Một thời khốn khổ
Còn nhớ cách đây vài năm, dư luận cả nước đã giật mình vì tình trạng lạm thu khủng khiếp xảy ra tại xã Hải Lộc, xã giáp biển nghèo nhất của huyện Hậu Lộc. Tại xã này, mỗi năm người dân phải đóng mười mấy loại phí, quỹ cho chính quyền thôn, xã.
Mưu sinh bằng nghề đi biển, đánh bắt ven bờ nên những khoản thu đó là một gánh nặng khiến nhiều gia đình kiệt sức, bấn loạn, không lối thoát.
Để quản lý những khoản thu vô tội vạ trên, chính quyền địa phương đã phát cho mỗi gia đình một cuốn sổ theo dõi đóng góp.
Và, dù thu cùng kiệt sức dân nhưng chính quyền địa phương vẫn có những "chiêu thức" để khiến những con dân khốn khổ của mình phải hoàn thành các khoản đóng góp ghi chằng chịt trong sổ.
Gia đình nào không hoàn thành cơ bản các khoản đóng góp trên sẽ bị "cấm cửa" đến giao dịch với ủy ban.
Vay vốn làm ăn, xin tạm vắng tạm trú, đăng ký kết hôn, chứng sinh, chứng tử đều bị đình lại. Bao giờ trong sổ theo dõi có dòng chữ "đã hoàn thành các khoản đóng góp" thì con dấu mới… thò mặt ra.
Ở thôn Lộc Tiên, mỗi hội gia đình đều có cuốn sổ theo dõi nghĩa vụ đóng góp/
Một "tuyệt chiêu" nữa khiến người dân khóc thét ấy là "đòn" cắt điện. "Đòn" này hiệu nghiệm bởi không có điện vài ngày thì đời sống, sinh hoạt của mọi người cứ gọi là lộn tùng phèo.
Cùng cực nên nhiều nhà đã phải chạy vạy vay mượn để đóng cho đủ.
Một kiểu "tận thu" mà dư luận thực sự sốc bởi nó giống như cướp ngày ấy là "ngón" "quy trữ tài sản tương đương".
Gia đình nào không có tiền mặt để hoàn thành những khoản thu chất chồng trong sổ thì chính quyền địa phương cho "tổ công tác đặc biệt" vào tận nhà để… có gì khuân lấy.
Có hộ dân đã bị chính quyền bê mất cái ti vi. Kinh hãi hơn, có gia đình còn bị "tổ công tác đặc biệt" bốc mất mấy tấm ván canh. Đau xót, mấy tấm ván canh ấy là của để dành, là tài sản duy nhất của ông lão chủ nhà dùng lo phần hậu sự.
Sau khi báo chí lên tiếng, cơ quan chức năng đã nhanh chóng vào cuộc. Hàng loạt những sai phạm về quản lý kinh tế, mất dân chủ, đặc biệt là việc lạm thu đã được phanh phui.
Bây giờ, đời sống người dân ở Hải Lộc đã có nhiều cải thiện. Trụ sở ủy ban đã được xây mới, khang trang, hiện đại hơn.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, ở một số thôn, chuyện thu… vượt sức dân lại bắt đầu nhen nhóm.
Thu đến kiệt cùng
Theo phản ánh của người dân, chúng tôi tìm về thôn Lộc Tiên, thôn mà vài ba năm lại đây người dân kêu trời vì chuyện… làm tối mặt và vẫn không đủ tiền đóng cho cán bộ.
Bà Nguyễn Thị Hiền năm nay vừa tròn 50 tuổi. Tuy bề ngoài có vẻ béo tốt nhưng bà đang mang nhiều thứ bệnh hiểm nghèo. Bà bảo, vài năm nay bà bị chứng bệnh suy thận, suy tim hành hạ. Sự sống của bà phụ thuộc vào sự vay mượn của gia đình và tấm lòng hảo tâm của anh em họ mạc, hàng xóm láng giềng.
