Ở Việt Nam có 1 nghề được xem là mỏ vàng thực sự, dễ dàng "vô duyên" giẫm phải vàng, kiếm nghìn đô chỉ từ một cuộc điện thoại

Lê Trần Đắc Ngọc |

Tỉ suất lợi nhuận của ngành này là khoảng mười lăm phần trăm nhưng theo nghiên cứu mới đây nhất thì con số này hiện đã lên đến ba mươi, bốn mươi phần trăm.

Đỉnh cao nơi thiên đường

"Đỉnh cao nơi thiên đường" trong nghề sự kiện - cả tôi và bạn - chúng ta đều chưa với tới. Nhưng tôi có một niềm tin mãnh liệt rằng nếu những người làm nghề thực sự tâm huyết, có đam mê, có hoài bão và có khát khao chinh phục những "nấc thang lên thiên đường" thì từng bước, từng bước chúng ta sẽ vươn tới đỉnh cao rực rỡ ấy. 

Ở đỉnh cao nơi thiên đường, người làm sự kiện sẽ có được tiền tài, danh vọng cùng một gia tài kinh nghiệm, kiến thức vô giá mà không sách vở hay trường lớp nào có thể dạy cho bạn.

Trong xã hội hiện tại, tiền được coi là thước đo của sự thành công và công việc chính là con đường dẫn tới thành công đó. Chính vì vậy trước khi bắt tay vào thực hiện một công việc, chắc chắn bạn sẽ đặt ra câu hỏi: "Liệu khoản tiền mà chúng ta nhận lại có nhiều không, có xứng đáng với công sức mà chúng ta bỏ ra hay không?"

Nhiều người cũng từng hỏi tôi câu đó, rằng nghề sự kiện có "trả lương" cho bạn hậu hĩnh không? Thu nhập một tháng bao nhiêu tiền? Thật khó để có thể đưa ra được một con số cụ thể nhưng tôi có thể giúp bạn hình dung được con số ấy bằng chính chuyện đời của tôi.

Năm thứ tư đại học, tức là năm tôi hai mươi hai tuổi, trong khi nhiều bạn bè khác còn đang tất bật với khóa luận, thi tốt nghiệp và ti tỉ loại CV xin việc thực tập đủ cả, tôi đã có thể mua được một căn nhà nhỏ tại Hà Nội cho riêng mình. 

Bạn nghĩ số tiền mua nhà ấy từ đâu mà ra? Làm bằng lái xe với tiền lãi hai mươi ngàn một chiếc ư? Hay công việc đa cấp mà người ta vẫn rêu rao không cần làm gì vẫn ra tiền tỉ? Hay làm MC với cát sê vài trăm ngàn một chương trình? Không. Tất cả đều không phải. Số tiền ấy là do tôi dành dụm mà có được sau vài năm dấn thân vào nghề sự kiện.

Không cần giải thích gì nhiều, tôi có thể khẳng định rằng: nghề sự kiện là một mỏ vàng thực sự. Và người đào vàng nhiều khi cũng giẫm phải vàng một cách "vô duyên". Nói "vô duyên" là bởi nhiều khi nghe dễ dàng đến không tưởng. Chỉ cần một cuộc điện thoại gọi cho ca sĩ từ chỗ anh A sang chỗ anh B, bạn cũng có thể kiếm được một, hai ngàn đô.

Chưa kể còn ti tỉ khoản khác mà bạn có thể kiếm được từ nghề sự kiện: từ các nhà tài trợ, người mẫu, diễn viên, tiền hoa hồng, tiền âm thanh, ánh sáng, hay chỉ vớ vẩn là một vài bó hoa… mà cái đáng nói là những khoản này kể cả những người chập chững mới vào nghề cũng có thể kiếm được. Nhưng để có được mức thu nhập "khủng", bạn phải có tay nghề cứng và mối quan hệ rộng.

Một giá trị đặc biệt tạo nên sức hấp dẫn khác cho đỉnh cao nơi thiên đường, đó chính là danh vọng. Nghề sự kiện hay cụ thể hơn là đạo diễn sự kiện vốn đã có tính chất quản lý, hay nói một cách châm biếm thì đây là "nghề đè lên đầu những nghề khác".

Hiểu một cách đơn giản, xã hội càng phát triển thì càng có rất nhiều ngành nghề phải "bám" vào sự kiện để sống: từ diễn viên, ca sĩ, người mẫu, vũ công, biên đạo hay các đơn vị cung cấp thiết bị sự kiện… Và một trong những người đóng vai trò chi phối họ, không ai khác chính là đạo diễn sự kiện.

