Ô tô VinFast vào Mỹ: 3 ‘ngọn núi’ chặn ngang - vì sao Trung Quốc đã leo nhưng gục ngã?

Thế Hải |

Trung Quốc từ lâu đã định tấn công vào thị trường ô tô Mỹ, và đến nay vẫn thất bại. Nhưng với VinFast, chúng ta hãy kỳ vọng và chờ đợi!

Nhà sản xuất ô-tô Việt Nam, VinFast đang đẩy mạnh hoạt động xâm nhập thị trường Mỹ thông qua việc giới thiệu hai mẫu xe (VFe35 và VFe36) được thiết kế riêng cho thị trường này. Ngoài ra, VinFast còn ấp ủ kế hoạch IPO trên sàn NASDAQ và dự kiến thu về 3 tỷ USD (đưa giá trị công ty lên mức 50 tỷ USD, ngang với Honda, Hyndai…)

Ô tô VinFast vào Mỹ: 3 ‘ngọn núi’ chặn ngang - vì sao Trung Quốc đã leo nhưng gục ngã? - Ảnh 1.

Mẫu SUV được cho là của Vin Fast ra đời để tham gia vào thị trường Mỹ. Ảnh: Vin Fast.

Tuy nhiên, Mỹ vốn nổi tiếng là thị trường khắc nghiệt nhất thế giới và có nhiều rào cản mà VinFast cần vượt qua nếu muốn biến giấc mơ của mình thành hiện thực, điều mà ngay cả những nhà sản xuất đầy tiềm lực và tham vọng của Trung Quốc như Geely, BYD, GAV,… cũng vẫn đang loay hoay mặc dù đã rất nỗ lực.

Nhiều năm nay, nhờ chiến lược giá thấp, các hãng xe Trung Quốc đã vươn mình để cạnh tranh sòng phẳng và chiếm lĩnh thị phần của những tên tuổi Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, … ngay tại quê nhà (thị trường lớn nhất thế giới) rồi từng bước mở rộng ra toàn cầu. Nhưng bên cạnh một số thành tựu đáng ghi nhận tại châu Âu, Đông Nam Á,… thị trường Mỹ chưa bao giờ là mảnh "đất lành" đối với các công ty Trung Quốc.

Ngay từ đầu thập niên 2000, Tập đoàn ô-tô Triết Giang (Geely) đã lên kế hoạch xâm nhập thị trường Mỹ thông qua các chiến dịch khảo sát, quảng bá và marketing rầm rộ. Năm 2010, công ty còn mua lại thương hiệu Volvo nổi tiếng của Thụy Điển từ Ford để có thêm vũ khí cạnh tranh. Nhưng sau ngần ấy năm, các mục tiêu về thị phần và doanh số của Geely ở Mỹ vẫn chưa hoàn thành được bao nhiêu, thậm chí lợi nhuận còn sụt giảm do ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại Trung – Mỹ.

Ô tô VinFast vào Mỹ: 3 ‘ngọn núi’ chặn ngang - vì sao Trung Quốc đã leo nhưng gục ngã? - Ảnh 2.

Tập đoàn ô-tô Geely của Trung Quốc, mặc dù đã rất nỗ lực nhưng vẫn chưa thể chinh phục thị trường Mỹ. Ảnh: SCMP.

Một hãng đồng hương khác của Geely là Tập đoàn ô-tô Quảng Châu (GAC) mới đây cũng phải tuyên bố hoãn kế hoạch xây dựng nhà máy tại Mỹ, mặc dù trước đó công ty này đã chi không ít tiền cho hoạt động quảng bá, thậm chí còn đưa chiếc xe của mình xuất hiện trong bộ phim bom tấn ở Hollywood: Transformer, trên màn hình ở Quảng trường Thời Đại (Times Square) và thành lập hẳn một trung tâm R&D tại thung lũng Silicon.

Ô tô VinFast vào Mỹ: 3 ‘ngọn núi’ chặn ngang - vì sao Trung Quốc đã leo nhưng gục ngã? - Ảnh 4.

Năm 2014, GAC đã chi rất nhiều tiền để vài mẫu sedan và SUV của mình xuất hiện trong bộ phim Transformer. Ảnh: GAC Motor.

