Hầu như không có ai hạnh phúc mãi mãi, và hầu như không có ai chưa từng cảm thấy muộn phiền. Và khi nhìn vào các bằng chứng từ giai thoại, tuổi tác dường như là một yếu tố có ảnh hưởng mạnh mẽ đến hạnh phúc và những nỗi buồn của chúng ta.
Trong khi hầu hết chúng ta đều cho rằng tuổi thơ là tương đối hạnh phúc, thì tuổi trung niên dường như là độ tuổi đặc biệt khó khăn, giống như thuật ngữ “khủng hoảng tuổi trung niên” đã gợi nhắc.
Tuy nhiên, liệu sự gia tăng buồn phiền có liên quan đến tuổi tác chỉ là những báo cáo riêng lẻ, hay là một hiện tượng phổ quát mà hầu hết mọi người trên các quốc gia khác nhau thường gặp, cho đến nay vẫn chưa rõ ràng.
Một nghiên cứu mới, được công bố trên Tạp chí Hành vi & Tổ chức Kinh tế (Blanchflower, 2020), đã điều tra vấn đề này một cách có hệ thống với 14 triệu người từ hơn 40 quốc gia khác nhau.
Những người tham gia đã trả lời câu hỏi trong các nhóm chủ đề liên quan đến hạnh phúc, bất hạnh như sau, theo Psychology Today:
- Sức khỏe tinh thần (Hạng mục này bao gồm các câu hỏi về những ngày sức khỏe tinh thần "không tốt", bị trầm cảm, lo lắng, cảm thấy buồn, căng thẳng, bức bách, trạng thái thần kinh không tốt, bị ám ảnh và hoảng loạn, lo lắng, thất vọng và không hạnh phúc).
- Tương tác và các cảm xúc xã hội (Hạng mục này bao gồm các câu hỏi về cảm giác bị tách biệt khỏi xã hội, không thể vượt qua khó khăn, mất tự tin vào bản thân, tự cho mình là kẻ vô dụng, thất bại, cô đơn và căng thẳng).
- Sức khỏe thể chất (Hạng mục này bao gồm các câu hỏi về các cơn đau phải trải qua và việc không thể ngủ ngon).
- "Sức khỏe quốc gia" (Hạng mục này tập trung vào việc liệu tình hình ở đất nước của người được hỏi có đang dần trở nên tồi tệ hơn vào thời điểm nghiên cứu được thực hiện hay không)
Và kết quả thu được khá rõ ràng: Sự buồn phiền lên đến đỉnh điểm vào cuối độ tuổi bốn mươi, cụ thể là ở tuổi 49.
Nói chung, buồn phiền đi theo một đường cong dạng cầu vồng trong suốt cuộc đời mỗi người. Vì vậy, ở trẻ nhỏ, mức độ phiền muộn còn khá thấp, sau mới dần tăng lên cho đến tuổi 49.
Sau tuổi đó, sự buồn phiền lại giảm và trung bình người già đều ít phải trải qua cảm giác buồn so với những người ở độ tuổi 49.
Kết quả nghiên cứu thêm khẳng định sự tồn tại của “khủng hoảng tuổi trung niên” xảy ra như một hiện tượng chung ở các quốc gia khác nhau.
Vậy tại sao những nỗi buồn lại giảm đi sau tuổi 49?
Tác giả của nghiên cứu đã đưa ra ba gợi ý khác nhau.
Đầu tiên, mọi người có thể từ bỏ những ước mơ bất khả thi sau 49 tuổi và bằng lòng thực hiện những mục tiêu thực tế hơn - việc này có thể hữu ích trong việc giảm bớt buồn phiền.
Thứ hai, những người ít u buồn có thể sống lâu hơn, điều này dẫn đến sự suy giảm cảm giác phiền muộn khi về già.
Thứ ba, đây có thể là một hiệu ứng tương phản, trong đó những người lớn tuổi nhìn thấy những người trong cùng thế hệ mình bị bệnh và qua đời như thế nào, để rồi cảm thấy biết ơn nhiều hơn vì bản thân vẫn có sức khỏe tốt, từ đó giảm bớt những lo lắng, khổ sở không đáng có.
Giai đoạn từ 30-49 tuổi, người ta thường phải gắn mình với trách nhiệm gia đình, xã hội. Họ có nhiều nỗi lo, sự sợ hãi và dễ tức giận.
Sau giai đoạn này, cuộc sống dần giảm bớt áp lực hơn, có nhiều điều thú vị hơn. Càng nhiều tuổi, người ta càng suy nghĩ tích cực, ngừng chú ý đến xung quanh và biết chọn những điều khiến họ vui vẻ.
Những người cao tuổi có cách nhìn nhận các tình huống xã hội tích cực hơn người trẻ. Họ biết cách phớt lờ những kẻ hay gây gổ, bỏ qua những trường hợp xấu và ít tranh đấu hơn thua trong cuộc sống hàng ngày