Đó là bởi muốn có show diễn, muốn có cát sê cao, những người làm nghề giải trí và ngay cả người nổi tiếng cũng phải có mối quan hệ tốt với các đạo diễn sự kiện tên tuổi. Thái độ cầu thị ấy, cho dù được xây dựng trên mối quan hệ đôi bên cùng có lợi, nhưng vẫn mang lại cho người làm sự kiện "ánh hào quang" danh vọng không gì sánh được. 

Thậm chí do tính chất công việc chỉ là "bề chìm" so với giới văn nghệ sĩ là "bề nổi", "ánh hào quang" ấy còn rực rỡ hơn nhiều lần vì sở hữu "mạng lưới" rộng hơn, tính chi phối cao hơn và khó bị đả kích bởi những scandal showbiz thông thường.

Bản chất của nghề tổ chức sự kiện là sự tổng hợp có chọn lọc của nhiều lĩnh vực khác trong cùng một chương trình. Và tất nhiên làm nhiều, quen biết nhiều, tiếp xúc với đủ mọi tầng lớp, ngành nghề trong xã hội, bạn sẽ có thêm vốn kiến thức "tổng hợp" và một gia tài kinh nghiệm không nhỏ. Với tôi mà nói đây là thứ tài sản vô giá nhất. 

Bởi cùng với tài năng trời phú, những kinh nghiệm ấy sẽ trở thành nguồn vốn không bao giờ cạn trong bất cứ "cuộc đầu tư" nào sau này. Nó có thể cứu sống bạn dù bạn đang tay trắng.

Ở Việt Nam có 1 nghề được xem là mỏ vàng thực sự, dễ dàng vô duyên giẫm phải vàng, kiếm nghìn đô chỉ từ một cuộc điện thoại - Ảnh 1.

Nghề có tương lai tươi sáng

Nhiều người khi nghe đến tiền tài, danh vọng choáng ngợp của nghề như vậy lại nảy sinh nghi ngờ. Có người hỏi tôi: "Liệu tổ chức sự kiện có phải là một nghề mang tính thời điểm? Liệu nó có thể là nghiệp cả đời để gắn bó được hay không?" 

Xin thưa với bạn là hoàn toàn có thể. Bởi nghề sự kiện là "nghề không bao giờ chết". Đặc biệt trong thời điểm hiện nay, nhu cầu về tổ chức sự kiện đang gia tăng mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Kinh tế xã hội phát triển với tốc độ nhanh chóng đi kèm với nhu cầu quảng bá hình ảnh, quảng bá thương hiệu, sản phẩm mới của doanh nghiệp. 

Đó cũng chính là lý do vì sao xuất hiện những loại hình sự kiện đa dạng, từ hội nghị khách hàng, lễ ra mắt sản phẩm, lễ khánh thành, các cuộc thi lớn nhỏ, hội thảo, triển lãm… Các công ty tổ chức sự kiện vì thế mà mọc lên như nấm với quy mô lớn nhỏ khác nhau.

Thực tế là mỗi năm thế giới chi khoảng năm trăm triệu USD cho các sự kiện. Bạn có thể tranh thủ kinh nghiệm "tiệc tùng" của mình để thiết kế, tổ chức các sự kiện cho khách hàng là cá nhân và doanh nghiệp. 

Theo nghiên cứu gần đây của TS. Joe Goldblatt - người sáng lập ra Hiệp hội các sự kiện quốc tế - thì lợi nhuận của ngành tổ chức sự kiện đã, đang và sẽ tiếp tục tăng. Cách đây vài năm, tỉ suất lợi nhuận của ngành này là khoảng mười lăm phần trăm nhưng theo nghiên cứu mới đây nhất thì con số này hiện đã lên đến ba mươi, bốn mươi phần trăm.

Nói xa xôi không bằng gần ngay trước mắt, giờ đây trong các cơ quan, doanh nghiệp lớn đều đã có thêm phòng ban chuyên trách về tổ chức sự kiện. Hoặc đơn giản như đám cưới đám hỏi, hay thậm chí đám ma cũng cần đến người tổ chức sự kiện. Mà những cái "đám" ấy thì không bao giờ hết. 

Mỗi tháng ít nhiều bạn cũng phải đi dự một, hai cái đám cưới, đám ma, vào mùa cưới thì còn kinh khủng hơn nữa vì phải chạy xô từ đám này qua đám khác. Người đi dự còn như vậy thì người tổ chức sự kiện phải "phân thân" mới có thể đáp ứng được.

Đấy là còn chưa kể đến lĩnh vực tổ chức sự kiện của Việt Nam đang khát nguồn nhân lực có trình độ có thể đáp ứng nhu cầu tổ chức các sự kiện lớn. Bởi lẽ ở Việt Nam chưa có trường lớp nào đào tạo chuyên sâu về tổ chức sự kiện. 