Duy chỉ BYD, với lợi thế của một trong những nhà sản xuất pin lithium hàng đầu Trung Quốc và thế giới, là thu được một chút thành công khiêm tốn khi chiến thắng vài gói thầu cung cấp xe bus chạy điện tại Mỹ, nhờ chính sách trợ giá của chính phủ liên bang và một số tiểu bang. Nhưng theo nhiều nhà phân tích nhận định, không dễ để các nhà sản xuất ô-tô khác của Trung Quốc tiếp bước thành công này của BYD.

Ô tô VinFast vào Mỹ: 3 ‘ngọn núi’ chặn ngang - vì sao Trung Quốc đã leo nhưng gục ngã? - Ảnh 5.

BYD đã giành được vài hợp đồng cung cấp xe bus điện tại Mỹ.

Tại sao việc xâm nhập thị trường Mỹ lại khó khăn đến vậy? Vì có 3 thách thức sừng sững như những "ngọn núi", cản bước bất kỳ "khách bộ hành" nào muốn đặt chân vào đây.  

Thứ nhất, Mỹ là nước có hệ thống tiêu chuẩn nghiêm ngặt nhất thế giới với nhiều quy định hết sức phức tạp liên quan đến đường xá, phương tiện, người đi đường, môi trường… Xe hơi muốn được lưu hành cần phải vượt qua những bài test tại các cơ sở thử nghiệm đã được cấp phép. Đối với các hãng xe nước ngoài, việc đáp ứng đầy đủ những quy định này thường tốn kém rất nhiều thời gian, tiền bạc và công sức.

Thứ hai, xe hơi là một sản phẩm kỹ thuật phức tạp, được lắp ráp từ không dưới 20.000 bộ phận, chi tiết và linh kiện. Muốn bán xe tại Mỹ, nhà sản xuất cần chứng minh được các cấu phần của xe không gây ảnh hưởng đến con người và môi trường. Bất cứ lỗi nào xảy ra cũng có thể dẫn tới hệ quả là xe bị triệu hồi, hãng phải nộp phạt và hứng chịu khủng hoảng truyền thông. 

Đó là bài học của Toyota hồi những năm 2009-2010 với sự cố chân ga, khiến hãng phải triệu hồi gần 10 triệu xe, bị tòa án Mỹ tuyên phạt 1,2 tỷ USD và phải chi thêm hàng tỷ USD nữa để bồi thường cho khách hàng. Đó là bê bối gian lận khí thải năm 2015 khiến Volkswagen tiêu tốn khoảng 33 tỷ USD để khắc phục v.v.

Ô tô VinFast vào Mỹ: 3 ‘ngọn núi’ chặn ngang - vì sao Trung Quốc đã leo nhưng gục ngã? - Ảnh 7.

Nổi tiếng vì chất lượng nhưng Toyota cũng đã không ít lần phải triệu hồi hàng triệu xe tại Mỹ để khắc phục sự cố. Ảnh: Toyota.

Trở ngại thứ ba nằm ở việc xây dựng hệ thống đại lý phân phối. 

Các hãng xe cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đạt được thỏa thuận với chính quyền địa phương (tiểu bang, thành phố) và đào tạo nhân lực. Tất cả đều rất tốn kém và vượt quá khả năng của phần lớn tay chơi. Điều này đặt các hãng trước bài toán: Liệu có nên đầu tư hàng tỷ USD chỉ để bán vài trăm hoặc vài ngàn chiếc xe ở thị trường khắc nghiệt nhất thế giới.

Mặc dù việc cạnh tranh tại Mỹ là chưa bao giờ dễ dàng, VinFast đang có những động thái liên tục cho thấy mình không chịu lùi bước và đi đúng hướng. 

Khác với chiến lược tiếp cận giá rẻ mà các hãng xe Trung Quốc lựa chọn, VinFast muốn chiếm lấy lợi thế ngay từ đầu bằng những sản phẩm chất lượng cao, đó là các mẫu xe điện thông minh được trang bị trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ tự lái tiên tiến... cùng chính sách cho thuê pin (thay vì bán kèm), đồng thời lên kế hoạch mở nhà máy tại Mỹ nếu doanh số bán khả quan...

Vì lý do đó, chúng ta hãy cùng kỳ vọng và chờ đợi!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại