Tại công văn này, VAMA xin hoãn việc thi hành các quy định đối với việc nhập khẩu xe tại Nghị định 116 trong ít nhất 6 tháng với lý do quá trình từ khi đặt hàng, sản xuất, vận chuyển xe ô tô từ nước xuất khẩu đến Việt Nam sẽ mất một thời gian dài.
Ngoài ra, theo VAMA, mỗi doanh nghiệp nhập khẩu xe ô tô cũng cần thêm thời gian để xin giấy phép nhập khẩu xe ô tô theo yêu cầu của Nghị định 116.
"Để có giấy phép này, mỗi doanh nghiệp nhập khẩu xe ô tô cần phải chuẩn bị và nộp các giấy chứng nhận của nhà sản xuất nước ngoài cho việc triệu hồi, hỗ trợ kỹ thuật và cung cấp phụ tùng chính hãng cũng như giấy chứng nhận cơ sở bảo hành bảo dưỡng do Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp", VAMA cho biết.
VAMA cũng đề nghị sửa đổi quy định theo hướng chỉ áp dụng thử nghiệm an toàn và khí thải với lô hàng đầu tiên để lấy chứng nhận kiểu loại do Cục Đăng kiểm cấp và chấp nhận báo cáo thử nghiệp cho các lô hàng tiếp theo trong ít nhất 6 tháng như đề xuất trước đó của Bộ Công Thương hoặc trong 36 tháng giống như quy định đối với báo cáo thử nghiệm cho sản xuất xe trong nước tại Nghị định 116.
"Các thành viên VAMA không thể đáp ứng được yêu cầu này khi cùng kiểu loại xe ở các lô hàng khác nhau nhưng vẫn phải thử nghiệm đi thử nghiệm lại về khí thảo và an toàn.
Yêu cầu này không có nhiều ý nghĩa về mặt quản lý nhà nước mà chỉ làm gia tăng thời gian chờ đợi lên thêm 2 tháng và chi phí lên thêm 10.000 USD để thử nghiệm đối với mỗi kiểu loại xe trong lô hàng", VAMA cho biết.
Đồng thời, kiến nghị Chính phủ chấp nhận giấy chứng nhận của nhà sản xuất nước ngoài cho việc triệu hồi xe ô tô như một phương án thay thế.
Còn đối với yêu cầu về đường thử đối với nhà sản xuất, lắp ráp xe ô tô trong nước, VAMA muốn Chính phủ không áp dụng hồi tố đối với các nhà sản xuất đang hoạt động tại Việt Nam.
"Đây là yêu cầu bắt buộc đối với nhà sản xuất trong nước phải sở hữu hoặc thuê đường thử dài 800m. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, chưa có thành viên VAMA nào có sẵn đường thử như vậy.
Điều này có nghĩa là mỗi thành viên VAMA cần phải xin thêm đất và đầu tư thêm nhiều tiền vào việc xây dựng đường thử mới, hoặc mở rộng đường thử hiện tại, hay phải thuê đường thử", VAMA cho biết.
Đồng thời, khẳng định VAMA không thể đáp ứng được yêu cầu này do không có đủ đất cho việc xây dựng đường thử mới hoặc mở rộng đường thử. Việc thuê đường thử cũng được cho biết là không khả thi do chi phí thuê và vận chuyển xe từ nhà máy đến đường thử và ngược lại rất cao vì Nghị định 116 yêu cầu 100% xe sản xuất ra phải chạy thử trên đường thử.
"VAMA cũng mong muốn Chính phủ áp dụng giải pháp tương tự như Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nêu trong dự thảo Nghị định hướng dẫn để thi hành luật bảo vệ môi trường là miễn áp dụng quy định doanh nghiệp phải xây dựng hồ kiểm chứng có khả năng lưu giữ nước thải trong 72h nếu doanh nghiệp không còn đủ đất, hoặc đã có giải pháp thay thế là hệ thống quan trắc tự động", văn bản nêu.