Thế nên bạn có thể đi con đường như tôi - một cử nhân chuyên ngành kỹ thuật - đã từng đi, là tự mò mẫm, vừa đi theo học hỏi trực tiếp lý thuyết cũng như những kinh nghiệm của các anh chị đi trước vừa dấn thân khám phá, rút ra những kinh nghiệm cho bản thân. 

Hay ngay cả những ngành nghề đào tạo khác hiện nay cũng có xu hướng chuyển sang làm tổ chức sự kiện, mà đáng kể nhất có lẽ là chuyên ngành marketing.

Marketing, hiểu nôm na là cầu nối giữa doanh nghiệp và khách hàng, được xây dựng bởi các hoạt động hướng tới khách hàng mục tiêu nhằm thỏa mãn nhu cầu và mong muốn của họ thông qua tiếp thị sản phẩm và phát triển thương hiệu. Marketing được chia làm hai hình thức: marketing online và marketing offline.

Với marketing online, doanh nghiệp phải sử dụng môi trường online của internet như các trang web, forum, mạng xã hội (Facebook, Instagram, Twitter…) và mobile (sms, mms,…) để tiếp thị và quảng bá sản phẩm. Trong khi đó marketing offline bao gồm các hoạt động tiếp thị tại nhà, phát tờ rơi hay sản phẩm dùng thử… trong số đó có tổ chức sự kiện quảng bá.

Thoạt nghe thì tưởng tổ chức sự kiện chỉ là một nhịp rất nhỏ của cây cầu marketing, nhưng những ai biết và hiểu về nghề này mới có thể thấy rằng tổ chức sự kiện là đỉnh cao bao trùm tất cả các phương diện của marketing. Bởi lẽ một sự kiện muốn thành công phải kết hợp được đầy đủ các kênh truyền thông từ online tới offline.

Ở Việt Nam có 1 nghề được xem là mỏ vàng thực sự, dễ dàng vô duyên giẫm phải vàng, kiếm nghìn đô chỉ từ một cuộc điện thoại - Ảnh 2.

Người làm sự kiện giỏi chắc chắn làm marketing giỏi

Một người làm sự kiện giỏi cũng giống như người làm marketing giỏi, phải có kiến thức vững chắc về nghề cũng như doanh nghiệp và mặt hàng để xây dựng hình ảnh quảng bá hiệu quả, phải có mối quan hệ rộng để phát huy tính ưu việt trong mạng lưới lan tỏa thông tin, biết nỗ lực không ngừng nghỉ và đặc biệt là phải biết nắm bắt cơ hội.

Người làm sự kiện giỏi chắc chắn sẽ làm marketing giỏi, còn người làm marketing giỏi chưa chắc đã đảm nhiệm tốt vai trò của người tổ chức sự kiện. Chính những yếu tố này là lý do khiến cho rất nhiều bạn trẻ có xuất phát điểm từ chuyên ngành marketing nói riêng và nhiều ngành nghề liên quan khác nói chung chuyển sang theo đuổi nghề sự kiện. 

Tuy nhiên việc đánh giá chính xác năng lực bản thân và nhận thức được tính khắc nghiệt của môi trường làm việc là những điều bạn nên cân nhắc nếu muốn chạm tay tới "đỉnh cao nơi thiên đường".

Vì sự thật là ở quãng đôi mươi như bạn và tôi, chúng ta chẳng có gì ngoài tuổi trẻ. Tuổi trẻ không ngại bước sai đường, cũng chẳng ngại gì mà không đón đầu những hiểm nguy, thử thách.

"Trước hai mươi tuổi hãy học cho tốt… Trước ba mươi tuổi, đi theo sếp giỏi… Trong giai đoạn ba mươi, bốn mươi, cần phải xác định rõ ràng về việc tự kinh doanh…" Triết lý này đã trở thành tuyên ngôn trên toàn thế giới và người viết ra nó đã trở thành vĩ nhân.

Còn riêng tôi, tôi nghĩ khác!

Mười tám tuổi, hãy bươn ra ngoài xã hội để thử thách chính bản thân mình.

Hai mươi tuổi, hãy sáng suốt lựa chọn cho mình một đích để đến và một con đường để đi.

Hai mươi lăm tuổi, nếu bạn vẫn còn đang lạc lối thì khi đó bạn đã thất bại thảm hại. Bởi vì đáng ra bạn phải thành công ở tuổi hai mươi lăm.

Thành công hay thất bại, thiên đường hay địa ngục là do bạn lựa chọn!

(*) Nội dung tham khảo cuốn: Nghề sự kiện- Thiên đường nơi địa ngục. Tác giả: Lê Trần Đắc Ngọc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại