một tuần sau đó, Moscow đã leo thang phản ứng.
Ít nhất một trong những B-52 bay trong vùng trời Ukraine chỉ cách Crimea một vài dặm. Bốn máy bay chiến đấu của Nga từ Belbek – gồm hai chiếc Su-27 và một cặp Su-30 hai chỗ ngồi - đã bay đến biên giới để theo dõi chiếc máy bay ném bom Mỹ.
Một máy bay chuyển tiếp thông tin Tu-214 từ khu vực Moscow đã bay đến để giúp xử lý thông tin liên lạc đến và đi từ các máy bay chiến đấu.
Điều thú vị nhất trong các tuyên bố của Điện Kremlin là những gì họ tiết lộ về cơ sở hạ tầng radar của Nga. Các vụ đánh chặn vào ngày 28 tháng 8 và ngày 4 tháng 9 đều bắt đầu khi radar tầm xa của Nga phát hiện những chiếc B-52 đang đến gần.
“'Việc phát hiện các máy bay B-52 được thực hiện bởi radar vượt đường chân trời ở tầm xa tối đa, giúp các máy bay chiến đấu của lực lượng phòng không đang làm nhiệm vụ có thể nhanh chóng nhắm mục tiêu để đánh chặn, hộ tống tuần tra và ngăn chặn các hành vi vi phạm không phận Nga ”, Điện Kremlin tuyên bố.
Không rõ phía Nga đã đề cập đến loại radar tầm xa nào, nhưng có hai ứng cử viên chính. Điện Kremlin duy trì một radar Container mạnh mẽ ở Kovylkino, cách Moscow 500km về phía đông nam.
Radar Container bao gồm 144 ăng ten trải rộng 1.100m, có tầm hoạt động không ít hơn 3.000km. Crimea cách Moscow khoảng 1.500km.
Người Nga cũng lắp đặt các radar ngoài đường chân trời Sunflower nhỏ hơn, mỗi radar có phạm vi phát hiện 500km, tại các căn cứ chính của hải quân. Có một tổ hợp Sunflower gần Crimea.
Các radar trên đường chân trời có thể phát hiện các mục tiêu lớn như B-52 không tàng hình. Các radar có thể không thể xác định chính xác mục tiêu, đủ độ trung thực để dẫn đường cho tên lửa, nhưng ít nhất chúng cũng có thể giúp dẫn đường cho máy bay chiến đấu, cuối cùng sẽ tự bật radar để bay tới đánh chặn máy bay đối phương.