Sách Tang thương ngẫu lục của hai tác giả Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án, hoàn thành những năm đầu đời vua Gia Long, kể lại các câu chuyện từ cuối đời Lê, chép như sau:
"Các động, các trại ở Tuyên Quang, phần nhiều ở xen vào tận hang núi, dân bản thổ thường làm nhà sàn để tránh thú dữ. Hồi quan Đốc đồng (chức quan khám xét việc kiện cáo ở các trấn) Nguyễn Đình Thạc ở trấn, có một người khổng lồ vào nhà trong xóm bắt người mà ăn.
Nhà có mười người, ăn mất chín. Một người chạy trốn được lên báo quan; quan cho xe súng lớn đến bắn bừa vào. Người ấy ngồi chết trên nhà sàn, chân thõng xuống tận đất. Lôi ra thì thấy thân thể trần truồng, dài ước hơn hai trượng, tóc ngắn đến vai".
Theo sách cổ, một trượng vào thời Lê tương đương 1,7m, tức là người khổng lồ đó cao khoảng 3,4m.
Ông Nguyễn Đình Thạc quê ở xã Đông Ngạc huyện Từ Liêm, Hà Nội ngày nay. Ông thi đỗ đầu xứ, rồi đỗ Tiến sĩ khoa thi năm Cảnh Hưng thứ 40 đời vua Lê Hiển Tông. Năm đó ông 26 tuổi.
Sau đó ông được bổ làm quan Hàn lâm Thị giảng, rồi thăng đến Đốc đồng Tuyên Quang. Khi vua Quang Trung ra Bắc đánh đuổi quân Thanh, vua Lê Chiêu Thống chạy sang Trung Quốc, ông đi đâu không rõ tung tích.
Sách Tang thương ngẫu lục viết tiếp, sau khi bắn hạ người khổng lồ, ông Nguyễn Đình Thạc lấy làm lạ, về thuật chuyện với quan Bình chương Phan Trọng Phiên. Ông Phan nói:
- Đó là giống người ở biên cảnh Tây Nam. Năm Giáp Ngọ (1774), tôi đi đánh phương nam, có thấy trong kho vũ khố của họ Nguyễn một bộ da người, cũng suýt soát như thế, chứa đầy trấu. Hỏi người coi giữ, họ nói bắt được trong rừng. Chính người này thuộc về giống ấy.
Ông Phan Trọng Phiên là người đồng hương với ông Nguyễn Đình Thạc, cùng quê ở xã Đông Ngạc, Từ Liêm, là hậu duệ của nhà sử học Phan Phu Tiên. Ông đỗ tiến sĩ khoa Đinh Sửu (1757). Ông từng giữ chức Hộ Bộ tả thị lang, tước Tứ Xuyên Bá, sau thăng đến Bình chương, tức tể tướng.
Năm 1774, ông đã được giữ chức Tham tụng, đứng vào bậc đại thần ở Phủ Liêu của chúa Trịnh Sâm.
Tháng 5, năm đó, chúa Trịnh Sâm sai Việp Quận công Hoàng Ngũ Phúc làm thống suất bình Nam thượng tướng quân, thống lĩnh ba vạn quân Nam chinh đánh quân của chúa Nguyễn thì Phan Trọng Phiên được giữ chức Khâm sai, cùng với thuộc sai Nguyễn Hữu Chỉnh… để giúp Hoàng Ngũ Phúc việc quân cơ.
Sử sách nhà Nguyễn chép, tháng chạp năm Giáp Ngọ, quân Lê Trịnh đã chiếm được Phú Xuân - Thuận Hóa. Chuyện ông Phan Trọng Phiên kể đã thấy da người khổng lồ trong vũ khố nhà Nguyễn là trong dịp này.
Tuy nhiên sau đó, đất nước xảy ra chiến tranh liên miên, thành Phú Xuân bị quân Tây Sơn chiếm, rồi sau đó bị vua Gia Long chiếm lại, nên sử sách về sau không ghi chép gì về tài sản trong kho tàng của các chúa Nguyễn nữa.