"Tháng nào tôi cũng phải mất đến vài ba triệu tiền thuốc. Không có ngần ấy tiền chắc tôi không cầm cự được", bà Hiền mệt mỏi cho biết.
Vài năm nay, theo bà Hiền, ngoài việc tất tả lo số tiền thuốc thì gia đình bà lại còn canh cánh món nợ với… chính quyền.
"Mỗi năm số tiền đóng góp của gia đình tôi lại nhiều lên, nhìn vào sổ mà cứ hoa hết cả mắt", bà Hiền bức xúc.
Ở Hải Lộc, nhiều năm nay, chính quyền xã, thôn theo dõi các khoản nghĩa vụ, đóng góp của người dân bằng cuốn sổ "Theo dõi nghĩa vụ và đóng góp của gia đình". Cuốn sổ này được in cẩn thận, trông giống như sổ khám bệnh mỗi khi đến viện.
Tuy mệt mỏi, chán chường mỗi khi động đến cuốn sổ này nhưng gia đình nào cũng phải giữ gìn, nâng niu bởi nó như là bảo vật gia đình.
Trước đây, mỗi khi lên ủy ban xã giao dịch với ủy ban thì phải mang theo sổ này bởi cán bộ xã chỉ tiến hành cho dấu, xác nhận khi trong sổ đã được ghi dòng chữ "hoàng thành các khoản đóng góp".
Không có dòng chữ này thì mọi thứ phải đình lại kể cả việc liên quan đến sinh mệnh con người.
Bây giờ, theo bà Hiền, khi ra xã xin dấu thì bà vẫn phải mang cuốn sổ này đi. "Không đóng hết nghĩa vụ với xã thì việc xin dấu cũng khó khăn lắm!", bà Hiền cho biết.
"Đây các anh xem, đóng bằng này khoản thì gia đình nhà tôi lấy đâu ra, khổ lắm các anh ạ", bà Hiền nói giọng như sắp khóc.
Bà Chinh, bà Hiền hoảng hồn với những khoản thu được ghi trong sổ theo dõi.
Mở "cuốn sổ Nam Tào" ấy ra, chúng tôi cũng không khỏi giật mình, hốt hoảng. Sổ ghi chi chít những khoảng phí, quỹ, phạt…
Sổ chia làm hai mặt. Mặt trái ghi những khoản đóng góp, mặt phải ghi "hành trình" thực hiện.
Mặt trái, nơi dành ghi các khoản đóng góp chia làm 3 phần. Phần thứ nhất là danh mục thu của xã. Phần thứ hai là danh mục thu của các loại quỹ vận động. Phần cuối cùng là danh mục thu của thôn.
Theo đó, năm 2014, gia đình bà Hiền phải đóng tới 3.940 nghìn đồng. Năm 2015 là 4.372 nghìn đồng. Năm 2016, theo các khoản ghi trên sổ, gia đình bà Hiền phải đóng góp số tiền là 4.192 nghìn đồng.
Bà Hiền bảo, năm nay, bà mới hoàn thành các khoản đóng góp cho xã, còn phần thôn, bởi quá nặng nên bà chưa thể hoàn thành. "Không thể kiếm đâu ra tiền để đóng nữa các anh ạ. Thôi cứ nợ đấy, đến đâu tính đến đó vậy", bà Hiền rầu rĩ.
Những khoản đóng góp năm 2015, 2016 được ghi chằng chịt trong sổ của gia đình bà Hiền.
Trẻ lọt lòng cũng… còng lưng đóng quỹ
Theo bà Hiền, thôn bà đang sống có nhiều khoản thu vô lý, khó hiểu. Và, những khoản thu ấy "nã lên đầu" cả những đứa trẻ mới lọt lòng.
Ví dụ như quỹ thôn là 30 nghìn đồng/ khẩu, quỹ thanh thiếu niên 30 nghìn đồng/ khẩu, quỹ xây dựng hội trường 200 nghìn/ khẩu…
Theo đó, thôn căn cứ vào sổ hộ khẩu để thu tiền. Hộ khẩu nhà bà có 9 thành viên, trong đó mẹ chồng bà đã mất từ năm 2012. Như vậy, hiện trong sổ còn 8 khẩu, gồm vợ chồng bà, các con ruột, dâu và hai cháu nhỏ.
Hai cháu nội của bà đứa sinh năm 2011, đứa sinh năm 2014. Tuy nhiên, cả hai đứa đều phải đóng các khoản nghĩa vụ như một người trưởng thành.
Cũng theo bà Hiền, ở phần đóng góp của thôn, có cả những khoản na ná nhau. "Đã thu quỹ xây dựng hội trường lại còn thu cả quỹ xây dựng sân hội trường. Tôi nhìn vào sổ mà chẳng hiểu gì cả, họ bảo đóng thì cứ cố mà đóng thôi", bà Hiền cho biết.
Hôm chúng tôi đến, bà Hiền đã tá hỏa khi biết trong sổ đóng góp của mình có một khoản thu cao chót vót mà bà chẳng biết tại sao gia đình mình lại được "ưu tiên" như vậy. Ấy là là khoản thu "đắp đất dự trữ".
Theo những người dân thôn Lộc Tiên, "đắp đất dự trữ" là để phòng chống thiên tai, bão lụt.
Đương nhiên, nếu không tham gia thì phải nộp tiền cho thôn. Các gia đình khác thì phải nộp 50 nghìn/ lao động nhưng riêng gia đình bà Hiền phải nộp 100 nghìn. Gia đình bà Hiền có 6 người trong độ tuổi lao động, thôn ghi phải đóng 600 nghìn đồng.
Bụng mang dạ chửa cũng phải tham gia… đắp đất
Thu vô lý, vô tội vạ cũng là nỗi bức xúc của bà Hồ Thị Chinh, hàng xóm của bà Hiền. Trò chuyện với chúng tôi, bà Chinh bảo, nhà bà hiện có 4 khẩu. Tuy nhiên, bởi đi làm ăn xa nên cuối năm 2015 mới chuyển khẩu về gia đình bà.
Dù chẳng mấy khi xuất hiện ở nhà chồng nhưng tất cả các khoản thu của thôn thì ngay từ đầu năm 2015 con dâu bà Chinh đã phải đóng góp.
"Bức xúc nhất là việc con dâu tôi chửa đẻ, rồi nuôi con nhỏ mà người ta vẫn bắt phải tham gia đắp đất dự trữ, không đi được thì phải nộp tiền.
Dù chẳng biết luật nhưng việc lao động công ích này thì phải "tha" cho người bụng mang dạ chửa, người cho con bú chứ!", bà Chinh chia sẻ.
Cháu bà Chinh, vừa sinh cuối năm 2015 thì năm 2016 đã phải đóng nhiều khoản tiền.
Theo bà Chinh, nỗi bức xúc về chuyện con dâu bụng mang dạ chửa vẫn phải "đi bốc đất" chưa kịp nguôi ngoai thì đến năm 2016, khi thôn ghi vào "sổ Nam Tào" những khoản phải đóng trong năm thì một lần nữa bà Chinh lại… nổi cơn tam bành.
Theo đó, cháu nội bà, mới chào đời cuối năm 2015 mà đã bị chính quyền thôn đặt trên vai vô số những khoản đóng góp.
Như một người trưởng thành, cháu nội bà Chinh phải đóng góp quỹ xây dựng hội trường là 200 nghìn đồng.
Khó hiểu hơn, theo sổ theo dõi nghĩa vụ và đóng góp của gia đình thì dù được vài tháng tuổi, cháu nội của bà Chinh cũng vẫn phải tham gia "đắp đất dự trữ" như chính người mẹ vẫn đang cho mình bú.
Đương nhiên, không tham gia thì phải nộp tiền.
(Còn nữa)